14/04/2021 12:25 GMT+7

TS Lê Đức Dũng: Làm khoa học đã đi là miệt mài

THẢO THƯƠNG thực hiện
THẢO THƯƠNG thực hiện

TTO - Công trình nghiên cứu của TS Lê Đức Dũng và đồng nghiệp về ghép tế bào gốc từ máu vừa được trao giải thưởng khoa học cơ bản tại châu Âu.

TS Lê Đức Dũng: Làm khoa học đã đi là miệt mài - Ảnh 1.

TS Lê Đức Dũng trong phòng thí nghiệm

Tuổi Trẻ trò chuyện với nhà khoa học 39 tuổi (làm việc tại Phòng thí nghiệm nghiên cứu ung thư máu và ghép tế bào gốc, Bệnh viện Đại học Wuerzburg, Đức) về hành trình mà anh cho là say mê đeo đuổi để đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi tiếp theo trên con đường nghiên cứu khoa học.

Xác định được khó khăn để đối mặt

* Chọn nghiên cứu khoa học y sinh, với anh là cơ duyên hay một dụng ý nào?

- Từ khi học lớp 9, tôi đã rất thích môn sinh, thích nghiên cứu chung chung về động vật. Thi đại học, tôi vào Trường ĐH Tổng hợp Huế, ngành sinh học. Sau đó tiếp tục sang Đại học Hannover ở Đức, tôi nộp đơn về ngành môi trường, kỹ thuật môi sinh học, kỹ thuật sinh học... 

Về sau, tìm hiểu ở châu Âu, Đức, trong sinh học có nhiều chuyên ngành liên quan đến y sinh học, tôi chọn môn miễn dịch học là môn chính.

Khi làm tiến sĩ, tôi đổi hướng muốn chuyên sâu về miễn dịch học nhưng bên ung thư, dùng kiến thức miễn dịch học để nghiên cứu ung thư máu và ghép tế bào gốc tạo máu.

Miễn dịch học là môn học rất hấp dẫn, đã hút tôi từ những ngày đầu đến tận bây giờ.

* Sự hấp dẫn đó xem ra có nhiều "gai". Vậy anh gặp phải những chông gai nào?

- Tôi đã gặp không ít khó khăn. Trước hết là những ngày đầu là sinh viên người Việt sang Đức học tập. Mất một thời gian để bắt nhịp ngôn ngữ, môi trường sống, môi trường học tập, tôi bắt đầu chuyển qua khó khăn khác, đó là khi bắt đầu nghiên cứu tiến sĩ.

Khi đó, tôi chọn chuột để nghiên cứu cho dự án khoa học của mình. Mà ở Đức để có chuột làm thí nghiệm được quản lý rất gắt. Khó khăn nhất là thí nghiệm ra kết quả không giống mình mong đợi, có thể lỗi kỹ thuật, lỗi lý thuyết sai. 

Thường khi nghiên cứu là đưa ra lý thuyết trước, để kiểm nghiệm lý thuyết có đúng hay không. Nhiều lúc không đúng như lý thuyết thì bắt buộc phải sửa lại lý thuyết và tiếp tục kiểm tra. Nếu lâm sàng là làm trực tiếp trên bệnh nhân thì tôi và đồng nghiệp làm tiền lâm sàng, tức là làm những thử nghiệm trên động vật như chuột, thỏ, khỉ.

Đây là khó khăn mà người làm tiền lâm sàng lúc nào cũng phải đối mặt với điều đó. Tức là tôi cũng đã xác định được khó khăn để đối mặt.

* Anh đã giải quyết những khó khăn đó ra sao?

- Có những kết quả không như mình mong muốn, nó ngược lại, trái lại... Kết quả sai thì làm lại mất 4-5 tháng. Từ đó suy nghĩ lại vì sao bệnh nặng hơn, rồi thiết kế ra thí nghiệm khác để thực tế vai trò của tế bào đại thực bào trong bệnh này là nó như thế nào mà khi diệt, chuột bị nặng hơn. Tức là mình tìm ra được cái ngược với lý thuyết ban đầu, phải suy nghĩ thiết kế lại thí nghiệm mới để xác định vai trò chính xác của nó.

Tôi có hơi sốc vì mình có kế hoạch lâu dài, như thiết kế dự án, thí nghiệm để xác định vai trò chính xác của dự án, nhưng kết quả như thế buộc mất thời gian và làm đi làm lại nhiều lần. Nhưng đường đã đi là miệt mài.

Rất vui nếu "vác tù và hàng tổng"

* Khó khăn là vậy, nhưng chắc hẳn anh cũng sẽ có thuận lợi để bù trừ?

- Điều đó là hẳn nhiên. Trước hết, tôi có lợi thế khi học 5 năm ở Đức, được trang bị kiến thức cơ bản và ngôn ngữ chuyên ngành. Hơn nữa, nghiên cứu khoa học ở Đức rất mạnh, nhiều đại học khá tốt như Đại học Hannover, Đại học Y Hannover, Đại học Saarland, Đại học Wuerzburg... mạnh về nghiên cứu, giúp mình nghiên cứu tốt.

Khi thành lập nhóm nghiên cứu, không chỉ mỗi nhóm thực hiện mà nhóm kết hợp với Đại học Harvard (Mỹ), Đại học Marseille (Pháp), Đại học Bonn (Đức)... và đồng nghiệp cộng sự gần 30 người. 

Tôi là người quản lý và thực hiện chính của dự án, mỗi người đóng góp một ít. Mỗi dự án có hàng chục thí nghiệm, có những thí nghiệm không có, bắt buộc nhóm phải làm ở Pháp, Mỹ chẳng hạn; có những cái ở Đức người ta cấm, mình sang Mỹ làm... Tất cả cộng hưởng lại để bù trừ giúp tôi vượt qua những khó khăn.

* Sau giải thưởng của Hiệp hội Ghép tế bào máu và tủy của châu Âu, để tiếp tục một chặng mới trong nghiên cứu, anh đang thực hiện dự án nào?

- Tôi và nhóm đang ở bước thứ 2. Bước đầu đã nghiên cứu ra vai trò của nó là gì và tên tế bào là gì. Bước thứ 2 là nghiên cứu xem những yếu tố nào ảnh hưởng lên hoạt động của tế bào này và làm sao có thể kích thích tăng trưởng những tế bào này để giúp con chuột hoặc bệnh nhân có thể đỡ ghép chung chủ.

Tất nhiên nghiên cứu nào cũng cần quá trình. Bước một mới là nghiên cứu cơ bản. Con đường nghiên cứu và ứng dụng là cả một chặng đường dài.

* Được giải thưởng khoa học cơ bản uy tín ở châu Âu, anh có nghĩ công trình nghiên cứu của mình có thể mở hướng giúp ích gì được với khoa học nước nhà?

- Ở châu Âu từng có người Việt sống ở Đức đạt nhiều giải thưởng khoa học uy tín. Trong lĩnh vực tế bào máu, tôi là người đầu tiên được giải những công trình nghiên cứu tốt.

Tôi chẳng nghĩ nhiều về giải thưởng đâu, vì nhiều khi nó đến bất ngờ. Tôi càng không nghĩ công trình nghiên cứu của mình là đặc biệt, quan trọng là nghiên cứu của mình đóng góp được cho cộng đồng, xã hội.

Nghiên cứu y sinh là ngành nghiên cứu thực nghiệm, chi phí rất tốn kém và lâu dài, đồng thời muốn nghiên cứu tốt thường cần một mạng lưới hợp tác đa ngành mạnh để thành cụm nghiên cứu; cần chuyên gia, trưởng nhóm. 

Việt Nam hiện đang gặp khó ở tất cả các yếu tố trên, nên tôi luôn mong muốn sẵn sàng làm cầu nối trong hợp tác khoa học, y học cho các đơn vị là các trường đại học, viện nghiên cứu hay các bệnh viện của Việt Nam với các đối tác là các trường, viện bên Đức.

Tôi biết có nhiều đơn vị của Việt Nam muốn có các mối hợp tác với Đức, nhưng cái khó thường là thiếu một "nhịp nối". Có thể là "vác tù và hàng tổng", nhưng tôi rất vui và luôn sẵn lòng giúp đỡ các đối tác ở Việt Nam.

Năm 1999, TS Lê Đức Dũng vào Trường ĐH Tổng hợp Huế. Năm 2010, tốt nghiệp Trường ĐH Hannover (Đức) và nhận học bổng tiến sĩ Trường ĐH Y khoa Hannover; Bệnh viện Đại học Saarland (Đức). Từ năm 2016 làm việc tại Phòng thí nghiệm nghiên cứu ung thư máu và ghép tế bào gốc, Bệnh viện Đại học Wuerzburg.

Năm 2018 và 2019, TS Dũng đều đạt giải thưởng Poster tốt nhất tại Hội thảo quốc tế "Miễn dịch học ứng dụng - từ mục tiêu đến liệu pháp". Đến tháng 3-2021, anh đạt giải thưởng về khoa học cơ bản tại Hội nghị khoa học thường niên lần thứ 47 của Hiệp hội Ghép tế bào máu và tủy của châu Âu (EBMT 2021).

"TS Dũng là người rất chăm chỉ, đam mê khoa học. Anh cùng nhóm nghiên cứu sử dụng mô hình tiền lâm sàng để tìm ra các phương pháp điều trị mới đối với bệnh đào thải sau khi cấy ghép tế bào gốc, cũng như ung thư và các bệnh lây nhiễm.
Công trình khoa học của anh Dũng rất có giá trị trong y học, đặc biệt đối với việc cấy ghép tủy để điều trị các bệnh di truyền huyết học cũng như các bệnh liên quan tới tế bào máu".

TS Chu Văn Trung (trưởng nhóm nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu y học phân tử Max - Delbruck - Centrum - Đức)

"Anh Dũng là nhà nghiên cứu sinh học được đào tạo bài bản tại trung tâm nghiên cứu uy tín của Đức. Anh cùng với nhóm đã khám phá ra vai trò đại thực bào trong hệ tiêu hóa có tác dụng kiềm chế tế bào T mang lại hiệu ứng ghép tủy an toàn và hiệu quả, có tiềm năng và ý nghĩa lớn trong y học.

Đặc biệt, ngày nay ngành nghiên cứu miễn dịch là khoa học mũi nhọn rất được lưu tâm, chúng ta có thể kỳ vọng mô hình nghiên cứu của anh có cơ hội phát triển rộng hơn, dẫn đến những ứng dụng hữu ích trong trị liệu ghép mô, các bệnh tự miễn hay ung thư".

TS Nguyễn Đức Thái (từng làm việc tại ĐH San Franscisco (Mỹ), người đồng sáng lập TransMed-VN)

PGS Trần Xuân Bách: Làm khoa học như leo lên đỉnh núi mù sương PGS Trần Xuân Bách: Làm khoa học như leo lên đỉnh núi mù sương

TTO - Phó giáo sư, tiến sĩ trẻ Trần Xuân Bách đạt được hàng loạt những thành tựu trong khoa học đáng ngưỡng mộ ở cả trong nước và quốc tế.

THẢO THƯƠNG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên