03/11/2023 16:57 GMT+7

Trẻ hóa người mắc ung thư đường tiêu hóa, có bệnh nhân mới 22 tuổi

Tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, các bác sĩ cho biết bệnh nhân mắc ung thư đường tiêu hóa đến khám tại khoa ngoại tiêu hóa ngày càng trẻ, có bệnh nhân chỉ từ 20 - 30 tuổi.

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM) áp dụng điều trị đa mô thức ung thư đường tiêu hóa, có thể kể đến các liệu pháp hóa xạ trị trước và sau mổ, liệu pháp miễn dịch hay nhắm trúng đích - Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM) áp dụng điều trị đa mô thức ung thư đường tiêu hóa, có thể kể đến các liệu pháp hóa xạ trị trước và sau mổ, liệu pháp miễn dịch hay nhắm trúng đích - Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Ngày 3-11, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM) cho biết mỗi ngày khoa ngoại tiêu hóa và đơn vị ung bướu đều tiếp nhận điều trị các trường hợp ung thư đường tiêu hóa.

22 tuổi đã mắc ung thư trực tràng

Bác sĩ Lê Huy Lưu - phụ trách điều hành khoa ngoại tiêu hóa Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - cảnh báo bệnh nhân mắc ung thư đường tiêu hóa càng ngày càng trẻ hóa.

Trước đây độ tuổi bệnh nhân mắc ung thư đường tiêu hóa tại khoa chủ yếu từ trên 60, nhưng nay đã có nhiều bệnh nhân 40 - 50 tuổi, bệnh nhân trẻ hơn, ở độ tuổi 20 - 30 đã bắt đầu được ghi nhận, dù tỉ lệ không nhiều.

"Nhiều trường hợp mắc ung thư không rõ nguyên nhân. Nhưng ở góc độ sinh học phân tử, chúng ta có thể nghĩ đến các yếu tố về mặt gene di truyền, kết hợp với tiếp cận môi trường không lành mạnh, có thể tích lũy các yếu tố bất lợi và thúc đẩy biểu hiện của bệnh ung thư", bác sĩ Lưu giải thích.

Điển hình trường hợp bệnh nhân T.V.H. (nam, 22 tuổi, sinh viên năm cuối một trường đại học ở TP.HCM) bị ung thư trực tràng ở giai đoạn tiến triển. Trước đó, H. đi cầu ra máu một thời gian dài, nên đi khám tại một cơ sở y tế trên địa bàn. H. được chẩn đoán là do trĩ và điều trị theo hướng bệnh này vài tháng.

Do bệnh nhân còn quá trẻ, nên các bác sĩ đã hội chẩn và quyết định triển khai đa mô thức để điều trị ung thư. Đầu tiên, bệnh nhân được hóa, xạ trị để thu nhỏ khối u, sau đó phẫu thuật nội soi lấy khối u mà vẫn giữ được hậu môn. Hiện bệnh nhân đang trong quá trình hóa trị hỗ trợ 3 tuần/lần.

"Đây là một bệnh nhân trẻ nên ít khi nào nghĩ tới chuyện ung thư. Chính vì vậy bệnh nhân đã điều trị sai hướng vài tháng trời. Khi bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, chúng tôi phát hiện ung thư trực tràng ở giai đoạn tiến triển. Khối u cách rất gần cửa hậu môn.

Nếu như trước đây, chúng ta hoặc là không được làm gì hoặc chỉ làm tạm bợ, hoặc là nếu mà điều trị triệt để thường là phải khoét cả hậu môn", bác sĩ Lưu nói.

Bệnh nhân mắc ung thư tiêu hóa khám tại khoa ngoại tiêu hóa Bệnh viện Nguyễn Tri Phương được ghi nhận ngày càng trẻ hóa - Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Bệnh nhân mắc ung thư tiêu hóa khám tại khoa ngoại tiêu hóa Bệnh viện Nguyễn Tri Phương được ghi nhận ngày càng trẻ hóa - Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Tăng nguy cơ mắc ung thư đường tiêu hóa vì lối sống không lành mạnh

Trước tình trạng ngày càng trẻ hóa người mắc các bệnh ung thư đường tiêu hóa, bác sĩ Lưu khuyến cáo người dân cần tuân thủ một lối sống lành mạnh, ăn uống khoa học, tăng cường vận động để giúp cơ thể khỏe và giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh ung thư.

Việc ăn thức ăn giàu chất đạm, thịt đỏ, ít chất xơ, ít vận động, luyện tập thể dục thể thao… sẽ làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng.

Vậy đâu là các dấu hiệu cảnh báo ung thư tiêu hóa? Bác sĩ Lưu lưu ý bất kỳ thay đổi thói quen đi cầu trong một vài ngày hay một vài tuần mà không có lý do; hay đi cầu ra máu, có đàm nhớt hay tính chất phân thay đổi đều phải đi kiểm tra tham vấn.

Đặc biệt, cơ thể cảm thấy bất ổn, đau bụng mơ hồ, nhất là nếu trong gia đình có những người từng mắc những bệnh lý về ung thư bất cứ loại gì thì phải nâng cao cảnh giác và đi khám ngay.

Về việc điều trị, bác sĩ Phan Vũ Đăng Khoa - đại diện đơn vị ung bướu Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - chia sẻ bên cạnh phối hợp với các can thiệp ngoại khoa (cụ thể là phẫu thuật), các bác sĩ còn có nhiều công cụ và phương tiện khác hỗ trợ người bệnh chiến đấu chống lại bệnh lý ung thư, đem đến giải pháp tối ưu cho người bệnh.

Không chỉ ung thư, các bác sĩ còn quan tâm tới chuyện phục hồi nhanh sau phẫu thuật. Bác sĩ Lưu cho biết thêm việc triển khai nhiều phương pháp điều trị tốt và tiên tiến, các thủ thuật ít xâm hại đã rút ngắn thời gian điều trị xuống còn 5 - 7 ngày đối với các phẫu thuật lớn, thậm chí có những ca chỉ cần nằm viện khoảng 3 ngày.

Chẩn đoán và điều trị đa mô thức ung thư đường tiêu hóa

Thống kê từ Tổ chức Ung thư toàn cầu GLOBOCAN 2020, Việt Nam mỗi năm có đến gần 200.000 ca mắc mới và hơn 100.000 ca tử vong do bệnh lý ung thư. Trong đó, ung thư đường tiêu hóa chiếm hơn 30% các trường hợp ung thư tại Việt Nam, thường gặp nhất là ung thư gan 14,5%, kế đến ung thư dạ dày 9,8% và ung thư đại trực tràng 9%.

Vừa qua, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương đã tổ chức "Hội nghị đồng thuận chẩn đoán và điều trị đa mô thức ung thư đường tiêu hóa", triển khai quy trình hội chẩn liên chuyên khoa các trường hợp ung thư trước khi ra quyết định điều trị.

Đây là hội nghị nằm trong chuỗi sự kiện chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, nhằm tăng cường sự hợp tác, trao đổi các vấn đề chuyên môn giữa các khoa phòng, các y bác sĩ và các chuyên gia nhằm mục đích hướng đến điều trị toàn diện cho người bệnh ung thư, cụ thể là ung thư tiêu hóa.

Ung thư  đường tiêu hóa đáng báo độngUng thư đường tiêu hóa đáng báo động

TTO - Theo bác sĩ Nguyễn Tiến Quang (Bệnh viện K), mỗi năm VN có 126.000 ca mắc ung thư mới, 94.000 ca tử vong do ung thư, tỉ lệ chết/mắc lên tới 3/4 là một tỉ lệ rất cao.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên