21/02/2016 05:45 GMT+7

Trong nhà “vặc” nhau, người ngoài hưởng lợi

KHƯƠNG XUÂN (khuongxuan@tuoitre.com.vn)
KHƯƠNG XUÂN (khuongxuan@tuoitre.com.vn)

TT - Ngày 20-2, V-League 2016 đã khai mạc trên các sân cỏ với trái bóng thi đấu trên sân mang thương hiệu Grand Sport (Thái Lan) thay vì bóng Động Lực (VN) như 10 năm qua...

Cầu thủ Việt đá bóng Thái, chuyện không vui ở V-League 2016 - Ảnh: Nguyên Khôi
Cầu thủ Việt đá bóng Thái, chuyện không vui ở V-League 2016 - Ảnh: Nguyên Khôi

Nguyên nhân khiến quả bóng Động Lực được FIFA cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn thi đấu quốc tế không thể có mặt trên sân cỏ Việt xuất phát từ mâu thuẫn giữa nhà tổ chức V-League là Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp VN (VPF) và Tập đoàn thể thao Động Lực.

Ông Lê Văn Thành, chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Động Lực, nói với Tuổi Trẻ: “Quá đau xót khi bóng Động Lực đã xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới nhưng giải bóng đá quan trọng nhất ở VN lại không dùng loại bóng này”.

Thương hiệu Thái tràn ngập bóng đá Việt

Trước khi bóng Grand Sport trở thành trái bóng thi đấu của V-League 2016, ngày 19-11-2014 Công ty Grand Sport (Thái Lan) đã ký hợp đồng với LĐBĐ VN (VFF) để trở thành nhà tài trợ trang phục, thiết bị sinh hoạt, tập luyện và thi đấu cho các đội tuyển bóng đá quốc gia của VN. Hợp đồng của Grand Sport với VFF có thời hạn 5 năm (từ năm 2015- 2019). Trước đó, Nike là đối tác của VFF trong suốt 5 năm liền.

Trước mùa giải 2016, Grand Sport tiếp tục gây sửng sốt khi trở thành nhà tài trợ bóng thi đấu cho V-League, Giải hạng nhất, Cúp quốc gia mùa giải 2016. Sự có mặt của Grand Sport hất văng bóng Động Lực (thương hiệu của Công ty cổ phần Động Lực) đã gắn bó với V-League hơn 10 năm qua trên cương vị nhà tài trợ bóng dù trước đó, tại buổi họp báo công bố nhà tài trợ chính của V-League 2016 hôm 24-12-2015, trái bóng UHV 2.07 của Động Lực vẫn được đặt trên bàn chủ tọa buổi lễ.

Ngày 20-2 V-League khai mạc nhưng đến ngày 17-2, hơn 1.000 trái bóng Grand Sport mới được chuyển về VN và phân phát cho các CLB tập làm quen. Việc Động Lực không thể trở thành nhà tài trợ bóng mùa giải 2016 theo giải thích của đại diện VPF là do chưa tìm được tiếng nói chung.

Theo VPF, trái bóng sử dụng tại V-League 2016 mang tên Primero One+ từng được sử dụng tại Thai-League. Theo giấy chứng nhận chất lượng, trái bóng Primero One+ được sản xuất tại Pakistan. Ở mùa giải 2016, bóng Primero One+ chỉ được sử dụng tại Giải hạng nhất của Thái Lan. Còn Thai-League 2016 sử dụng loại bóng mới hơn của Grand Sport mang tên Primero Mundo 3.

Ông Cao Văn Chóng, tổng giám đốc VPF, cho biết bóng Primero One+ mà V-League 2016 dùng là trái bóng được FIFA công nhận đạt tiêu chuẩn thi đấu quốc tế. V-League không thể chọn trái bóng Primero Mundo 3 giống như Thai-League 2016 là do hợp đồng của VPF với Grand Sport gấp gáp, nhà tài trợ chỉ sản xuất số lượng vừa đủ cho Thai-League nên không đủ cung cấp cho V-League.

Ông chủ bóng Động Lực: bất ngờ, đau xót

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 20-2, ông Lê Văn Thành cho biết mình cũng bất ngờ và sốc trước thông tin VPF không chọn bóng Động Lực để đá ở V-League. Ông Thành nói chỉ mới biết thông tin này cách đây 3 ngày bởi Động Lực rất muốn tiếp tục tài trợ cho V-League.

Ông Thành nói: “Cái đau nhất là bóng Động Lực là trái bóng duy nhất sản xuất ở Đông Nam Á được FIFA công nhận, người tiêu dùng quốc tế tin dùng, đã xuất khẩu đi nhiều quốc gia trên thế giới nhưng giờ V-League lại dùng bóng Thái Lan. Điều này khiến tôi thấy rất đau xót. Nguyên nhân dẫn đến việc này chỉ là sự hiểu nhầm khi Động Lực nói muốn ký hợp đồng 3 năm còn VPF nói chỉ ký 2 năm, thế mà thành sự như thế này. Nếu gấp quá, ngay cả khi hợp đồng chưa ký được mà VPF cần thì chúng tôi sẵn sàng xuất 2.000- 3.000 trái bóng cho V-League rồi thương thảo hợp đồng sau. Thế mà VPF không nói gì, chỉ trong hơn 10 ngày, họ tìm đối tác khác thế chỗ Động Lực”.

Ông Thành nói tiếp: “Hơn 10 năm qua, có thời điểm nhiều thương hiệu bỏ bóng đá VN ra đi nhưng Động Lực vẫn gắn bó với bóng đá VN. Với V-League, Động Lực tài trợ theo hợp đồng 3.500 quả bóng và 700 triệu đồng/mùa, tương đương mỗi năm hơn 4 tỉ đồng, thế mà nay họ không để ý gì đến lịch sử. Bao năm dùng bóng Động Lực giờ VPF lại bỏ tiền đi mua bóng và quảng cáo miễn phí cho đối tác nước ngoài thì quá đáng tiếc”.

VPF tố Động Lực nợ tiền, nợ bóng

Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ: Tại sao không tiếp tục sử dụng bóng Động Lực mà lại chuyển sang Grand Sport? Một lãnh đạo VPF cho biết VPF rất trăn trở mới đi đến quyết định này và lý do chính là do Động Lực nợ tiền tài trợ, nợ bóng triền miên.

Vị này chia sẻ: “Dù ai cũng muốn dùng hàng tốt, hàng rẻ mà hàng VN thì lại càng quý nhưng trong suốt năm 2014, 2015 dù là nhà tài trợ nhưng Động Lực không chuyển một đồng tài trợ nào cho V-League như hợp đồng đã ký. Theo hợp đồng, một năm Động Lực cũng phải chuyển 3.500 trái bóng nhưng cả mùa giải 2015 Động Lực không chuyển trái nào. VPF vì thế phải lấy bóng lưu ở trong kho tồn từ mùa giải 2014 ra để dùng, cũng may là đủ. Đấy, họ ký hợp đồng một đằng nhưng làm một nẻo, nói không đi đôi với làm nên chúng tôi rất khổ.

VPF đã làm việc rốt ráo đến ngày cuối cùng trước khi nghỉ Tết âm lịch nhưng không thể giải quyết được mâu thuẫn với Động Lực. Kết nối làm việc với Động Lực cũng rất khó khăn, thiếu thiện chí khiến VPF luôn rơi vào thế bị động. Vì khó quá nên các bộ phận chuyên môn quyết định không thể chờ Động Lực nữa mà phải chuyển sang đối tác khác vì ngày 20-2 V-League 2016 phải khởi tranh. Nếu chậm trễ, V-League sẽ không có bóng để đá thì hậu quả khôn lường. Không thể vì một đối tác thiếu chuyên nghiệp như vậy mà làm ảnh hưởng đến cả giải đấu được”. Ông Cao Văn Chóng cho biết việc chọn bóng Grand Sport đã được các bộ phận chuyên môn VPF thống nhất cao. Trong hợp đồng với Grand Sport, VPF chỉ phải trả một phần chi phí tượng trưng, còn lại Grand Sport tài trợ phần lớn.

Chưa biết trái bóng Grand Sport có tốt hơn bóng Động Lực hay không, chỉ biết rằng bóng Động Lực và bóng đá VN đã thua ngay trên sân của mình vì những lý do rất thiếu chuyên nghiệp. Chỉ có đối tác nước ngoài là người chiến thắng dù chẳng tốn chút công sức nào.

“Chúng tôi không giao, các đội lấy đâu bóng mà đá”

Ngày 20-2, ông Lê Văn Thành cho rằng những thông tin nói rằng Động Lực không bàn giao bóng cho VPF mùa giải 2015 là không chính xác. Ông Thành nói: “Nếu chúng tôi không giao bóng thì các đội lấy đâu bóng mà đá. Còn tiền thanh toán tài trợ không đủ là đúng nhưng đó là tồn tại cũ. Vừa kết thúc xong giải đấu người ta cũng phải hẹn để thanh toán chứ có phải không muốn thanh toán đâu”.

Ông Thành nói tiếp: “Ngày 21-1, trong cuộc đàm phán giữa Động Lực với VPF diễn ra rất vui vẻ. Sau đó VPF có gửi cho Động Lực văn bản để điều chỉnh nội dung tài trợ và yêu cầu chúng tôi có phản hồi trước 15g ngày 22-1. Ngày 22-1 Động Lực có công văn phúc đáp và đồng ý tiếp tục tài trợ cho VPF, chỉ có điều chúng tôi đề nghị ký 3 năm thay vì 2 năm. Chúng tôi đã chuẩn bị 2.000 quả bóng để chuyển cho VPF cho mùa giải 2016. Tuy nhiên sau đó VPF không phản hồi gì rồi sau tết công bố sử dụng bóng Grand Sport. Làm việc như thế là không chuyên nghiệp”.

Theo văn bản VPF gửi cho Động Lực ngày 21-1 về một số nội dung trong hợp đồng dự kiến VPF và Động Lực sẽ ký. Theo đó, VPF được nhận 3.500 quả bóng tiêu chuẩn FIFA; được nhận 700 triệu đồng tiền tài trợ mùa giải 2016 (các năm trước là 1 tỉ đồng), năm 2017 tăng giá trị lên 20%; thời hạn ký hợp đồng là 2 năm. Đến thời điểm 21-1, Động Lực nợ VPF số tiền tài trợ các mùa giải trước là 2,2 tỉ đồng và 3.054 quả bóng tiêu chuẩn FIFA.

KHƯƠNG XUÂN (khuongxuan@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên