03/09/2015 11:15 GMT+7

Vedan khởi kiện bột ngọt nhập khẩu từ Trung Quốc bán phá giá

TRẦN VŨ NGHI
TRẦN VŨ NGHI

TTO -  Sản phẩm bột ngọt trong nước đang bị bột ngọt nhập khẩu từ Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan đe dọa, trong đó lượng nhập khẩu bột ngọt từ Trung Quốc chiếm đến 76%...

Mua bán bột ngọt Trung Quốc.  Ảnh tư liệu: Khương Văn

Sau gần một tháng thụ lý hồ sơ, Bộ Công thương vừa chính thức quyết định điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng bột ngọt nhập khẩu từ các nước vào VN theo đơn yêu cầu của Công ty cổ phần hữu hạn Vedan VN (Vedan).

Giữ vai trò nguyên đơn và chiếm 46,95% lượng bột ngọt sản xuất trong nước, Vedan cũng nhận được sự đồng thuận từ Công ty TNHH Miwon VN cùng một số doanh nghiệp sản xuất bột ngọt khác trong nước để đáp ứng đủ tỉ lệ 59,19% sản lượng bột ngọt sản xuất trong nước, phù hợp với quy định khởi kiện trong lĩnh vực phòng vệ thương mại hiện nay.

Theo nguồn tin Tuổi Trẻ, trong đơn khởi kiện bột ngọt nhập khẩu từ nước ngoài gởi Bộ Công thương về hàng hóa nhập khẩu, Vedan cho rằng sản phẩm bột ngọt trong nước đang bị bột ngọt nhập khẩu từ Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan đe dọa nghiêm trọng bột ngọt trong nước. 

Trong đó lượng nhập khẩu bột ngọt từ Trung Quốc chiếm đến 76% trong tổng lượng nhập khẩu của năm 2014, bỏ rất xa tỉ lệ 13% từ Thái Lan và 11% từ Ấn Độ.

Nếu quy đổi theo tỉ lệ tương ứng thì đến năm 2014, lượng bột ngọt nhập khẩu đã tăng đến 341,4% so với năm 2012.

Trong khi về mặt bằng giá, giá nhập khẩu bột ngọt từ Trung Quốc chỉ vào khoảng 47,2% so với giá bình quân bán ra của Vedan, dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh tại thị trường trong nước, ảnh hưởng đến doanh thu và sản lượng tiêu thụ của các doanh nghiệp có sản phẩm tương tự cùng loại với hàng nhập khẩu.

Nguyên đơn cáo buộc bột ngọt nhập khẩu đẩy doanh nghiệp vào tình thế khó khăn. Công ty buộc phải cắt giảm lượng sản xuất, tăng mức chiết khẩu, khuyến mãi để giữ chân khách hàng, khiến chi phí gia tăng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi nhuận của công ty, nhưng tồn kho vẫn không giảm.

Nếu năm 2013 lượng tồn kho bột ngọt của Vedan chỉ tăng 10% so với năm 2012 thì đến năm 2014, lượng tồn kho đã tăng đến 19,5% so với năm 2013, bất chấp việc doanh nghiệp này đã điều chỉnh sản lượng sản xuất.

Vedan kiến nghị cơ quan chức năng “khẩn thiết áp dụng biện pháp tự vệ để bảo về ngành sản xuất bột ngọt trong nước”, trong đó áp thuế tương đối ở mức 20% tính trên giá trị nhập khẩu CIF của lô hàng trong thời gian từ năm 2015 đến hết năm 2019.

Riêng trong thời gian điều tra, áp dụng tạm thời ở mức 20% thuế nhập khẩu tính trên giá trị nhập khẩu CIF đối với tất cả các sản phẩm bột ngọt nhập khẩu từ các nước vào Việt Nam trong vòng 200 ngày nhằm “tháo gỡ khó khăn cho công ty và đảm bảo khả năng cạnh tranh của sản phẩm bột ngọt sản xuất trong nước”.

TRẦN VŨ NGHI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên