17/08/2023 13:07 GMT+7

TP.HCM ra mắt Ngân hàng huyết thanh

TP.HCM ra mắt Ngân hàng huyết thanh giúp tăng khả năng dự đoán dịch hoặc phát hiện sớm khả năng bùng phát dịch, đánh giá tình hình miễn dịch cộng đồng.

Lễ cắt băng khánh thành Ngân hàng huyết thanh HCDC - Ảnh: T.DƯƠNG

Lễ cắt băng khánh thành Ngân hàng huyết thanh HCDC - Ảnh: T.DƯƠNG

Sáng 17-8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) đã tổ chức lễ ra mắt Ngân hàng huyết thanh với sự tham dự của ông Dương Anh Đức - phó chủ tịch UBND TP.HCM, ông Tăng Chí Thượng - giám đốc Sở Y tế TP.HCM...

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Hồng Tâm, giám đốc HCDC, cho biết các hoạt động giám sát tác nhân gây bệnh thông qua xét nghiệm huyết thanh đã được triển khai từ trước đến nay với những quy mô khác nhau. 

Cụ thể như giám sát trọng điểm HIV, giám sát trọng điểm sốt xuất huyết Dengue, giám sát sốt phát ban nghi sởi - rubella...

Trong đại dịch COVID-19 vừa qua, Ngân hàng huyết thanh đã phát huy được vai trò trong 3 đợt khảo sát tỉ lệ lưu hành kháng thể SARS-CoV-2 trong cộng đồng người dân, từ đó giúp đánh giá tình hình miễn dịch cộng đồng ở TP.HCM. 

Ông Tâm khẳng định: "Ngân hàng huyết thanh rất cần thiết đối với vai trò tham mưu và tổ chức thực hiện việc giám sát dự phòng, kiểm soát bệnh tật và không thể thiếu trong bối cảnh HCDC từng bước nâng cao năng lực, nhằm góp phần bảo vệ sức khỏe cho người dân TP.HCM và khu vực hiệu quả nhất".

Ông Dương Anh Đức, phó chủ tịch UBND TP (thứ 2 từ trái qua), tham quan Ngân hàng huyết thanh - Ảnh: T.DƯƠNG

Ông Dương Anh Đức, phó chủ tịch UBND TP (thứ 2 từ trái qua), tham quan Ngân hàng huyết thanh - Ảnh: T.DƯƠNG

Theo bà Lê Hồng Nga - phó giám đốc HCDC, đến nay việc thu thập các mẫu huyết thanh để thực hiện các xét nghiệm phục vụ công tác giám sát bệnh truyền nhiễm không còn xa lạ đối với những người làm công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm tại Việt Nam.

Nhưng nếu chỉ dừng ở những hệ thống giám sát riêng rẽ cho một số bệnh lưu hành thì huyết thanh học vẫn chưa được sử dụng đúng mức như một công cụ lượng giá gánh nặng bệnh truyền nhiễm trong cộng đồng, và định hướng cho các quyết định y tế công cộng.

Vì vậy một trong những hoạt động quan trọng phải triển khai sớm của đề án Nâng cao năng lực HCDC đó là xây dựng và đưa vào hoạt động Ngân hàng huyết thanh, nhằm đáp ứng một số nhu cầu của công tác kiểm soát dịch bệnh truyền nhiễm.  

Đó là dự đoán dịch hoặc phát hiện sớm khả năng bùng phát dịch, đánh giá tình hình miễn dịch cộng đồng, đánh giá hiệu quả của một số biện pháp can thiệp, khảo sát sự lưu hành thầm lặng của tác nhân gây bệnh... 

Trước đó, để chuẩn bị cho sự ra đời của Ngân hàng huyết thanh và cũng là để đánh giá sự lưu hành kháng thể SARS-CoV-2 trong cộng đồng người dân TP, từ tháng 9-2022 đến tháng 4-2022, HCDC đã phối hợp với đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford tổ chức 3 đợt thu thập các mẫu huyết thanh theo một khung chọn mẫu đảm bảo tính đại diện cho các khu vực địa lý, độ tuổi và giới tính.

Đã có 16 bệnh viện được đưa vào khung chọn mẫu và mỗi đợt khảo sát thu được gần 900 mẫu huyết thanh. Kết quả thu được cho thấy trên 90% người dân ở cả 4 khu vực địa lý của TP đều có kháng thể kháng COVID-19. Kết quả khảo sát này đã cung cấp dữ liệu cần thiết để triển khai các hoạt động quản lý bền vững đối với COVID-19.

Hiện Ngân hàng huyết thanh được đưa vào hoạt động với sức chứa lưu trữ 400.000 - 450.000 mẫu huyết thanh. Dự kiến trong giai đoạn 2024 - 2030, Ngân hàng huyết thanh sẽ được HCDC đầu tư mở rộng, xây dựng cơ sở hạ tầng để tăng thêm dung lượng lưu trữ mẫu.

HCDC: Người dân TP.HCM cần bình tĩnh, không hoang mang tự đánh giá F3, F4HCDC: Người dân TP.HCM cần bình tĩnh, không hoang mang tự đánh giá F3, F4

TTO - Trong quy định của Bộ Y tế hiện nay về truy vết, xử trí các ca tiếp xúc với người bệnh COVID-19 chỉ dừng ở F1, F2. Một số trường hợp đang tự xếp mình là F3, F4, F5 và F… là không phù hợp với quy định của Bộ Y tế.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên