26/09/2017 20:41 GMT+7

Tường trình từ một người 'hành xác' ở Sa Pa - VMM 2017

THANH TRỰC
THANH TRỰC

TTO - Đau đớn, mệt mỏi và nhiều cung bậc cảm xúc khác, nhưng những con người thích 'hành xác' ấy vẫn tiếp tục tiến lên trên đường chạy Vietnam Mountain Marathon 2017 ở Sa Pa.

Tường trình từ một người hành xác ở Sa Pa - VMM 2017 - Ảnh 1.

Đích đến tươi đẹp và những tràng pháo tay là sự tưởng thưởng cho ý chí của mỗi vận động viên khi về đích - Ảnh: T.TRỰC

Nghiện cảm giác đau đớn của từng thớ cơ trên người mỗi khi di chuyển là điều nghe rất lạ, nhưng đó là một phần trong rất nhiều điều có thể nói về những 'chiến binh' tham gia chặng đường chạy địa hình đường núi Vietnam Mountain Marathon (VMM) 2017 tại Sa Pa từ ngày 23 đến 24-9 vừa qua.

VMM là chặng đua địa hình khó khăn nhất được tổ chức thường niên tại Việt Nam và đường đua là những cung đường uốn lượn qua các bản làng cùng các ngọn núi của dãy Hoàng Liên Sơn ở Sa Pa. Cảnh vật đẹp mê hồn và chặng đường chông gai nhiều thử thách khiến VMM 2017 thu hút đến 2.538 người tham gia đến từ rất nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Thụy Điển, Thụy Sĩ, New Zealand, Ukraine, Pháp, Nhật, Anh, Nam Phi, Ấn Độ, Úc... và cả các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Philippines, Brunei, Hàn Quốc, Malaysia... Chiếm đông đảo nhất là Việt Nam.

Tường trình từ một người hành xác ở Sa Pa - VMM 2017 - Ảnh 2.

Một khung cảnh ruộng bậc thang trên đường chạy - Ảnh: T.TRỰC

Các chiến binh, họ là ai?

VMM là chặng đua kỳ lạ, nơi không dành riêng cho các vận động viên chuyên nghiệp hay bán chuyên nghiệp. Nó thu hút từ các cô nhân viên văn phòng nhỏ nhắn, những anh giám đốc tập đoàn hay cả tập thể một công ty, hoặc thậm chí là các anh 'bụng phệ' tham gia để thử sức mình với các chặng 10km, 21km (bán marathon) hay 42km, 70km và 100km.

Hầu hết người tham gia đều muốn thử sức hoặc vượt qua chính mình, ngoại trừ các vận động viên chuyên nghiệp tranh giải để tích lũy điểm thành tích (điểm UTMB / Ultra-Trail du Mont-Blanc) để tham gia các giải chạy địa hình chuyên nghiệp khác trên thế giới. Tỉ lệ nữ tham gia và thành tích không hề thua kém số lượng nam giới. Những hình ảnh các cô gái mảnh khảnh lướt trên các tảng đá dốc cao để lại ấn tượng rất lớn trên hành trình.

Tường trình từ một người hành xác ở Sa Pa - VMM 2017 - Ảnh 3.

Đông đảo người tham gia từ rất nhiều quốc gia hào hứng trước vạch xuất phát chặng 21km sáng 23-9 - Ảnh: T.TRỰC

Điều đáng chú ý là không ít người chỉ mới tham gia lần đầu vì nhiều lý do và năm nay chặng bán marathon 21km được lựa chọn nhiều nhất. Có người bị bạn bè rủ rê lơ ngơ đăng ký đại, có người thích leo núi, có người thích chạy bộ nay thử sức với chạy địa hình, có người trong hội thích thể thao của công ty, có 'anh già' gần 60 tuổi, hay có người thích chụp ảnh 'sống ảo' đẹp lung linh trên các chặng đường. Tất cả đều dần nhận ra mình 'bị lừa' bởi một yếu tố chủ quan nào đó và đối mặt với thử thách có thể nói là khó khăn nhất với bản thân mình.

Chạy từ... buổi đêm đến đêm hôm sau

Những vận động viên tham gia chặng 'siêu marathon' (Ultra Marathon) 70km và 100km thường được gọi vui là 'siêu nhân', do những thử thách của họ tăng lên bội phần theo quãng đường.

Chặng 100km xuất phát lúc 22h, các vận động viên băng qua màn đêm, chạy bộ và leo hàng loạt đỉnh núi cao hơn 1.600 - 1.700m trong bóng tối mịt mùng, được rọi sáng bằng một ngọn đèn pin đeo trên đầu, cặp gậy là cánh tay nối dài để dọ đường, loe ngoe một ít ánh sáng từ các cột tre phản quang được ban tổ chức đánh dấu ở những đoạn đường nguy hiểm.

Tường trình từ một người hành xác ở Sa Pa - VMM 2017 - Ảnh 4.

Các thành viên nhóm Vietrunners tham gia chặng 100km và 70km chuẩn bị cho chặng đường vào buổi khuya - Ảnh: Đoàn Phương

Họ chạy từ đêm hôm trước đến đêm hôm sau là mô tả chân thực về chặng 'siêu marathon' 100km và trong số 62 người thử thách chặng đua này có 12 nữ vận động viên. Một số ít vận động viên chuyên nghiệp chặng 100km đã kịp về đến từ ban trưa đến xế chiều.

Vị trí về nhất và ba trong top ba chặng 100km là hai vận động viên Việt Nam lần lượt gồm Quang Trần (13 giờ 17 phút) và Cao Ngọc Hà (15 giờ 44 phút). Về nhì là vận động viên người Philippines Manolito Divina (14 giờ 33 phút).
Tường trình từ một người hành xác ở Sa Pa - VMM 2017 - Ảnh 6.

Chị Nguyệt Đỗ, nữ vận động viên tham gia chặng 'siêu marathon' 100km, về đích trong đêm - Ảnh: ĐOÀN PHƯƠNG

Bạn có thể nhận ra những thần sắc kiệt quệ trên khuôn mặt người tham gia ở những đoạn dừng nghỉ (CP), bàn chân phồng rộp vì ma sát, bắp chân và đùi rướm máu xen lẫn đầy sình đã khô cứng, hay nước mắt của những người phải bỏ dở giữa chừng vì lật cổ chân, vì chấn thương... Nguy hiểm và thử thách tột đỉnh này cũng là yếu tố tạo ra sức hút đối với các vận động viên ưa thích mạo hiểm so với các tuyến chạy trên đường.

Đi để chiến thắng chính mình

VMM vùi dập ngay lập tức những ảo mộng về đường đua đẹp nên thơ từ khi rời vạch xuất phát. Các vận động viên lọ mọ leo qua các con dốc đầu tiên, con dốc kế tiếp và rồi lại là những con dốc nối tiếp. 

Cứ mỗi lúc ngẩng mặt lên nhìn sau khi vừa chạm đỉnh đang leo, bạn lại thấy những người đi trước đang leo một đỉnh khác cao hơn. Sự hào hứng ban đầu nhanh chóng bị mài mòn đến cạn kiệt và dần chuyển sang cuộc đấu tranh giữa ý chí, tinh thần và thể lực.

Tường trình từ một người hành xác ở Sa Pa - VMM 2017 - Ảnh 7.

Đá tảng, đá dăm... là những trở ngại dễ làm chấn thương - Ảnh: BẢO TRUNG

Tường trình từ một người hành xác ở Sa Pa - VMM 2017 - Ảnh 8.

Một con dốc trong rất nhiều dốc lên đỉnh nối tiếp đỉnh của chặng đường chạy địa hình - Ảnh: BẢO TRUNG

Cái nắng chói chang ở miền núi tiếp sức cho các con dốc cao và dài, bào mòn thể lực và tinh thần của mọi người. Và ở một đỉnh núi kế tiếp trên chặng đường, sương mù phủ kín, cái lạnh ập đến bất ngờ, đẩy chuyển biến thích nghi của cơ thể sang thái cực khác. Nhưng đó mới chỉ là về yếu tố môi trường, những chông gai trên đường chạy địa hình mới là trở ngại lớn nhất.

Các khối đá tảng to lớn chắn ngang đường mòn chỉ rộng đủ cho một người chạy, một bên là vực, một bên là vách núi, người chạy không còn đường quay lại, buộc phải vượt qua nó. Các vũng sình lầy dễ dàng lấy đi 1 trong 2 chiếc giày của bạn nếu không được cột chặt đúng cách, hay các dòng suối đánh lừa người chạy bởi nét hiền hòa mát lạnh, nhưng có thể là những cú té ngã đau thấu trời. Giày có nằm trong nhóm 10 đôi giày tốt nhất cho trail thì bàn chân vẫn thốn mỗi khi buộc phải đạp lên các cục đá to bằng nắm tay. Tuy nhiên, những con dốc mới tiêu hao sức lực của mọi người nhiều nhất.

Một con dốc dựng đứng với các tảng đá lớn liên tục góp mặt trên chặng đường của các chặng từ 21km trở lên. Mỗi cú rướn người để tiến lên có thể là cái bẫy được sắp đặt đối với các thớ cơ chỉ chực chờ phản ứng. Chúng rút lại, đau quằn lên khiến cơ thể không thể di chuyển thêm một mét nào nữa. Và rồi các câu hỏi chung thường xuyên xuất hiện trong đầu những người mới tham gia: Mình đăng ký cái này để làm gì vậy trời? Tại sao mình lại đăng ký? Làm sao bây giờ?... và bao nhiêu hình ảnh đẹp đẽ suy nghĩ trước đó sụp đổ hết. Và đó là lúc bạn cần quyết định để chiến thắng bản thân mình.

Tường trình từ một người hành xác ở Sa Pa - VMM 2017 - Ảnh 9.

Vừa hứng cái nắng chói chang ở một con dốc này, lại lao vào đám sương mù lạnh ở một con dốc khác và cẩn trọng từng bước chân - Ảnh: BẢO TRUNG

Tường trình từ một người hành xác ở Sa Pa - VMM 2017 - Ảnh 10.

Từng đoàn 'kiến xanh' nối đuôi nhau qua các triền dốc - Ảnh: T.TRỰC

Tường trình từ một người hành xác ở Sa Pa - VMM 2017 - Ảnh 11.

Và xuyên qua những bản làng, ruộng lúa vàng ươm - Ảnh: T.TRỰC

Cái đẹp của những nụ cười

Khi tinh thần trong bạn đang giảm thì cảnh vật tô điểm mượt mà bởi những mảng ruộng bậc thang vàng vọt xen lẫn mảnh ruộng nâu xám vừa gặt hái xong, pha thêm chút rực rỡ của các triền sim tím sẽ làm dịu đi những khó nhọc dọc đường.

Cuộc sống bình dị trong các bản làng trên đường chạy qua thường xíu níu chân mọi người chạy chậm lại, hoặc dừng hẳn để làm vài bức ảnh kỷ niệm. Các em bé người Mông đứng thành từng nhóm trước các cổng nhà bên cạnh đàn heo ụt ịt hay vài con chó vẫy đuôi chào từng tốp người chạy qua với nụ cười trong veo. Rất nhiều vận động viên dừng lại tặng các em kẹo bánh là thực phẩm năng lượng mà mỗi người chạy phải chuẩn bị cho cơ thể vận động suốt nhiều tiếng đồng hồ.

Nét đẹp của VMM là những nụ cười mà người tham gia sẽ còn mang về và cất giữ trong tâm trí mình rất lâu.

Một người "hành xác"

Những nụ cười đồng hành của các bạn chạy chung trên một tuyến đường dù quen hay lạ, nụ cười cổ vũ của các anh hỗ trợ các điểm tiếp nước (CP) và quan trọng hơn, khi bạn dừng lại và ngồi bệt xuống, luôn có những người gác lại hết mọi điểm số thành tích hay chỉ tiêu cá nhân để dừng lại và trợ giúp. Không đồng ngôn ngữ nhưng sẵn sàng chia sẻ ngay nước, gel năng lượng hay giúp chai xịt nóng giảm đau cơ.

Tường trình từ một người hành xác ở Sa Pa - VMM 2017 - Ảnh 13.

Nạp chuối và trái cây cùng nước ở trạm dừng nghỉ để nhanh chóng lên đường - Ảnh: ĐOÀN PHƯƠNG

Tường trình từ một người hành xác ở Sa Pa - VMM 2017 - Ảnh 14.

Một ly mì gói ấm lòng để tiếp tục hành trình - Ảnh: ĐOÀN PHƯƠNG

Tường trình từ một người hành xác ở Sa Pa - VMM 2017 - Ảnh 15.

Tập họp và chia sẻ, cổ vũ nhau tại các điểm dừng - Ảnh: ĐOÀN PHƯƠNG

Có trải qua những chông gai trên đường, vượt những thử thách chính bản thân mình mới thấy giá trị của tấm mề đay khi về đích. Nó không phải để chụp ảnh 'sống ảo', nó không phải là một thành tích. Nó là một câu chuyện đáng tự hào mà bản thân mỗi người đạt được nó đã trải qua, đã tận hưởng, đã tích lũy và bắt đầu đặt cho mình một mục tiêu mới.

Tường trình từ một người hành xác ở Sa Pa - VMM 2017 - Ảnh 16.

Cùng chia sẻ niềm vui khi về đích - Ảnh: TUẤN SẦU

Tường trình từ một người hành xác ở Sa Pa - VMM 2017 - Ảnh 17.

Tấm mề đay là minh chứng sự nỗ lực chiến thắng bản thân tại VMM - Ảnh: NGUYỄN THI (VietRunners)

THANH TRỰC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên