09/02/2012 04:00 GMT+7

Tư vấn phòng bệnh nhiễm não mô cầu

QUỐC NGỌC
QUỐC NGỌC

TT - Nhiều bạn đọc đã gửi câu hỏi về bệnh nhiễm não mô cầu - bệnh “nóng” nhất những ngày đầu năm 2012 - trong buổi tư vấn trực tuyến chủ đề “Những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm với trẻ em” diễn ra tại Tuổi Trẻ sáng 8-2.

Xem toàn bộ nội dung buổi tư vấn

1E0K1G76.jpgPhóng to
Các khách mời giao lưu tại đầu cầu TP.HCM, từ trái sang Th.S, BS Đỗ Châu Việt - trưởng khoa nhiễm BV Nhi Đồng II TP.HCM, BS Trương Hữu Khanh - trưởng khoa nhiễm BV Nhi Đồng I TP.HCM - Ảnh: Thanh Đạm

Tham gia tư vấn trực tuyến có bác sĩ Trương Hữu Khanh - trưởng khoa nhiễm-thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1, ThS.BS Đỗ Châu Việt - trưởng khoa nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 2 (tại đầu cầu TP.HCM) và PGS.TS Bùi Vũ Huy - phó chủ nhiệm bộ môn nhiễm Đại học Y Hà Nội.

Điều trị tốt bệnh lý đường tai mũi họng

Bác sĩ Trương Hữu Khanh đã giải đáp nhiều câu hỏi bạn đọc quan tâm về bệnh nhiễm não mô cầu. Theo bác sĩ Khanh, vi khuẩn não mô cầu có thể tồn tại trong vùng mũi, họng người lành mà không gây bệnh, một số khác gây viêm họng thông thường rất dễ điều trị bằng kháng sinh. Một số trường hợp vi khuẩn tấn công vào máu gây nhiễm trùng huyết, người bệnh sẽ sốt cao, đau đầu, ngủ ly bì. Đặc biệt sẽ xuất hiện các chấm và mảng xuất huyết màu đỏ hay tím sẫm dưới da bệnh nhân. Cách phòng ngừa là nên điều trị tốt bệnh lý đường tai mũi họng, phát hiện sớm ca bệnh đầu tiên để phòng ngừa bằng thuốc cho những người xung quanh, nếu có điều kiện có thể tiêm văcxin. Trẻ trên dưới hai tuổi có nguy cơ nhiễm não mô cầu cao nhất.

Bác sĩ Khanh cũng lưu ý triệu chứng ban đầu của bệnh nhiễm não mô cầu đúng là giống viêm họng. Điều quan trọng là có một số trẻ do sức đề kháng kém hay không điều trị viêm họng kịp thời, vi khuẩn này mới tấn công vào máu gây ra bệnh cảnh nặng hơn như nhiễm trùng huyết, viêm màng não. Do đó nếu trẻ ban đầu viêm họng (nóng, ho, sổ mũi) người lớn cần theo dõi ngay. Về đường lây truyền bệnh viêm màng não, ThS.BS Đỗ Châu Việt cho biết tùy tác nhân gây viêm màng não mà có những đường lây truyền khác nhau, có thể lây qua đường hô hấp, máu hoặc tiêu hóa.

Chỉ có viêm màng não do não mô cầu mới cần cách ly, những trường hợp viêm màng não khác vẫn được chăm sóc và điều trị bình thường, cần giữ vệ sinh cá nhân, vệ sinh răng miệng và môi trường, nên chích ngừa để tránh viêm màng não nếu có thuốc.

bgg5TMGX.jpgPhóng to
PGS.TS Bùi Vũ Huy

Không chỉ tiêm phòng văcxin một lần

Trả lời câu hỏi của ông Huỳnh Văn Chánh: “Con tôi 7 tuổi, lúc nhỏ đã tiêm ngừa não mô cầu một mũi, vậy có cần tiêm lại cho cháu không?”, PGS.TS Bùi Vũ Huy cho biết chỉ cần tiêm một mũi, mũi này có tác dụng phòng bệnh trong 3-5 năm, hết thời gian trên cần tiêm ngừa lại. Hiện văcxin phòng não mô cầu đang được sử dụng tại VN phòng được các type A, C, Y, W, chưa ngừa được type B. Các loại văcxin này chỉ mới được đánh giá hiệu quả tốt ở trẻ trên 3 tuổi. Với trẻ dưới 2 tuổi, văcxin này chưa được đánh giá đầy đủ về hiệu quả.

Bác sĩ Việt cũng khuyên nên cho trẻ từ 2 tuổi trở lên tiêm ngừa não mô cầu, cứ mỗi ba năm chích nhắc một lần. Phụ huynh có thể đưa trẻ đến chích ở trung tâm y tế dự phòng các quận, huyện. Cần lưu ý bất kỳ loại thuốc ngừa nào cũng không thể ngừa 100%. Bệnh nhiễm não mô cầu có nhiều type virút nên không chỉ mắc bệnh một lần. Theo khuyến cáo của Công ty Văcxin và sinh phẩm số 1 (Bộ Y tế), thuốc chích ngừa viêm não mô cầu B C được áp dụng cho trẻ từ 3 tháng tuổi trở lên, chích hai liều cách nhau 6-8 tuần và không cần nhắc lại. Nếu có điều kiện, phụ huynh nên chích ngừa thêm viêm não mô cầu B C cho trẻ. Cũng theo bác sĩ Việt, hiếm khi có tác dụng phụ xảy ra khi chích ngừa viêm não. Nếu có chỉ là những tác dụng phụ đơn giản và dễ dàng xử lý tại bệnh viện.

Ngoài các vấn đề liên quan đến bệnh nhiễm não mô cầu, các bác sĩ và chuyên gia khách mời còn hết sức bận rộn trước những câu hỏi liên quan đến việc phân biệt các triệu chứng, các xử trí ban đầu, vấn đề điều trị, cách phòng ngừa sốt của đủ các loại dịch bệnh ở trẻ như tay chân miệng, sốt xuất huyết, viêm hạch, Rubella, quai bị, viêm phổi, nhiễm khuẩn máu... và các vấn đề liên quan đến suy dinh dưỡng, cách dùng thuốc kháng sinh, khẩu trang y tế trong phòng ngừa những bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp.

Dịch bệnh sẽ diễn biến phức tạp trong năm 2012

Bác sĩ Lê Hoàng San - phó viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM - nhận định khả năng sẽ xuất hiện nhiều bệnh truyền nhiễm tại khu vực phía Nam trong năm nay. Đây là thông tin được đưa ra tại hội nghị tổng kết hoạt động phòng chống dịch tại khu vực phía Nam năm 2011 và kế hoạch hoạt động năm 2012 do Viện Pasteur TP.HCM tổ chức ngày 8-2.

Đến thời điểm này, cúm gia cầm vẫn đang lưu hành và chưa rõ cơ chế lây truyền từ gia cầm sang người. “Đã có hai ca tử vong do cúm A/H5N1 tại khu vực phía Nam, cộng với tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, ý thức của người dân còn hạn chế, vì vậy khả năng xuất hiện dịch cúm A/H5N1 trên người rất cao”, bác sĩ San nói. Ngoài ra, ông San đánh giá khả năng dịch nhiễm não mô cầu xảy ra tại khu vực rất lớn. Bên cạnh đó điều kiện sống, vệ sinh môi trường còn thấp, ý thức phòng bệnh của người dân chưa cao trong khi chưa có văcxin phòng ngừa và thuốc điều trị đặc hiệu, vì thế trong năm 2012 bệnh tay chân miệng vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao.

Phát biểu tại hội nghị, TS Trần Thanh Dương - phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) - cũng dự báo tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp trong năm 2012. Trước các nguy cơ đó, mục tiêu chung của ngành y tế năm nay là tăng cường hệ thống giám sát để phát hiện sớm và xử lý kịp thời.

Cùng ngày, ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch nguy hiểm và mới nổi Bộ Y tế đã có văn bản dẫn thông tin từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cho hay hai phòng thí nghiệm ở Hà Lan và Nhật Bản đã bước đầu thành công trong nghiên cứu thực nghiệm tăng khả năng lây truyền của virus H5N1. Kết quả là virus cúm gia cầm H5N1 có thể biến đổi thành chủng dễ lây truyền giữa các loài động vật có vú, trong đó lây truyền từ người sang người, thay vì chỉ lây truyền từ gia cầm sang người như hiện tại.

Theo ông Nguyễn Thanh Long, thứ trưởng Bộ Y tế, Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp với WHO, tăng cường cung cấp thông tin cho tổ chức này. Đồng thời yêu cầu Cục Quản lý khám chữa bệnh sửa đổi phác đồ điều trị cúm H5N1, trình lãnh đạo Bộ Y tế, các bệnh viện trung ương chủ động hỗ trợ chuyên môn cho tuyến tỉnh để đáp ứng nhu cầu điều trị cho bệnh nhân.

Q.NGỌC - L.ANH

QUỐC NGỌC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên