19/12/2021 10:18 GMT+7

Vào đại học bằng gói xôi chia đôi

CÔNG TRIỆU
CÔNG TRIỆU

TTO - "Dù biết Lành nghị lực, nhưng trong hoàn cảnh mẹ mất, bố ốm đau liên miên thì tôi lo cho em ấy quá...", dòng tin nhắn của một cô giáo dạy văn ở tỉnh Tây Ninh gửi lúc 22h đêm khiến chúng tôi trăn trở.

Vào đại học bằng gói xôi chia đôi - Ảnh 1.

Với Lành, học là cơ hội duy nhất giúp bản thân thoát khỏi vòng luẩn quẩn của khó khăn - Ảnh: CÔNG TRIỆU

Hôm Nguyễn Thanh Lành biết mình đỗ vào Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM với 23,3 điểm, người trong ấp Trường Ân (xã Trường Đông, huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh) vui mừng cho cậu học trò hiếu thảo, hiếu học của vùng và mong cậu dừng"đứt gánh" đường học vì nghèo.

Việc lên TP học sẽ rất tốn kém, khó khăn nhưng mình tin sẽ làm được, sẽ vượt qua. Mình sợ nếu không học thì sẽ mãi giậm chân một chỗ, mãi sống trong nghèo khó.

NGUYỄN THANH LÀNH

Tiết kiệm từng đồng

Nhờ chỉ dẫn nhiệt tình của người dân ấp Trường Ân, chúng tôi tìm đến nhà của Lành. Đó là một ngôi nhà cấp 4 thấp lè tè, chắp vá nhiều chỗ và trống huơ trống hoác. "Chị gái mình là F0, hai cha con phải qua ở tạm bên này", Lành nói với vẻ e ngại.

Nguyễn Thị Thanh Hiền (23 tuổi, chị gái của Lành) đã tốt nghiệp Trường ĐH Lao động xã hội CS.II hơn một năm nay mà chưa có việc làm. Để xoay xở, Hiền xin vào tiệm làm tóc để học thêm nghề nữa, vừa phụ việc cho chủ để kiếm thêm thu nhập. Ngặt nỗi vừa học vừa làm chẳng được bao lâu thì dịch bệnh bùng phát, rồi Hiền cũng trở thành F0 lúc nào chẳng hay.

Nhà nhỏ và không đủ điều kiện nếu sống chung với F0 nên hai cha con ông Nguyễn Văn Liệu - cha của Lành - dọn sang căn phòng nhỏ của Trường Trường Đông đối diện nhà để ở. Vì dịch bệnh nên học sinh chưa đến trường, ông Liệu lại là bảo vệ nên việc ở tại trường cũng thuận tiện trông nom cơ sở.

Ngày Lành thi lên lớp 10 Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha (TP Tây Ninh), mẹ của cậu đổ bệnh đau tim. Bệnh tình chuyển nặng sang nhiễm trùng đường huyết và mất ngay sau đó. Ở tuổi 16, Lành mãi mãi mồ côi mẹ.

Lành nói nhớ lắm những ngày được mẹ chở đi học, vì chung đường, mẹ đến thư viện tỉnh (làm thủ thư) còn cậu đến trường. Không còn mẹ, Lành chuyển hẳn xuống thành phố để trọ học. Thời gian đầu Lành ăn cơm bụi, nhưng vì tốn kém nên cậu tự sắm bếp, mua xoong nồi rồi tự nấu ăn. Những hôm lịch học dày đặc, Lành thủ sẵn trong balô một phần xôi. Một nửa Lành dành ăn sáng, nửa để dành cho bữa trưa ở trường. Xôi để lâu nên nguội lạnh nhưng Lành chấm muối tiêu tự làm rồi ăn ngon lành.

"Lúc đó chỉ nghĩ được rằng ăn cho đỡ đói để chiều học tiếp thôi, vì tiền trọ mỗi tháng hơn 800.000 đồng rồi nên tiết kiệm được ngàn nào quý ngàn đó", Lành cười.

Mơ những chuyến đi xa

Không những hiền lành, chàng trai tuổi 18 này còn rất lanh lợi, hát hay và đặc biệt là chơi đàn guitar rất tài. Người dân ở xã Trường Đông mến cậu bởi tính chịu thương chịu khó. Như trong hai mùa Tết gần đây, Lành không có quần áo mới, không nô nức vui xuân như đám bạn cùng trang lứa mà tranh thủ xin vào làm tại một tiệm trà sữa trong vùng. 

Lương làm Tết cao hơn bình thường (chừng 2,5 triệu đồng/mùa) nên Lành ráng cố gắng. Đến dịp lãnh lương, phần nhiều cậu cất lại để trả trọ, phần phụ thêm cho cha để lo bánh trái mùa Tết. "Làm một tháng Tết thì đỡ được hai ba tháng tiền trọ nên cũng mừng", Lành tâm sự.

Song song cùng hành trình đến trường là chuỗi ngày Lành một mình vượt qua bao gian khó, thiếu thốn. Thế nhưng suốt 12 năm học, chàng trai này luôn là học sinh khá giỏi. Để theo đuổi ước mơ trở thành một kỹ sư viễn thông, Lành quyết tâm thi đỗ vào ngành điện tử viễn thông (ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM).

Giờ đây, khi tự tay đặt cho mình những viên gạch nền móng đầu tiên - trở thành tân sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, Lành nói rằng giấc mơ ấy thêm phần mãnh liệt. Những ngày này, Lành đang miệt mài theo học các lớp trực tuyến ở trường từ chiếc laptop cũ chị gái để lại. Để theo kịp các phần kiến thức mỗi lần bị gián đoạn vì 4G mất sóng, hết dung lượng, Lành nhờ bạn cùng lớp chụp lại bài giảng. Cậu vạch ra một kế hoạch học tập rõ ràng. Đầu tiên là đăng ký ở trọ tại ký túc xá của trường. Rồisẽ tìm một công việc bán thời gian. Khi đã có ít kiến thức, Lành tiếp tục tìm việc liên quan đến điện tử viễn thông để vừa làm vừa tích lũy kiến thức, kinh nghiệm.

Lành tâm sự bản thân rất thích những chuyến đi xa. Việc biết nhiều nơi, học nhiều điều mới mẻ, bổ ích luôn thôi thúc cậu không ngừng phấn đấu.

Lành rất mê đàn hát. Sau giờ học, đàn hát giúp Lành thoải mái tâm trí và đặc biệt là vơi đi nỗi nhớ mẹ. Lành tâm sự bản thân không phải quá mạnh mẽ để có thể vượt qua được nỗi đau nhanh đến thế. Cũng không phải quá khôn khéo để có thể tự lo cho mình, nhưng trước khó khăn thì Lành luôn lạc quan.

Nhiều người bạn khi hiểu được hoàn cảnh của Lành đã thường xuyên tâm sự, sẻ chia. Sợ bạn buồn khi phải dọn sang trường mầm non tá túc tạm, Khánh Sơn - bạn thân của Lành - đã gửi bạn mượn cây đàn guitar điện. "Thầy cô, bạn bè ở trường cũng đã giúp mình rất nhiều trong thời gian qua", Lành tâm sự.

Cô gái mồ côi được miễn phí ký túc xá khi nhập học Cô gái mồ côi được miễn phí ký túc xá khi nhập học

TTO - Chiều 9-12, ký túc xá Trường đại học Kinh tế TP.HCM đã tiếp nhận một tân sinh viên được nhận học bổng Tiếp sức đến trường của báo Tuổi Trẻ.

CÔNG TRIỆU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên