19/06/2015 09:30 GMT+7

“Tương lai VĐV còn bấp bênh”

KHƯƠNG XUÂN thực hiện
KHƯƠNG XUÂN thực hiện

TT - Đó là nhận định của Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Nguyễn Văn Tuyết xung quanh câu chuyện chính sách đầu tư cho VĐV VN...

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 18-6 về những trăn trở đối với thể thao VN sau thành công tại SEA Games 28, ông Tuyết nói: “Tôi biết có không ít VĐV xuất thân từ con nhà nghèo, họ thi đấu một phần do áp lực kinh tế mà báo Tuổi Trẻ đã phản ánh trong kỳ SEA Games 28 vừa qua như võ sĩ Ngọc Anh thi đấu để giúp bố mẹ bớt khổ, hay VĐV đấu kiếm Trần Thị Len trong bài Tấm huy chương xót lòng của người mẹ...”.

Ông Tuyết nói thêm: “Tại SEA Games 28, người hâm mộ được chứng kiến khả năng cũng như tinh thần thi đấu, nỗ lực tuyệt vời của các VĐV. Riêng tôi, bên cạnh sự tự hào về Ánh Viên, tôi ấn tượng và xúc động với hình ảnh chiến thắng của võ sĩ judo Nguyễn Thị Như Ý. Đằng sau tấm HCV là cả một sự cố gắng phi thường được tiếp sức từ chính cuộc đời đẫm nước mắt của cô. Thành công tại SEA Games 28 có thể xem là một chương có hậu hơn một chút trong cuộc đời không như ý của người mẹ 34 tuổi này như báo Tuổi Trẻ đã đề cập trong bài viết Võ sĩ Như Ý và cuộc đời không như ý”.

* Nhiều câu chuyện của các VĐV sau khi lên bục nhận huy chương cho thấy sự vươn lên mạnh mẽ của họ trước những khó khăn về kinh tế, bấp bênh về tương lai sau khi giải nghệ, khơi gợi trong ông điều gì?

- Tôi biết có không ít VĐV xuất thân từ con nhà nghèo, họ đã và đang thi đấu một phần do áp lực của kinh tế. Hiện nay chế độ dành cho VĐV còn thấp, VĐV khó khăn về kinh tế, tương lai bấp bênh sau giải nghệ, đây cũng là sự bấp bênh cho tương lai của thể thao thành tích cao ở VN. Thực tế hiện nay ở các thành phố, việc tuyển VĐV rất khó, nhiều em rất có tài năng nhưng gia đình không cho theo thể thao chuyên nghiệp mà chỉ tập cho vui, cho khỏe. Điều này dẫn đến việc thể thao khó thu hút nhân tài. Vì vậy cần có thêm nhiều chính sách đãi ngộ về điều kiện vật chất cũng như tinh thần giúp VĐV yên tâm tập luyện, thi đấu.

* Bộ VH-TT&DL vẫn chưa có một văn bản nào được Chính phủ thông qua về chính sách ưu đãi đặc biệt với VĐV có thành tích xuất sắc của thể thao như tặng nhà, bố trí công việc sau khi giải nghệ. Là đại biểu Quốc hội, ông nghĩ sao về chuyện này?

- Trong những năm qua, Nhà nước ta đã có những chính sách quan tâm đãi ngộ vật chất cũng như tinh thần cho VĐV. Chúng ta đã xây dựng được một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực thể thao, đặc biệt là thể thao thành tích cao tương đối hoàn chỉnh. Tại VN, tuy chưa có con số thống kê chính thức nào về cuộc sống của các VĐV sau khi giải nghệ, tuy nhiên thi thoảng trên phương tiện truyền thông ta vẫn gặp những câu chuyện đau lòng. Khi đạt thành tích tại các đấu trường quốc tế, các VĐV được tung hô như những người hùng. Thế nhưng, khi trở về đời thường, ngay lập tức họ phải đối mặt với bài toán mưu sinh và tương lai bấp bênh. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có sự thay đổi về cơ chế đãi ngộ đối với các VĐV xuất sắc. Tuy nhiên, không phải VĐV nào cũng có được tấm bằng sau khi giã từ sự nghiệp, cơ hội vào biên chế đơn vị đào tạo thể thao thành tích cao khá xa vời. Cũng có một số nơi như Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng từng có chính sách thưởng nhà cho VĐV nhưng không nhiều.

* Năm 2010 Bộ VH-TT&DL đã làm tờ trình dự thảo quyết định của Thủ tướng quy định chính sách ưu đãi đối với VĐV, HLV thể thao đạt thành tích đặc biệt nhưng đến giờ quyết định này vẫn chỉ là dự thảo nằm trong ngăn kéo vì chưa được ủng hộ?

- Về vấn đề này, theo tôi cũng cần tìm hiểu thêm nguyên nhân vì sao các bộ, ngành chưa ủng hộ? Yêu cầu đặt ra so với điều kiện kinh tế của đất nước như thế nào? Theo tôi, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, ngành thể thao cần đẩy mạnh hơn nữa công tác xã hội hóa thể thao. Bộ phải nghiên cứu, đề xuất những chính sách để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào thể thao nhiều hơn, có như vậy thu nhập của VĐV mới khá được. Nếu chỉ hoàn toàn dựa vào ngân sách nhà nước để tăng thu nhập cho VĐV thì cực kỳ khó khăn. Tại SEA Games 28, Tổng cục TDTT đã kêu gọi được hơn 20 nhà tài trợ cho đoàn thể thao VN. Tôi rất hoan nghênh báo Tuổi Trẻ đã có nhiều việc làm thiết thực động viên kịp thời các VĐV không chỉ bằng những bài viết hay khích lệ tinh thần thi đấu mà còn có cuộc bình chọn “VĐV Việt Nam xuất sắc nhất trong ngày” để trao thưởng.

* Với chức năng của mình, Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng đã làm gì để góp phần hạn chế khó khăn đối với thể thao thành tích cao?

- Ủy ban chúng tôi đã tiến hành nhiều cuộc giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về thể thao thành tích cao. Qua giám sát ngày 18-3-2014, ủy ban đã tổ chức phiên giải trình của Chính phủ về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực thể thao thành tích cao với sự tham gia của lãnh đạo các bộ, ngành liên quan.

Từ kết quả phiên giải trình, Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng kiến nghị với Quốc hội và Chính phủ như sau: 1. Quốc hội sớm sửa đổi, bổ sung Luật TDTT, trong đó chú trọng các quy định liên quan đến lĩnh vực thể thao thành tích cao. 2. Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách, chế độ phù hợp với đặc thù của ngành TDTT nói chung và thể thao thành tích cao nói riêng, phù hợp với thực tế nhằm thu hút những người có năng lực và tâm huyết cho ngành TDTT. Chỉ đạo để cụ thể hóa các chính sách xã hội hóa và đẩy mạnh công tác xã hội hóa hoạt động thể thao thành tích cao.

[box]Hãy đặt mình vào vị trí người trong cuộc

Đất nước ta còn khó khăn, còn nhiều đối tượng phải chăm lo, nhiều đối tượng chưa kịp lo. Tuy nhiên cần có sự quan tâm đúng mức cho sự hi sinh của các VĐV giành thành tích trên đấu trường quốc tế. Đảng, Nhà nước, ngành VH-TT&DL phải trân trọng, cảm ơn các phụ huynh đã hi sinh con mình cho sự nghiệp thể thao vì các lý do: đi vào con đường thể thao việc học tập có gián đoạn, chấp nhận xa con và chấp nhận cả việc nhìn con mình gặp tai nạn trên sàn đấu. Đề xuất chính sách khen tặng đặc biệt cho VĐV có thành tích xuất sắc của Bộ VH-TT&DL đã năm năm rồi không ai chấp thuận nên không được thông qua, nhưng nếu muốn làm tốt thì Bộ VH-TT&DL phải quyết liệt chứ không thể trình lên xin ý kiến, các bộ ngành không đồng ý rồi anh im.

Mình cứ suy nghĩ đi, nếu con các ông lãnh đạo cũng là VĐV thì các ông nghĩ gì về việc đó? Do đó dư luận mới từng nói Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng hãy đi xe buýt để cảm nhận xe buýt như thế nào. Tôi tin khi Chính phủ đưa ra các chính sách ưu đãi cho VĐV cũng sẽ không có ai so bì. Hiện nay chính sách dành cho VĐV đỉnh cao chậm, không theo kịp, khiến chúng ta mất nhiều VĐV tài năng. Nhiều VĐV sau thời kỳ đỉnh cao trở về đời thường có cuộc sống rất khó khăn. Nhiều VĐV vì tập luyện bị chấn thương khiến bại liệt, mất khả năng lao động, tử nạn. Chỉ đến khi sự việc xảy ra chúng ta mới đến thăm hỏi nhưng cái cốt lõi là chế độ chính sách thì không có. Liệu có thể xem xét có chính sách VĐV tham gia đội tuyển quốc gia đi thi đấu các giải thể thao quốc tế khi gặp chấn thương ảnh hưởng sức khỏe có thể coi là thương binh, liệt sĩ được không? Tại sao lại không công nhận được, cái này bất khả kháng vì có ai muốn rơi vào trường hợp đó.

Đại biểu NGUYỄN VĂN MINH (phó giám đốc Sở VH-TT TP.HCM, đại biểu Quốc hội khóa XIII đoàn TP.HCM)[/box]

KHƯƠNG XUÂN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên