26/12/2019 20:22 GMT+7

Trên 13.000 người đăng ký hiến tạng cứu người sau khi qua đời

HOÀNG LỘC
HOÀNG LỘC

TTO - Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) công bố thông tin trên, cảm ơn tinh thần nhân đạo cứu người của những gia đình hiến tạng cứu người. Mỗi con số là một câu chuyện cảm động, chứa đựng biết bao ý nghĩa cao đẹp.

Trên 13.000 người đăng ký hiến tạng cứu người sau khi qua đời - Ảnh 1.

Bác sĩ Dư Thị Ngọc Thu, trưởng đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM (áo trắng, tóc ngắn), trong 1 lần ghé thăm gia đình có người hiến tạng sau khi qua đời - Ảnh: HOÀNG LỘC

Bác sĩ Nguyễn Tri Thức - giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy - chia sẻ, đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người của bệnh viện ra đời ngày 17-6-2014, phát hành thẻ hiến tạng đầu tiên ngày 28-10-2014.

Từ đó đến nay, sau mỗi năm, số người đăng ký hiến tạng ngày một tăng. Đến ngày 9-12-2019 đã có 13.025 người đăng ký hiến tạng. Trong năm 2019, đơn vị đã tiếp nhận được sự tình nguyện hiến tặng tạng từ 20 gia đình có người thân chết não, tim.

Qua sàng lọc, đơn vị đã kịp thời nhận được từ 4 trường hợp với 6 quả thận, 2 lá gan, 1 quả tim, 8 giác mạc, điều phối ghép mang lại sự sống, ánh sáng cho 17 bệnh nhân. Hiện sức khỏe của họ đều ổn định.

Trên 13.000 người đăng ký hiến tạng cứu người sau khi qua đời - Ảnh 2.

Kỷ niệm chương của bộ trưởng Bộ Y tế cho anh Hà Minh Nhật (37 tuổi, ngụ khu phố 12, thị trấn Ea Knốp, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk), người hiến tạng sau khi qua đời - Ảnh: HOÀNG LỘC

Theo bác sĩ Thức, tính từ năm 2008 đến nay đã có 52 quả thận, 8 lá gan, 6 quả tim, 1 khối tim - phổi và 34 giác mạc được ghép cho những bệnh nhân cần để nối dài sự sống.

Mỗi gia đình khi quyết định hiến tạng của người thân đều mang theo những câu chuyện xúc động. Trong đó có câu chuyện của Hà Minh Nhật (37 tuổi, ngụ khu phố 12, thị trấn Ea Knốp, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk), người tròn một năm trước được gia đình hiến tạng sau khi qua đời vì tai nạn giao thông.

Anh được chuyển vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Long An, rồi do chấn thương sọ não quá nặng nên được tiếp tục chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu. Khi nhập viện, các bác sĩ đã tiên lượng Nhật khó qua khỏi.

Trên 13.000 người đăng ký hiến tạng cứu người sau khi qua đời - Ảnh 3.

"Cho đi là còn mãi" - một thông điệp được các gia đình đăng ký hiến tạng chia sẻ khi nói về nghĩa cử cao đẹp của mình - Ảnh: HOÀNG LỘC

Trong những ngày này, ông Hà Minh Tâm (cha của Nhật) được một người thân làm việc trong Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ về nghĩa cử hiến mô tạng cứu người. "Đó cũng chính là mong muốn của tôi và gia đình" - cố kìm nén nỗi đau mất con, ông Tâm nói.

"Nhật còn trẻ quá, chưa có vợ con gì cả. Tôi không muốn con mình mất đi một cách vô nghĩa như thế. Tôi muốn dù mất đi nhưng con tôi vẫn để lại một phần máu thịt ở trần gian nên quyết định hiến tạng. Mong muốn này của tôi được vợ và các con ủng hộ tuyệt đối" - ông Tâm chia sẻ.

"Bệnh nhân đã hiến một lá gan, phổi, hai quả thận và hai giác mạc. Ngoài giác mạc bị chấn thương không sử dụng được, phổi chưa có người nhận, tất cả các tạng còn lại đều được chúng tôi điều phối ghép thành công, mang lại sự sống cho nhiều bệnh nhân khác" - bác sĩ Dư Thị Ngọc Thu, trưởng đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người Bệnh viện Chợ Rẫy, nói.

"Cho đi là còn mãi", tâm nguyện của gia đình ông Tâm cũng là nỗi lòng chung của nhiều người đang sống.

Giải oan cho gia đình hiến tạng Giải oan cho gia đình hiến tạng

TTO - Nửa đêm một ngày cuối tháng 11-2019, điện thoại của ông Lê Minh Hiển - phó đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) - bất ngờ nhận được tin nhắn từ số máy lạ...

HOÀNG LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên