03/01/2016 07:00 GMT+7

Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ VFF: Miệt mài cho thuê đá “phủi”

KHƯƠNG XUÂN
KHƯƠNG XUÂN

TT - Dù sẽ trở thành một trong ba học viện bóng đá của VN trong tương lai nhưng hiện nay, Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ VFF quanh năm chỉ cho thuê đá “phủi” là chính...

Sân của trung tâm được cho thuê thi đấu bóng đá phong trào - Ảnh: Nam Khánh
Sân của trung tâm được cho thuê thi đấu bóng đá phong trào - Ảnh: Nam Khánh

Theo đề án Chiến lược phát triển bóng đá VN đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã được Chính phủ phê duyệt, sẽ có ba học viện bóng đá được xây dựng. Tuy nhiên đến thời điểm này, học viện tại Đà Nẵng, TP.HCM ít khả năng trở thành hiện thực vì không có đất xây dựng. Học viện bóng đá thứ ba ở Hà Nội được Bộ VH-TT&DL xác định sẽ hình thành từ việc nâng cấp Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ VFF (LĐBĐVN).

6 năm vận hành đã xuống cấp trầm trọng

Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ được xây dựng vào tháng 9-2006 và khánh thành năm 2009. Trung tâm được xây dựng trên diện tích 7,2ha với kinh phí gần 100 tỉ đồng (phần lớn chi phí từ ngân sách nhà nước, FIFA hỗ trợ một phần). Trung tâm có hai tòa nhà ở cho VĐV, bốn sân bóng đá tiêu chuẩn (ba sân cỏ tự nhiên, một sân cỏ nhân tạo), bốn sân quần vợt, một nhà tập đa năng, bể bơi bốn mùa và phục hồi chức năng cho VĐV...

Nhưng sau sáu năm đi vào hoạt động, hầu hết các hạng mục của trung tâm đã xuống cấp nghiêm trọng. Theo báo cáo mới đây của giám đốc trung tâm Trương Hải Tùng gửi VFF, nhà ở VĐV thuộc tòa nhà B, C của trung tâm xuống cấp nghiêm trọng: sơn tường bị bong tróc, cửa kính vỡ, nhà vệ sinh, điều hòa xuống cấp... Do đó, nhiều thời điểm trung tâm không đủ điều kiện ăn ở cho các đội tuyển quốc gia đến tập huấn hay đón tiếp các đội tuyển quốc tế. Ngoài ra, một số công trình được đánh giá có chất lượng thi công không đảm bảo, sai kỹ thuật.

Cụ thể như bể bơi bốn mùa khánh thành vào tháng 4-2014 với kinh phí hơn 20 tỉ đồng nhưng vừa đi vào hoạt động hơn một năm, do thiết kế và thi công không đảm bảo, đã bong tróc đáy bể. Nhà thầu đã bảo trì hai lần nhưng do thi công sai kỹ thuật nên tới đây sẽ phải tiến hành lát lại toàn bộ đáy bể. Về hệ thống dàn đèn, có đến 23/72 bóng đèn của sân cỏ tự nhiên số 3, 7/72 bóng đèn sân cỏ nhân tạo FIFA bị cháy. Điều này khiến các đội tuyển tập luyện vào cuối giờ chiều trong thời gian qua luôn phải chịu cảnh thiếu ánh sáng.

Chưa hết, theo đánh giá của các chuyên gia sân cỏ Nhật Bản, sân cỏ nhân tạo do FIFA tài trợ xây dựng với kinh phí khoảng 500.000 USD đến nay đã hết hạn sử dụng, xuống cấp và không thể bảo dưỡng được nên phải thay mới. Ba sân cỏ tự nhiên còn lại của trung tâm đều có nền đất quá chặt, mặt sân cứng, độ phẳng không đều. Các sân cỏ nhân tạo bị cỏ dại xâm chiếm tới 60%... cần phải cải tạo lại chất đất và làm lại mặt sân. Thời gian qua vì quá bức xúc với mặt sân tại trung tâm quá xấu không thể tập luyện, trong hai đợt tập trung gần đây của đội tuyển VN và U-23 VN, HLV Miura đã đưa quân lên Trung tâm bóng đá Viettel tại Hòa Lạc cách Hà Nội 30km để tập nhờ.

Cho thuê sân bãi để nuôi nhân viên...

Trong sáu năm đi vào hoạt động, trung tâm chưa cho ra lò bất cứ lứa cầu thủ nào bởi theo ban lãnh đạo trung tâm: “Trung tâm nhận thấy bất cập trong công tác đào tạo dài hạn tuyến trẻ nam, việc đào tạo dài hạn không thật sự khả thi và không có khả năng cạnh tranh với các địa phương đào tạo khác trong nước”. Vì thế, từ năm 2014 đến nay lãnh đạo trung tâm trình VFF phương án đào tạo VĐV bóng đá nữ trẻ từ U-13 đến U-15 do không “đụng hàng” với ai.

Ngoài thời gian ít ỏi trong năm các đội tuyển quốc gia, U-23 và một số đội tuyển trẻ tập trung và tập luyện tại trung tâm, các sân của trung tâm được đem cho thuê đá “phủi” để tạo nguồn thu. Nơi đây lâu nay biến thành địa điểm mà giới chơi bóng đá phong trào ở Hà Nội thuê để tập luyện, tổ chức giải đấu.

Do sử dụng nhiều, không được chăm sóc tốt nên mặt sân ở trung tâm luôn trong tình trạng quá tải, lồi lõm... Không chỉ vậy, hồ bơi cũng được dùng chủ yếu với mục đích cho người dân vào mua vé để bơi, dạy bơi là chính. Việc phục vụ các đội tuyển chỉ là phụ do các đội tuyển quốc gia chỉ tập trung ở đây trong khoảng thời gian nhất định trong năm.

Theo báo cáo tài chính của trung tâm, năm 2015 nguồn thu của trung tâm là 9,6 tỉ đồng. Trong đó: 4,5 tỉ đồng thu từ kinh doanh sự kiện, cho thuê sân bóng đá, phòng nghỉ; 1,5 tỉ đồng cho thuê bể bơi; 2,6 tỉ đồng thu từ cho thuê mặt bằng, liên doanh liên kết... Dự kiến nguồn thu của năm 2016 là 12 tỉ đồng, trong đó có 5,5 tỉ đồng khai thác kinh doanh sự kiện trong nước và quốc tế, phòng nghỉ; 1,5 tỉ đồng kinh doanh bể bơi; 4 tỉ đồng thu từ cho thuê mặt bằng, sân bãi...

Các khoản thu này được dùng để chi trả lương cho 41 cán bộ nhân viên của trung tâm, và cũng được dùng để trả chi phí điện nước, duy tu bảo dưỡng các hạng mục của trung tâm. Trong các nguồn thu của trung tâm có một phần từ VFF chuyển sang để chi trả cho việc phục vụ các đội tuyển quốc gia khi tập huấn tại đây.

Chưa có công nghệ đào tạo VĐV

Dù là trung tâm đào tạo bóng đá trẻ nhưng ở đây không thấy xuất hiện nhà chuyên môn nào có thể đào tạo được bóng đá. Do đó, theo đề xuất của trung tâm, trong thời gian tới trung tâm sẽ có giám đốc kỹ thuật.

Ông Phạm Ngọc Viễn, trưởng ban chiến lược VFF, cho biết việc thành lập học viện bóng đá trên cơ sở nâng cấp trung tâm đào tạo bóng đá trẻ chưa thể làm ngay bởi đến thời điểm này trung tâm vẫn chưa có công nghệ đào tạo VĐV, nhân lực lãnh đạo là giám đốc kỹ thuật, kinh phí. Khi chưa có giám đốc kỹ thuật, chưa thể thành lập được học viện bóng đá để biến nơi đây thành nơi chuyển giao công nghệ đào tạo cầu thủ trẻ cho các CLB.

KHƯƠNG XUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên