14/04/2024 10:37 GMT+7

Vì sao chơi thể thao thấy đau ở vùng gót chân?

Một ngày đẹp trời sau khi ngủ dậy, bước xuống giường, chúng ta tự nhiên thấy nhói ở vùng gót chân, đi lại rất đau. Triệu chứng đó cứ lặp đi lặp lại khiến cho chúng ta khó chịu.

Bác sĩ Hoàng Văn Triều tư vấn về sức khỏe thể thao cho bạn đọc Tuổi Trẻ Online  - Ảnh: NVCC

Bác sĩ Hoàng Văn Triều tư vấn về sức khỏe thể thao cho bạn đọc Tuổi Trẻ Online - Ảnh: NVCC

Bác sĩ CKI Hoàng Văn Triều (đơn vị y học thể thao, khoa chấn thương - chỉnh hình Bệnh viện Nguyễn Tri Phương) tư vấn với người chơi thể thao thường gặp phải triệu chứng này:

Đó là một trong những triệu chứng của bệnh viêm cân gan chân. Cân gan chân là một hệ thống dây chằng ở vùng lòng bàn chân giữ cho bàn chân có sự đàn hồi để chúng ta di chuyển.

Tuy nhiên qua quá trình làm việc cũng như sự lão hóa của cơ thể thì cân gan chân trở nên giảm tính đàn hồi và bị co rút nhiều hơn. Điều này gây nên viêm điểm bám, đặc biệt là ở vùng gót chân. Đó chính là tình trạng viêm cân gan chân.

Đặc điểm của viêm cân gan chân

Ở vùng cân gan chân, điểm bám là chỗ gân gót chân - nơi mà toàn bộ trọng lượng cơ thể đè lên. Khi chúng ta đứng dậy, toàn bộ trọng lượng sẽ đè lên vùng gót chân khiến cho vùng viêm bị đau.

Khi đi lại một thời gian thì cân gan chân được vận động nên nó sẽ trở nên mềm dẻo hơn. Từ đó làm giảm triệu chứng đau.

Đối tượng dễ bị viêm cân gan chân

Những người thường gặp chấn thương vùng bàn chân, người hay chơi thể thao, người lớn tuổi, người làm công việc phải đứng một chỗ nhiều hoặc người đi lại quá nhiều.

Cuối cùng là những người hay đi chân không trong nhà. Khi cân nặng của chúng ta tăng lên, trọng lượng đè lên vùng gót chân nhiều sẽ dễ khiến cho bị viêm cân gan chân.

Cách nhận biết triệu chứng của viêm cân gan chân

Chơi thể thao nhiều cũng dễ dẫn đến viêm cân gan chân - Ảnh: TSI

Chơi thể thao nhiều cũng dễ dẫn đến viêm cân gan chân - Ảnh: TSI

Đầu tiên người bệnh sẽ đau ở vùng gót chân, đặc biệt cơn đau sẽ dữ dội khi chúng ta ấn vào vùng này. Đau cũng tăng khi chúng ta đi lại, đặc biệt là đi chân không.

Một số trường hợp khác sẽ có viêm phù nề. Người bệnh không thể bỏ chân xuống giường để đi lại hoặc di chuyển được.

Việc chẩn đoán sớm và điều trị viêm cân gan chân là một điều hết sức cần thiết để tránh tình trạng viêm cân gan chân chuyển qua giai đoạn mãn tính. Vì khi bước vào giai đoạn này, việc điều trị sẽ trở nên rất khó khăn.

Điều trị viêm cân gan chân như thế nào?

Để tránh tình trạng viêm cân gan chân, mọi người cần lưu ý một số đặc điểm:

- Đầu tiên, không nên đứng một lúc quá lâu.

- Nếu di chuyển quá nhiều trong ngày thì cũng cần những khoảng thời gian để cơ thể thư giãn.

- Nên mang những đôi giày vừa chân, đế mềm, hạn chế mang giày cao gót.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần có những bài tập thể dục và động tác vật lý trị liệu. 

Một điều bác sĩ thường hay khuyên người bệnh đó là phải thường xuyên mang dép, đặc biệt là dép đế mềm, dù ở trong nhà, phòng tắm hay đi ra ngoài đường. Vì khi đi bằng chân không trong nền cứng sẽ khiến cho điểm tiếp xúc bị tác động lực nhiều hơn và dễ bị viêm hơn.

Quan trọng là mọi người nên hạn chế việc bị tăng cân. Khi trọng lượng quá lớn, cơ thể sẽ đè lên vùng gót chân nhiều và dẫn tới nguy cơ viêm cân gan chân dễ xảy ra.

Nếu trường hợp viêm cân gan chân kéo dài khiến cho người bệnh khó chịu thì nên đến bác sĩ thăm khám để có những lời khuyên phù hợp hơn.

Đối với trường hợp người bị viêm cân gan chân đã nghỉ ngơi một cách hợp lý nhưng triệu chứng vẫn không giảm, gây khó chịu cho quá trình sinh hoạt thì cũng nên đến các bác sĩ chuyên khoa để thăm khám và tư vấn kỹ hơn.

Cụ ông 93 tuổi khiến giới khoa học sửng sốt vì tim, phổi khỏe như người 40 tuổiCụ ông 93 tuổi khiến giới khoa học sửng sốt vì tim, phổi khỏe như người 40 tuổi

Năm nay 93 tuổi, ông Richard Morgan - nhà vô địch chèo thuyền trong nhà - trở thành nhân vật thú vị với giới khoa học vì tim, cơ và phổi của ông đều trẻ như người ở tuổi 40.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên