15/12/2023 12:28 GMT+7

Từ vụ cảnh sát giao thông Bàn Cờ đạp ngã người vi phạm: Mức độ nào thì được dùng vũ lực?

Phòng cảnh sát giao thông (PC08) Công an TP.HCM đã tạm đình chỉ cảnh sát giao thông đạp ngã xe người vi phạm. Vụ việc được dư luận quan tâm, đặt câu hỏi khi nào cảnh sát giao thông được dùng vũ lực?

Đại úy cảnh sát giao thông đội Bàn Cờ ở TP.HCM dùng chân đạp ngã xe người dân

Đại úy cảnh sát giao thông đội Bàn Cờ ở TP.HCM dùng chân đạp ngã xe người dân

Cảnh sát giao thông được dùng vũ lực khi nào?

Theo luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn luật sư TP.HCM), khoản 1, khoản 2, khoản 6 điều 8 thông tư 32/2023 quy định về quyền hạn của cảnh sát giao thông (CSGT) gồm: Được dừng phương tiện tham gia giao thông đường bộ, kiểm soát người và phương tiện giao thông, giấy tờ của người lái xe và giấy tờ tùy thân của người trên xe đang kiểm soát.

Cảnh sát giao thông còn được áp dụng các biện pháp ngăn chặn và xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ, trật tự xã hội và các hành vi vi phạm pháp luật khác theo quy định, đồng thời cảnh sát giao thông được thực hiện các quyền hạn khác của lực lượng Công an nhân dân theo quy định pháp luật.

Đại úy cảnh sát giao thông đội Bàn Cờ ở TP.HCM dùng chân đạp ngã xe người dân đã bị tạm đình chỉ

Bên cạnh đó, khoản 2 điều 16 thông tư 32/2023/TT-BCA quy định về dừng xe để kiểm soát. Theo đó việc dừng, kiểm soát xe phải đảm bảo an toàn, đúng quy định của pháp luật, không gây cản trở đến hoạt động giao thông...

Như vậy, căn cứ theo các quy định pháp luật nêu trên, cảnh sát giao thông có thể áp dụng một số biện pháp nghiệp vụ để dừng xe vi phạm có các hành vi đối phó với lực lượng cảnh sát giao thông như: Thông báo cho các chốt tuần tra, kiểm soát trên, tổ chức vây ráp để dừng xe vi phạm. Tuy nhiên, việc dừng xe vi phạm cần phải đảm bảo an toàn và đúng quy định.

Việc cảnh sát giao thông đạp ngã người vi phạm là chưa bảo đảm đúng các quy định pháp luật về an toàn khi dừng, kiểm soát xe. Tùy theo các mức độ, hậu quả của hành vi mà cảnh sát giao thông có thể phải chịu trách nhiệm về việc bồi thường thiệt hại, hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định.

Trong các quy định về quyền hạn của cảnh sát giao thông không quy định về việc cảnh sát giao thông được quyền dùng vũ lực, đạp xe người vi phạm.

Song trong một số trường hợp, nếu gặp các đối tượng có hành vi chống người thi hành công vụ, căn cứ theo điều 14 nghị định 208/2013/NĐ-CP quy định về các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ, cảnh sát giao thông có nghĩa vụ giải thích cho người vi phạm được biết.

Nếu người vi phạm vẫn cố tình chống đối, xét thấy cần thiết phải ngăn chặn bằng biện pháp vũ lực thì cảnh sát giao thông được quyền cưỡng chế người có hành vi vi phạm chấm dứt vi phạm, tước bỏ, vô hiệu hóa vũ khí, đồng thời bắt giữ người có hành vi vi phạm.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nếu phát hiện quả tang các hành vi phạm tội như cướp giật, đua xe trái phép…, cảnh sát giao thông được quyền phối hợp cùng lực lượng chức năng khác tham gia ngăn chặn, đấu tranh trấn áp tội phạm.

Cần tuân thủ hiệu lệnh của lực lượng chức năng

Theo đại diện Phòng PC08, khi cảnh sát giao thông hoặc cơ quan chức năng ra hiệu lệnh dừng xe, người dân cần nghiêm chỉnh chấp hành, thực hiện theo hiệu lệnh và chỉ dẫn của lực lượng chức năng. Các hành vi chống đối hoặc trốn tránh tùy theo mức độ, hậu quả sẽ được xử lý đúng theo quy định của pháp luật.

Một lãnh đạo đội cảnh sát giao thông ở TP.HCM cho biết việc dùng chân đạp ngã xe người vi phạm như chiến sĩ trên là không được phép.

Nghị định 208/2013 nêu trong trường hợp cần thiết, cấp bách hoặc người có hành vi chống người thi hành công vụ sử dụng vũ khí quân dụng hoặc vũ khí thô sơ tấn công người thi hành công vụ thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm và từng trường hợp cụ thể, người thi hành công vụ được sử dụng vũ lực, công cụ hỗ trợ và các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hoặc nổ súng để phòng vệ chính đáng, tấn công, khống chế, bắt giữ người có hành vi chống người thi hành công vụ.

Tuy nhiên, trong trường hợp thanh niên H. vi phạm luật giao thông, không chấp hành hiệu lệnh mà bỏ chạy thì chưa tới mức phải dùng biện pháp mạnh, vũ lực để ngăn chặn, trấn áp.

Cũng theo vị này, có nhiều trường hợp thực tế, khi lực lượng cảnh sát giao thông tuần tra, kiểm soát phát hiện dấu hiệu khả nghi (tội phạm), khi dừng xe nhưng những trường hợp không chấp hành mà bỏ chạy. Sau đó, cảnh sát giao thông dừng được xe thì phát hiện trong xe có tàng trữ “hàng cấm”.

Tạm đình chỉ cảnh sát giao thông đạp ngã xe nam thanh niên ở quận 10Tạm đình chỉ cảnh sát giao thông đạp ngã xe nam thanh niên ở quận 10

Phòng PC08 TP.HCM cho biết nam thanh niên vi phạm cố tình bỏ chạy nên cảnh sát giao thông đuổi theo, dùng chân đạp ngã xe người này.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên