14/06/2005 16:10 GMT+7

Truyện tranh VN: Vẫn có sức sống riêng

Theo Thể thao và Văn hóa
Theo Thể thao và Văn hóa

Trong vòng mười năm qua, khi truyện tranh Nhật Bản tràn ngập thị trường sách VN, không ít những người làm nghề và độc giả của thể loại này băn khoăn với câu hỏi: Đến bao giờ truyện tranh VN mới lên ngôi tại sân nhà?

XHaASilX.jpgPhóng to
"Thần đồng đất Việt" sắp kết thúc "vai trò lịch sử "? - Ảnh: L.TH.

Cứ mỗi lần có một bộ truyện tranh mới của ta ra mắt thì bao kỳ vọng lại được nhen nhóm. Nhưng kết quả thì dường như vẫn không thay đổi…

Từ những thất bại ban đầu

Vào khoảng giữa thập niên 1990 NXB Trẻ trong nỗ lực giành chiếm thị phần truyện tranh, đã cho ra mắt bộ Bim và những câu chuyện thần kỳ (tác giả:Nguyễn Nhật Ánh, họa sĩ: Mộng Lân), cho dù đã quảng bá khá rầm rộ, nhưng nhanh chóng rơi vào quên lãng.

Tương tự, NXB Kim Đồng sau này cho ra mắt Tí và Tèo, Chú bé rắc rối hay gần đây nhất, vào năm 2004, NXB Trẻ tung ra ba bộ Đá và nấm, Chuyện ở xứ hoa tỷ muội, Tam quy… song cũng không có tiếng vang. Rồi họa sĩ Văn Minh xuất bản cuốn Cọ Non cũng bị chết yểu.

Nguyên nhân thất bại của những nỗ lực đáng trân trọng này có nhiều, Ông Cao Xuân Sơn- Trưởng ban BT, NXB Kim Đồng chi nhánh phía Nam cho rằng: "Truyện tranh là nhu cầu có thật đối với thiếu nhi, nhưng tại VN chúng ta chưa có môi trường thực sự để thể loại này phát triển. Vì nhìn chung tâm lý của các bậc cha mẹ vẫn còn khá "dị ứng" khi cho rằng truyện tranh hiện đại vẽ theo phong cách manga là không lành mạnh".

Trong khi đó, họa sĩ Hùng Lân - người có hơn 20 năm vẽ truyện tranh lại nhìn nhận từ góc độ khác: "Các nhà xuất bản lớn chưa chú trọng đến việc này, vì in truyện tranh nước ngoài vừa dễ lại vừa mang lại nhiều lợi nhuận. Trong khi đó mức nhuận bút cho các họa sĩ ta không đủ sống, nên họ không đủ sức theo nghề. Họa sĩ Văn Minh chuyển sang nghề khác, Nguyễn Trung Tín tập trung cho việc giảng dạy, Hoàng Tường chuyển sang vẽ mỹ thuật, Đức Lâm chuyển sang biên dịch, Duy Hải chuyển qua in lụa…"

Đến những thử nghiệm mới

Khi truyện tranh VN tưởng không có lối ra thì công ty Phan Thị sau một thời gian đầu tư nghiên cứu đã cho ra mắt bộ Thần đồng đất Việt gây tiếng vang lớn, khiến nhiều người không ngần ngại hô hào: Đây là truyện tranh VN 100%, và tuyên bố: chúng ta có thể cạnh tranh với Nhật Bản. Có thể thấy, đây là bộ truyện do những họa sĩ tâm huyết của VN thực hiện, cốt truyện khá hay, nét vẽ sinh động, ứng dụng nhiều về đồ họa vi tính để xử lý hậu cảnh.

Nhưng ấn tượng ban đầu đó không đủ sức nuôi cho Thần đồng đất Việt một đời sống lâu bền. Các chuyên gia cho rằng, chọn lối vẽ manga đậm chất Nhật, theo lối "đứng trên vai người khổng lồ" chưa hẳn là giải pháp tối ưu. Hơn thế, kịch bản khá đơn điệu cùng với thoại chưa hay khiến cho Thần đồng đất Việt thay vì ra hai tuần 1 số thì nay là 1 tháng 1 số.

Có lẽ không bao lâu nữa bộ truyện này sẽ kết thúc "vai trò lịch sử " của nó, bởi hiện Phan Thị đang cùng NXB Kim Đồng ấn hành bộ truyện 4 màu Ngày xửa ngày xưa với phần đầu là Sơn thần thủy quái dựa từ tích Sơn tinh Thủy tinh có sáng tạo thêm các nhân vật mới.

Gần đây nhất, sau 2 năm chuẩn bị, Công ty Kiến Vàng tung ra bộ truyện Cuộc du hành của chú kiến Tí Nị. Đây là bộ truyện thuần Việt nhưng mang đậm cách làm Tây.

Ông Nguyễn Vũ Phước, giám đốc Công ty Kiến Vàng cho biết: "Sau 2 năm đầu tư từ lỗ đến lỗ, Tí Nị đã ra mắt. Để thực hiện việc này là cả đội ngũ 25 người gồm họa sĩ, đồ họa, biên tập. Thực sự đây là dây chuyền sản xuất công nghiệp, có người bàn bạc ý tưởng, phân cảnh, lắp ghép… giống như một xưởng phim vậy".

Với nội dung khá hiền lành, thú vị, mới chỉ ra 2 tập đầu tiên nhưng phản ứng thị trường rất đáng hy vọng. Tới đây Kiến Vàng sẽ mở website về bộ truyện này, cho độc giả đến công ty đọc trước 10 trang của tập mới, rồi sản xuất tập, bút, đồ chơi bộ xương kiến… Khởi đầu khá tốt, nhưng sự thành công Tí Nị thì chỉ có thời gian mới trả lời được.

Kết hợp truyền thống và hiện đại ?

Trong khi nhiều đơn vị đang thể nghiệm, tìm lối đột phá thì lối làm truyện tranh theo truyền thống như Cô Tiên xanh, Truyện cổ nước Nam, Tiên học lễ… của NXB Đồng Nai với những cốt truyện quen thuộc của truyện cổ tích, dễ được các bậc phụ huynh, nhà trường chấp nhận hơn.

Ông Đặng Tấn Hướng - GĐ NXB Đồng Nai cho biết: "Sau hơn 10 năm, Cô Tiên xanh đều đặn hàng tuần ra 1 số và đến nay đã được hơn 300 tập. Bộ truyện này có lượng độc giả ổn định, ít nhiều cũng cho thấy một mạch riêng, có sức sống của truyện tranh VN".

Cũng theo mạch này, bộ Truyện tranh lịch sử VN của NXB Trẻ đều đặn ra hàng tháng khá suôn sẻ. Nhưng để chiếm được thị trường thì đây cũng không phải là hướng đi thuyết phục.

Phải thừa nhận nếu làm truyện tranh theo dây chuyền công nghiệp kiểu nước ngoài thì ta mới đang ở bước khởi đầu. Cho nên việc dùng "công nghệ Nhật" để cạnh tranh với truyện tranh Nhật Bản tuy là hướng mở khá tốt nhưng chưa mang lại tính hiệu quả cao là điều đương nhiên.

Việc Kiến Vàng xuất bản Tí Nị hay Phan Thị cho ra mắt Sơn thần thủy quái với cốt truyện truyền thống, bút pháp vẽ hiện đại (manga, 3D) cho thấy hướng đi đúng. Bởi nó sẽ tạo ra bản sắc, phong cách riêng của truyện tranh Việt.

Nhưng điều cốt lỏi là trong khi kết hợp giữa truyền thống - hiện đại thì yếu tố tiên quyết là phải có kịch bản hay, hợp với tâm lý trẻ em ngày nay. Cùng với yếu tố này, các công đoạn khác như xây dựng hình ảnh nhân vật, quảng bá… được làm tốt thì rất hy vọng truyện tranh VN sẽ có một sức sống mới, hấp dẫn, nhưng cũng rất riêng.

Theo Thể thao và Văn hóa
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên