17/08/2014 02:56 GMT+7

“Tôi như mơ khi ký hợp đồng với Saigon Heat”

TẤN PHÚC
TẤN PHÚC

TT - Sinh ra và lớn lên trên đất Mỹ, cái nôi của bóng rổ thế giới nhưng David Harrison Arnold lại chọn đội Saigon Heat trên đất mẹ VN làm nơi khởi đầu ước mơ trong sự nghiệp.

Trên sân đấu, ngoài những pha dẫn bóng tốc độ, xử lý quyết đoán đến lạnh lùng, Arnold còn khiến người hâm mộ VN thích thú bởi cái tên “Việt Arnold” trên lưng áo. “Việt là cái tên do đồng đội VN đặt cho tôi khi tôi vừa đến TP.HCM, có lẽ ý muốn nhắc nhở tôi cũng mang dòng máu VN. Bây giờ, hầu hết thành viên đội Saigon Heat, kể cả các cầu thủ nước ngoài, đều gọi tôi là Việt. Tôi rất thích cái tên này vì nó gắn tôi với quê mẹ VN...” - Arnold chia sẻ.

* Anh kỳ vọng điều gì khi đặt bút ký hợp đồng với Saigon Heat?

- Từ nhỏ tôi có hai ước mơ: một là trở thành cầu thủ bóng rổ chuyên nghiệp và hai là được đại diện VN (nơi tôi chỉ biết qua lời kể của mẹ) tại một kỳ Olympic. Tôi chơi bóng rổ bằng tất cả đam mê và hoàn thiện kỹ năng bằng học bổng đào tạo bóng rổ bốn năm. Tôi từng chơi tại Giải NCAA (Mỹ) khi còn đi học. Sau khi tốt nghiệp đại học ngành quan hệ cộng đồng, tôi dự định tìm việc làm hoặc đi dạy bóng rổ.

May mắn biết được nỗi khao khát trở thành cầu thủ chuyên nghiệp của tôi nên bố tôi mày mò lên mạng tìm đội bóng. Và ông đã tìm thấy Saigon Heat. Khi đặt bút ký hợp đồng chuyên nghiệp đầu tiên trong sự nghiệp với Saigon Heat, tôi ngỡ như mơ. Từ nước Mỹ, tôi lại quay về khởi nghiệp trên quê mẹ VN. Nhưng xen vào đó là một chút sợ sệt bởi tôi vẫn chưa hình dung được cuộc sống một VĐV bóng rổ chuyên nghiệp sẽ như thế nào.

* Hơi tế nhị một chút nhưng đi làm tại Mỹ và chơi bóng rổ tại VN, công việc nào giúp anh kiếm nhiều tiền hơn?

- Dĩ nhiên, cuộc sống tại Mỹ sẽ ổn hơn. Tốt nghiệp đại học và để kiếm tiền, tôi có thể chọn công việc HLV bóng rổ rất phổ biến tại Mỹ. Nhưng tôi đã chọn Saigon Heat với rất nhiều thử thách bởi trở thành VĐV chuyên nghiệp là ước mơ lớn nhất đời tôi.

* Anh gặp khó khăn gì trong những ngày đầu đến VN?

- Từ nhỏ, đất nước VN đã hiện ra rất đẹp trong trí tôi qua lời kể của mẹ. Và thực tế tôi đã thích nghi rất nhanh so với đồng nghiệp nước ngoài của Saigon. Với tôi, thức ăn Việt ngon, rẻ (thường đi ăn phở, bò kho, bánh mì cùng gia đình)... Tôi cũng chạy được xe máy dù giao thông hơi đông đúc.

Khó khăn chủ yếu đến từ sự khác biệt chơi bóng rổ tại Mỹ và VN. Điều này khiến tôi phải vất vả thích nghi. Tại Mỹ, tôi luyện thể lực rất kinh khủng. Mỗi ngày, tôi đi ngủ lúc 22g để 24g dậy chạy 20 vòng sân với tốc độ cao, sau đó vào ngủ tiếp đến 6g sáng rồi lại dậy để rèn thể lực, tập tạ... và hơn ba giờ luyện kỹ thuật vào buổi chiều. Đến VN, bài toán thể lực đối với tôi quá đơn giản. Thay vào đó, tôi mất ngủ để vắt óc nghiền ngẫm và thích nghi chiến thuật thi đấu. Giải bóng rổ nhà nghề Đông Nam Á (ABL) cũng không hề dễ dàng dù là đối với những cầu thủ đến từ Mỹ.

Tôi cũng trải qua những khoảnh khắc rất buồn khi đội thua trận. Nhưng niềm vui lớn từ khi đến VN, tôi được nhiều người biết đến, họ xin chữ ký, chụp ảnh lưu niệm cùng tôi ở mọi nơi như sân bay, nhà thi đấu, các quán ăn. VN cũng là nơi tôi có được trải nghiệm lần đầu tiên trở thành cầu thủ chuyên nghiệp. Chưa bao giờ tôi được thi đấu trong nhà thi đấu ồn ào như thế. Khi được gọi tên, chạy ra chào sân giữa hai hàng hotgirl, tôi cảm giác có luồng điện xẹt qua mình. Một sự phấn khích kỳ lạ!

* Bạn bè ở Mỹ có hỏi anh chuyện chơi bóng tại VN không?

- Nhiều HLV, đồng đội của tôi từ trung học đến đại học thường xuyên liên lạc hỏi thăm chuyện chơi bóng rổ tại VN. Tôi trả lời họ rằng bóng rổ tại VN còn khá mới mẻ nhưng nhiều tiềm năng phát triển, CĐV cuồng nhiệt, giải ABL rất quyết liệt... Nhiều đồng đội cũ của tôi cũng ngỏ ý muốn sang VN thi đấu.

* Mục tiêu của anh ở tương lai thế nào?

- Tôi đặt mục tiêu được tham gia giải NBA. Đó là giấc mơ và mục tiêu của tất cả VĐV bóng rổ khắp thế giới. Nhưng dù tôi đạt đến đẳng cấp nào, tôi vẫn kiên định với ước mơ được thi đấu cho tuyển VN và giúp phát triển bóng rổ VN. Tôi có mẹ là người VN. Điều kiện cần của tôi bây giờ là thời gian để có thể có được quốc tịch VN. Khi tôi đã có quốc tịch VN, hai người anh em của tôi cũng sẽ sang VN thi đấu cho Saigon Heat.

* Anh sẽ làm gì để giúp phát triển bóng rổ VN?

- Bóng rổ VN có nhiều tiềm năng phát triển với những tài năng như các đồng đội người Việt của tôi ở Saigon Heat. Họ không cao lớn nhưng rất nhanh, chịu khó học hỏi và tiến bộ rất nhanh. Họ sẽ đóng vai trò đại sứ giúp người dân VN biết và yêu bóng rổ.

Tôi mới đến Saigon Heat nửa năm nên chưa làm được nhiều việc. Vừa qua, tôi đã tham gia huấn luyện trong sự kiện Jr.NBA 2014 và đến thăm hai trường tiểu học tại VN. Về lâu dài, tôi muốn thi đấu thật tốt để tạo hình ảnh, dạy bóng rổ cho trẻ em VN, tham gia nhiều hơn các hoạt động từ thiện để gắn kết bóng rổ với nhiều đối tượng người dân VN... từ đó góp phần phát triển phong trào bóng rổ ở VN.

* Nếu gửi một thông điệp đến CĐV Saigon Heat, anh sẽ nói gì?

- Tôi thấy sự khác biệt giữa CĐV bóng rổ tại Mỹ và VN rất lớn. Tại VN, CĐV có thể chưa hiểu hết luật bóng rổ nhưng luôn tạo được không khí cổ vũ cuồng nhiệt, tiếp lửa cho các cầu thủ dưới sân một cách vô tư. Qua những trận làm khách tại ABL, tôi thấy rằng mức độ cuồng nhiệt của CĐV VN bỏ xa các nước Đông Nam Á. Thế nên, CĐV VN hãy tiếp tục sát cánh cùng Saigon Heat, cả những lúc khó khăn nhất.

[box]Tên: David Arnold Harrison (mẹ người Việt, cha người Mỹ).Sinh năm: 1990 tại Santa Monica, California, cao: 1,88m, nặng: 82kg.Thần tượng: LeBron James.Câu nói yêu thích: “Hãy nhanh nhưng đừng vội vàng”.[/box]

TẤN PHÚC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên