21/06/2018 08:19 GMT+7

Tự kiểm ngày 21-6 của nghề viết thể thao

HUY THỌ
HUY THỌ

TTO -. Ông bà mình vẫn bảo "con hơn cha nhà có phúc". Dựa trên lời ông bà, thì quả là nghề viết thể thao hiện nay hơi bị…vô phúc! Đơn giản bởi, "con" đã không hơn được "cha". Này nhé, nói có sách mách có chứng…

Nhân vật đầu tiên mà tôi muốn nhắc tới là Huyền Vũ. Ông tên thật là Nguyễn Ngọc Nhung, sinh năm 1914 tại Phan Thiết và mất năm 1997 tại Hoa Kỳ.

Thú thật, cỡ lứa trung niên như tôi thì không được rõ lắm về tài nghệ của Huyền Vũ. Nhưng, qua những người đi trước thì được biết ông là một nhà bình luận bóng đá lôi cuốn tất cả mọi người dân miền Nam mê bóng đá.

Còn viết về thể thao thì ông tham gia làm tờ Nguồn Sống, một tờ báo thể thao hàng đầu của miền Nam trước 30-4-1975.

Nhưng không được nghe ông bình luận trực tiếp bóng đá trên đài phát thanh Sài Gòn, đọc ít bài báo ông viết (nhưng cũng quên rồi vì hồi ấy còn rất nhỏ); không có nghĩa là không biết được giá trị của ông.

Một cuốn sách của đàn anh Lê Văn Nghĩa nhắc đến Huyền Vũ đã được người Sài Gòn rất ưa thích. Vô vàn những bài viết về ông cũng dễ dàng tìm thấy trên mạng. Qua đó, tôi tin rằng chẳng có ai uy tín bằng Huyền Vũ ở khía cạnh nhà báo thể thao.

Bằng chứng, cho đến giờ này ông là người duy nhất của Việt Nam được FIFA mời dự World Cup (năm 1974). Rất nhiều lời kể từ nhiều người khác nhau của các nhà báo thể thao đàn em về chuyện khi đi công tác nước ngoài đã được giúp đỡ tận tình khi có ông gởi gắm.

Đơn giản bởi, ông là một nhân vật rất được HIệp hội truyền thanh châu Á nể trọng.

Uy tín cở đó, đến giờ tôi tin rằng chỉ có mỗi Huyền Vũ làm được. Và giờ đây, sau hơn nửa thế kỷ tính từ thời vàng son của ông, tôi nghĩ bản thân mình và các đồng nghiệp trẻ vẫn học được bài học "không thể vừa đá bóng vừa thổi còi", khi ông là một trọng tài bóng đá nhưng khi chuyển sang bình luận, viết thể thao thì bỏ luôn nghiệp cầm còi.

Vì, như ông nói: "Để ngòi viết mình vô tư hơn".

Hai nhân vật tiếp theo mà tôi cho rằng họ là Nam tào và Bắc đẩu trong làng báo thể thao Việt Nam, là Chánh Trinh (tên thật là Lý Quý Chung) và Tường Vy (tên thật là Cao Đình Tường).

Cả hai đều một thời ở chung mái nhà Tuổi Trẻ trong thập niên 1980.

Tự kiểm ngày 21-6 của nghề viết thể thao - Ảnh 1.

Cố nhà báo Chánh Trinh

Muốn tìm hiểu kỹ hơn về nhà báo Chánh Trinh, xin tìm đọc cuốn Lý Quý Chung - Hồi ký không tên. Trong đó, chúng ta sẽ biết được hai cái tên đều nổi tiếng của một con người. Đó là một Lý Quý Chung trong lĩnh vực chính trị và một Chánh Trinh trong nghề viết thể thao.

Nhà báo Tường Vy vốn là sinh viên khoa văn của Đại học sư phạm Hà Nội. Ra trường, có lẽ cái phong cách phong trần, bụi bặm của ông không phù hợp lắm với nghề đi dạy, và sẵn trong tim máu yêu thể thao nên đã chuyển sang nghề viết báo. Ông khởi nghiệp nghề viết thể thao ở báo Tiền Phong, sau đó về Tuổi Trẻ, rồi qua Thông tấn xã VN, và kết thúc ở báo Lao Động.

Sở dĩ tôi viết chung về hai nhân vật này là bởi họ viết thể thao cùng thời điểm, và tạo nên hai phong cách rất riêng, rất đặc trưng của vùng miền.

Nhà báo Chánh Trinh là một nhà Tây học (ông rất giỏi tiếng Pháp) nên văn của ông "rất tây", và đồng thời cũng rất thẳng thắn đúng kiểu Nam Bộ. Đặc trưng của ông là viết dài, bay bướm trong những bài bình luận; nhưng cũng rất bén, thẳng tưng trong những bài góp ý, phê phán.

Tự kiểm ngày 21-6 của nghề viết thể thao - Ảnh 2.

Cố nhà báo Tường Vy

Còn nhà báo Tường Vy, có thể nói ông là "vua" viết ngắn với những bài bình luận chỉ 200 từ. Mỗi chữ của ông như một lưỡi dao, châm biếm sâu cay mà đối tượng bị phê có thể phải vài ngày sau mới thấy thấm!

Trong nhiều lần bàn luận về nghề viết thể thao lúc trà dư tửu hậu, vài bạn đồng nghiệp trẻ bảo rằng "mỗi thời một khác, làm sao bảo được ông Chánh Trinh với Tường Vy giỏi hơn thế hệ bây giờ?".

Không. Có thước đo để so sánh được đấy. Xin hỏi bây giờ có nhà báo thể thao nào "đàn áp" được các vị lãnh đạo thể thao về chính sách thể thao của một quốc gia phải như thế nào; bộ máy thể thao phải vận hành ra sao…?

Nói cách khác, những chuyện vĩ mô tầm quản lý nhà nước cấp cao về thể thao, tôi tin rằng chả có quan nào tranh luận lại ông Chánh Trinh. Đơn giản bởi, ông đọc rất nhiều, đi rất nhiều, có rất nhiều năm say sưa với thể thao nên am hiểu rất rộng và sâu.

Còn nhà báo Tường Vy?

Giới nhà văn nhà thơ vốn thường chẳng ai chịu ai về chuyện sử dụng ngôn từ. Ấy vậy mà, khi nhắc đến Tường Vy, họ đều nói với một vẻ kính trọng thật sự.

Tôi may mắn đã có nhiều lần được ngồi với ông cùng các nhà văn nên biết rõ điều ấy. Nhưng, không chỉ giỏi về nghệ thuật sử dụng con chữ, ông còn là một kho kiến thức ngồn ngộn về thể thao qua việc đọc rất nhiều.

Thậm chí, thời niên thiếu, nếu không bị một cơn bệnh nặng về đường ruột, không khéo ông còn đi theo nghề đá bóng khi có một tuổi thơ bay nhảy đá bóng trên bãi bồi sông Hồng. Còn nhớ, khi về làm Tuổi Trẻ, ông còn tham gia dạy một lớp năng khiếu bóng đá trên sân Tao Đàn trong những năm đầu thập niên 1980.

Hai con người ấy, họ thật sự là hai đại diện cho hai phong cách viết báo thể thao của hai miền Nam-Bắc, thể hiện đầy đủ những phong cách đặc trưng của cả hai miền. Tiếc rằng, cả hai đều đã thành người thiên cổ (ông Chánh Trinh mất năm 2005, hưởng thọ 65 tuổi. Và cố nhà báo Tường Vy mất trước ông Chánh Trinh một năm, hưởng dương 54 tuổi) mà chưa để lại được một truyền nhân nào xứng đáng.

Đấy, giờ đây có ai bén gót được Huyền Vũ, Chánh Trinh, Tường Vy?

Tôi tin rằng chả có ai đâu. Vì vậy, buồn lắm cho nghề viết thể thao…

HUY THỌ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên