16/08/2021 10:44 GMT+7

Vì sao Kabul thất thủ quá nhanh khiến các cố vấn của ông Biden choáng váng?

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Mọi tính toán về "tuổi thọ" của chính quyền Kabul sau khi Mỹ rút quân cho đến giờ đều đã sai lầm. Đội quân được Mỹ huấn luyện và trang bị các khí tài hiện đại đã tan ra như giấy trong nước trước đà tiến công của Taliban.

Vì sao Kabul thất thủ quá nhanh khiến các cố vấn của ông Biden choáng váng? - Ảnh 1.

Các binh sĩ Afghanistan tại một địa điểm huấn luyện của Mỹ ở tỉnh Helmand năm 2016 - Ảnh chụp màn hình New York Times

Theo báo New York Times, các cố vấn hàng đầu của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thừa nhận rằng họ bị choáng váng trước sự sụp đổ nhanh chóng của quân đội Afghanistan, rằng Taliban đã có một chiến dịch quân sự đa hướng và được lên kế hoạch tốt nhất trong 20 năm qua.

Người Mỹ đã duy trì các lực lượng ở Afghanistan lâu hơn nhiều so với người Anh đã làm trong thế kỷ 19, lâu gấp đôi so với Liên Xô trong thế kỷ trước, nhưng tất cả đều dẫn tới cùng một kết cục: rút lui sau một trận chiến không bao giờ thắng.

Binh sĩ bạc nhược

Báo New York Times bình luận thất bại của chính quyền Kabul còn là thất bại của người Mỹ: Washington đã dành 20 năm, chi hơn 83 tỉ USD để huấn luyện và biến quân đội Afghanistan thành một đội quân hiện đại, đủ sức tự chiến đấu.

Với sự đầu tư đó, các cơ quan tình báo Mỹ đã dự đoán Kabul có thể đứng vững trước Taliban thêm ít nhất 18 tháng nữa.

Song, tất cả đã sụp đổ chỉ trong vòng vài tuần ngắn ngủi.

Sự tan rã của quân đội Afghanistan đã bắt đầu hiện rõ từ nhiều tháng trước, trước cả khi Tổng thống Biden tuyên bố Mỹ sẽ rút quân trước ngày 11-9 và dời lại ngày 31-8.

Đà suy yếu khởi đầu từ những tiền đồn lẻ tẻ của quân đội Afghanistan ở nông thôn, nơi các binh sĩ và cảnh sát đói khát, cạn kiệt đạn dược bị Taliban bao vây.

Bằng lời hứa sẽ bảo đảm an toàn cho các binh sĩ nếu họ đầu hàng và bỏ lại vũ khí, Taliban đã nhanh chóng củng cố sức mạnh và mở rộng khu vực kiểm soát. 

Các khí tài hiện đại do Mỹ sản xuất trở thành "kho báu" với quân nổi dậy và được sử dụng để chống lại chính quyền Kabul.

Trong nhiều cuộc phỏng vấn khác nhau, các binh sĩ và cảnh sát Afghanistan đã mô tả những khoảnh khắc tuyệt vọng và cảm giác bị bỏ rơi giữa vòng vây quân thù.

Các đoạn video do Taliban đăng tải, về cuộc diễu hành với những chiến lợi phẩm thu được từ Mỹ và quân đội Afghanistan, hoặc các video "trừng phạt" những người không chịu đầu hàng, càng làm nhuệ khí thêm hao mòn.

Những câu chuyện đó dẫn tới một suy nghĩ ngày càng lan rộng trong quân ngũ: không đáng để chiến đấu và chết vì chính quyền Kabul hiện tại. Đào ngũ hay đầu hàng và chuyển sang chiến đấu cùng Taliban là điều khó tránh khỏi.

"Không có khu vực nào bị thất thủ vì những thiệt hại trong giao tranh. Tất cả đều là hậu quả của chiến tranh tâm lý", tướng Abbas Tawakoli - chỉ huy một quân đoàn đã bại trận - đổ lỗi cho chính quyền Kabul.

Vì sao Kabul thất thủ quá nhanh khiến các cố vấn của ông Biden choáng váng? - Ảnh 2.

Các tay súng Taliban bên cạnh chiến lợi phẩm là một xe quân sự bọc thép bị bỏ lại tại tỉnh Herat ngày 13-8 - Ảnh: AFP

Chính quyền tham nhũng

Sự thiếu hỗ trợ và rệu rã của chính quyền đã ở mức ông Abdulhai - sĩ quan cảnh sát chỉ huy phòng tuyến phía bắc của thành phố Kandahar - tin rằng việc Tổng thống Ashraf Ghani lên nắm quyền là một phần trong âm mưu lớn nhằm trao lại toàn bộ Afghanistan cho Taliban.

Hôm 11-8, ông Ghani đã sa thải tư lệnh quân đội và thay thế bằng thiếu tướng Haibatullah Alizai. Lực lượng biệt kích dưới quyền của tướng Alizai là đội quân duy nhất đã liên tục chiến đấu với Taliban trong những tuần qua. Sự thay đổi muộn màng đó đã không tạo ra biến chuyển nào trên chiến trường.

Kandahar, thành phố lớn thứ hai của Afghanistan, thủ phủ kinh tế của miền nam, đã thất thủ vào cuối tuần trước.

Nạn tham nhũng đã ăn sâu vào bộ máy chính quyền Kabul trong những năm qua. Cộng thêm nhiều yếu tố khác, chính quyền Biden đã đi đến kết luận nếu có ở thêm 1 hoặc 2 năm nữa cũng sẽ chẳng thể thay đổi được gì tại Afghanistan, theo New York Times.

Nếu những người lính chính phủ xem được đoạn video Taliban quay lại cảnh bên trong dinh thự xa hoa, đầy những vật dụng bằng vàng của giới tướng lĩnh, hẳn họ sẽ thấy hối tiếc vì đã cầm súng và chiến đấu dù không được trả lương suốt nhiều tháng liền.

Trên giấy tờ, quân đội Afghanistan có đến 300.000 binh sĩ, được trang bị hiện đại và sở hữu không quân - thứ mà Taliban không có.

Nhưng theo New York Times, con số trên thực tế chỉ bằng 1/6. Các quan chức Afghanistan biết rõ những con số này, nhưng vẫn làm ngơ và tiếp tục để mọi thứ diễn ra hòng có cơ hội tham nhũng.

Việc Mỹ và đồng minh kiên quyết xây dựng quân đội Afghnistan theo mô hình phương Tây cũng là một sai lầm.

Mô hình này đòi hỏi các nguồn lực khổng lồ cho huấn luyện, trang bị vũ khí và hậu cần. Những thứ này hoàn toàn vượt quá khả năng tự xoay xở của Kabul nên khi Mỹ và đồng minh rút nguồn hỗ trợ, quân đội Afghanistan tan rã là điều dễ hiểu.

Điều này thể hiện rõ nhất trong những ngày cuối cùng của chế độ Kabul. Khi Taliban tiến như vũ bão vào các thành phố trọng yếu, giới lãnh đạo như ông Ghani đã phải cầu cứu đến các nhóm dân quân chống Taliban ở địa phương.

Tổng thống Afghanistan (nay đã là cựu tổng thống) liên tục kêu gọi tái tổ chức và triển khai quân đội, lực lượng an ninh. Đó là một sự ngầm xác nhận các lực lượng vũ trang Afghanistan đã tan rã trước khi Taliban tiến vào Kabul.

Những thông tin hiếm hoi về các lãnh đạo Taliban Những thông tin hiếm hoi về các lãnh đạo Taliban Tổng thống Afghanistan rời đất nước, Taliban đã kiểm soát dinh tổng thống Tổng thống Afghanistan rời đất nước, Taliban đã kiểm soát dinh tổng thống Video Taliban xông vào dinh thự, ngắm nghía đồ bằng vàng của tướng Afghanistan Video Taliban xông vào dinh thự, ngắm nghía đồ bằng vàng của tướng Afghanistan
DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên