20/01/2016 11:00 GMT+7

“Tôi ước được ăn cơm trắng với thịt”

KHƯƠNG XUÂN - HUY ĐĂNG (khuongxuan@tuoitre.com.vn)
KHƯƠNG XUÂN - HUY ĐĂNG (khuongxuan@tuoitre.com.vn)

TT - Đó là tâm sự của những cô gái đến từ dãy núi cao quanh năm sương phủ Si Ma Cai, Bát Xát (Lào Cai) khi nói về con đường đến với thể thao thành tích cao.

 

Bàn Thị May (bìa phải) tập điền kinh - Ảnh: H.Đ.
Bàn Thị May (bìa phải) tập điền kinh - Ảnh: H.Đ.

Lào Cai những ngày giữa mùa đông lạnh giá, mỗi cơn gió thổi qua cũng khiến ai nấy run rẩy nhưng với Bàn Thị May (dân tộc Dao), cô gái 15 tuổi đang là VĐV điền kinh (nội dung chạy cự ly trung bình) của Trung tâm Huấn luyện TDTT Lào Cai, không có cái lạnh nào đáng sợ hơn những cơn đói bụng triền miên.

Cha lấy vợ mới, mẹ làm thuê nuôi ba con

Từ nhà May (thôn Trà Chẩu, xã Sơn Hà, huyện Bảo Thắng) lên TP Lào Cai có xa không? “Tôi không biết ạ!”. May cho biết từ bé đến giờ cô chưa đi đâu ngoài từ nhà đến thị trấn huyện nên thật sự không biết khoảng cách đến TP Lào Cai bao xa.

Bố mẹ bỏ nhau, bố qua Yên Bái lấy vợ mới, chỉ còn mẹ một mình nuôi ba chị em May. Nhà có 2 sào ruộng nhưng phải gánh đến bốn miệng ăn nên cái đói theo May từ khi cô mới lọt lòng mẹ. Một năm 12 tháng thì quá nửa thời gian cả nhà phải ăn cơm độn sắn, ngô, rau trừ bữa. Gia tài lớn nhất của bốn mẹ con chỉ có con trâu mà hằng ngày May vẫn đi cắt cỏ và chăm bẵm. Nhưng sau khi May lên TP tập điền kinh mấy tháng thì trâu chết. May thương trâu, thương mẹ quá nhưng chẳng biết làm sao.

May chia sẻ: “Tôi mới lên tập điền kinh được tám tháng, trước giờ đi học về là lên rừng lấy măng, lấy củi về bán kiếm tiền phụ mẹ. Mẹ khổ lắm, hằng ngày mẹ dậy từ 4g sáng nấu cơm với sắn sau đó đi bộ 5 - 6km xuống thị trấn làm thuê, có khi phải làm phụ vữa kiếm tiền mua gạo. Chị gái tôi học hết lớp 9 đã bỏ học để đi làm cùng mẹ kiếm cái ăn. Ngày nào mẹ cũng đi từ 4g sáng đến tối mới về mà cơm không đủ ăn. Tôi chỉ ước gì có cơm trắng để ăn chứ không dám mơ được ăn thịt”.

Đôi chân cô quen leo núi, bởi ngày nào May cũng dậy từ 4g sáng cùng mẹ chuẩn bị đồ ăn, sau đó đến trường cách nhà gần ba giờ đi bộ. Do đã quen đi bộ mỗi ngày 4 - 5 tiếng nên khi được các HLV đến trường tuyển VĐV cho đội điền kinh của tỉnh, May dễ dàng trúng tuyển và lên TP tập từ tháng 7- 2015. Không đường piste để tập chạy, May và các bạn ở đây đều tập ở sân sỏi cát. Dù đối mặt với té ngã, chấn thương nhưng May không sợ vì như cô tâm sự: “Lên đây được ăn cơm trắng với thịt cá, lại được đi học, đỡ gánh nặng cho mẹ nên dù khổ em cũng cố gắng”.

Tẩn Lở Mẩy (phải) trong buổi tập wushu
Tẩn Lở Mẩy (phải) trong buổi tập wushu

Nghèo quá, cha mẹ phải “bán” con cho chú

Đó là câu chuyện của VĐV wushu Tẩn Lở Mẩy (dân tộc Dao) khi gia đình nghèo quá bố mẹ cô đã phải cúng rồi đưa cô sang nhà người chú nuôi hộ để đỡ gánh nặng. HLV Nguyễn Minh Đăng - trưởng phòng huấn luyện Trung tâm Huấn luyện TDTT Lào Cai - cho biết việc gửi con làm con nuôi người khác vì bố mẹ nghèo quá không phải chuyện hiếm ở nơi này. Nói là làm con nuôi nhưng thực chất là để con mình sang nhà người ta làm việc nhà để con có cơm ăn.

Giọng nói còn chưa rõ tiếng Kinh, thế nhưng trên võ đài môn wushu, Mẩy luôn có những đòn đánh khiến nhiều đối thủ phải sợ. 17 tuổi và từng giành HCĐ giải trẻ VĐQG, Mẩy mơ ước một ngày cô có thể trở thành một HLV wushu hay giáo viên tiểu học như các thầy cô ở thôn Trung Hồ, xã Phìn Ngan, huyện Bát Xát nơi cô sống. Đã tập wushu được ba năm, từ ngày lên trung tâm, chiều cao của cô đã tăng thêm 10cm và nặng thêm 8kg nhờ được ăn uống đầy đủ.

Kể về gia đình mình, Mẩy ngậm ngùi: “Bố mẹ tôi nghèo quá nên quanh năm đi làm thuê làm mướn khắp nơi để có tiền mua gạo cho hai anh em. Nhưng nơi tôi ở, nhà ai cũng nghèo nên việc làm ít lắm, chỉ lúc ngày mùa mới có việc để làm. Đi làm thuê bố mẹ không lấy tiền mà đổi sức lao động lấy sắn, lấy ngô mang về nấu cho chúng tôi ăn. Những lúc không đi học, tôi lên rừng đào củ mài, lấy rau về ăn thay cơm. Đến cơm trắng cũng không có ăn nên tôi chỉ ước được ăn cơm với thịt thôi vì ở nhà quanh năm suốt tháng toàn ăn rau, ăn sắn”.

Mẩy là con nuôi của người chú có hoàn cảnh kinh tế khá giả hơn. Thương bố mẹ nên Mẩy cho biết cô luôn tâm niệm phải tập luyện chăm chỉ để có thành tích, có tiền mua gạo và thịt.

Giàng Sán Thu tập cử tạ - Ảnh: H.Đ.
Giàng Sán Thu tập cử tạ - Ảnh: H.Đ.

 

Mơ có manh áo ấm trong ngày đông giá rét

Anh Nông Quang Đức - giám đốc Trung tâm Huấn luyện TDTT Lào Cai - cho biết trong số những VĐV có hoàn cảnh khó khăn của thể thao Lào Cai, Giàng Sán Thu (dân tộc Mông) là VĐV có nhiều triển vọng nhất. 15 tuổi nhưng cô đã giành 1 HCĐ, 1 HCB giải trẻ quốc gia môn cử tạ. Nhiều VĐV nhỏ tuổi như Thu khi được lên trung tâm nói tiếng Kinh còn chưa rõ, hằng đêm nhớ nhà vẫn khóc.

Người Mông quen ở trên núi cao, nhà Thu cũng ở tận vùng núi cao Cán Chi Sử, xã Cán Cấu, huyện Si Ma Cai quanh năm giá rét, nơi nổi tiếng với nhiều khách du lịch đi “phượt”. Người đồng bằng thích lên Cán Cấu du lịch, đi chợ người Mông, trong khi Thu lại sợ những mùa đông lạnh giá nơi đây.

Nghèo quá, Thu bảo em và các chị em trong nhà chỉ có một vài chiếc áo khoác cũ mỏng để chống chọi với giá lạnh. Vì vậy, lúc nào trong nhà cũng phải đốt lửa để sưởi ấm nếu không thì chết rét. Nhà có bốn chị em nhưng nhiều năm qua bố mẹ Thu phải bỏ các con ở nhà để sang Trung Quốc làm thuê kiếm tiền.

“Vài tháng bố mẹ mới về nhà thăm chúng tôi, bình thường chị em đùm bọc nhau. Mơ ước của tôi là có áo ấm để mặc, được ăn bữa cơm no với thịt và có bố mẹ ở bên cạnh” - Thu tâm sự. Những lời chia sẻ của cô bé 15 tuổi khiến người nghe không cầm được nước mắt.

Võng xếp Duy Lợi ủng hộ 75 triệu đồng cho 15 VĐV

Để động viên những VĐV trẻ có hoàn cảnh khó khăn đón Tết Bính Thân 2016 ấm áp hơn, thông qua sự giới thiệu của Tổng cục TDTT và các sở VH-TT&DL của một số địa phương, báo Tuổi Trẻ đã chọn 15 gương mặt VĐV để trao mỗi VĐV 5 triệu đồng với sự tài trợ của Công ty võng xếp Duy Lợi. Ngoài ba gương mặt Bàn Thị May, Tẩn Lở Mẩy và Giàng Sán Thu, chúng tôi sẽ giới thiệu chân dung một số gương mặt tiêu biểu khác ở những số báo sau.

Ông Lâm Tấn Lợi - giám đốc Công ty võng xếp Duy Lợi - cho biết: “Tôi hi vọng số tiền nhỏ này sẽ hỗ trợ phần nào, giúp các em VĐV trẻ có thêm động lực trong tập luyện để hướng tới thành tích tốt nhất trong tương lai. Chúc các em đón Tết Bính Thân 2016 ấm áp bên cạnh gia đình và người thân”.

KHƯƠNG XUÂN - HUY ĐĂNG (khuongxuan@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên