14/11/2019 12:45 GMT+7

Tôi biết giá trị đồng tiền từ năm 7 tuổi

TRẦN ĐÌNH THANH
TRẦN ĐÌNH THANH

TTO - Tôi biết giá trị đồng tiền khi mới 7 tuổi vì phải buổi đi học, buổi bán hàng rong giúp gia đình mưu sinh. Tôi cũng biết vị đắng nghèo khó và quyết vượt lên chính mình nhờ khoảnh khắc mà tôi không bao giờ quên...


Tôi biết giá trị đồng tiền từ năm 7 tuổi - Ảnh 1.

1. Năm 1979, tôi học lớp 10. Nhà nghèo, mẹ mất sớm, ba không có tiền mua xe đạp cho tôi đi học trường xa. Hằng ngày, tôi đi bộ 10 cây số từ nhà (tại xã Hòa Tiến) đến trường huyện (cấp 3 ở Hòa Vang, Đà Nẵng). Tôi phải dậy sớm cuốc bộ cho kịp giờ học. Nhưng đường về tôi thấm mệt, nên thỉnh thoảng nhờ xe của bạn.

Hôm đó trời mưa tầm tã, tôi nhờ thằng bạn chở hộ do không thể nhấc bước vì đói và lạnh. Đường lầy lội, lúc xuống con dốc về làng, xe vấp phải hòn đá to, đổ kềnh ra, lộn mấy vòng. Mặt mày, tay chân hai thằng đều trầy xước nặng, rỉ máu.

Vừa hoàn hồn, tôi lồm cồm bò dậy thì thấy thằng bạn khóc rưng rức, nước mắt giàn giụa trên mặt bầm tím.

Tôi hỏi: "Đau lắm phải không?". Nó lắc đầu, chỉ bánh xe sau đã cong thành số 8 rồi bảo: "Ba tao dữ lắm, tao biết nói thế nào để khỏi bị ăn đòn?".

Lúc đó, thằng thiếu niên 15 tuổi trong tôi đâu cứng rắn được nữa nên cũng òa khóc theo. Rồi tôi bảo bạn: "Mày cứ đổ tội cho tao vì nhờ mày chở về, may ra ba mày nhẹ tay hơn".

Hôm sau đi học, tôi hỏi nó: "Sao rồi?". Nó không nói nhưng mặt buồn thiu. Tôi hiểu nỗi khổ của thằng bạn.

Khoảnh khắc ấy, chợt lóe trong tôi sự thôi thúc kỳ lạ: mình phải kiếm tiền đã, rồi học tiếp cũng chả muộn. Bởi cảnh nhà tôi lúc đó quá khó khăn. Một mình ba tôi phải dãi nắng dầm mưa mới kiếm đủ cái ăn qua ngày trong cảnh gà trống nuôi 5 đứa con.

2. Tôi khó lòng theo học trong tình trạng suy dinh dưỡng và không có nổi chiếc xe đạp, dù tôi rất ham học và học giỏi.

Những giọt nước mắt của bạn khiến tôi không tài nào ngủ được và nghĩ vẩn vơ: Chẳng lẽ cứ phải nhờ xe hết bạn này đến bạn khác? Có tiếp tục xảy ra sự cố phiền phức nữa không? Liệu mình có vượt qua sự mặc cảm vì cảnh nghèo khó mà yên tâm học hành? Ba mình chắc cũng khổ tâm khi hằng ngày thấy con trai lủi thủi cuốc bộ đi học trường xa?

Và tôi đã quyết định gác bút khi kết thúc học kỳ một lớp 10, vào đời kiếm tiền. Tôi đi học trung cấp nghề. Ra trường, tôi xin việc làm, tự nuôi sống bản thân và vừa làm vừa học để hướng đến mục tiêu đại học.

Dòng đời đưa đẩy tôi đi nhiều nơi, làm nhiều việc, mà có thể nói việc nối lại học hành lắm gian truân.

20 tuổi, tôi được phân công ra công tác tại đảo Phú Quý (Bình Thuận) - là nơi thiếu thốn, không có trường cấp 3 để tôi nối lại việc học. Sợ quên kiến thức, hầu như tuần nào tôi cũng dành vài giờ ôn lại toán cấp 2. Lúc rảnh, tôi thường đọc sách, viết nhật ký để luyện văn.

Mãi 4 năm sau, tôi được chuyển về đất liền, nhận công tác tại huyện Ninh Phước, Ninh Thuận. Ổn định công việc, tôi rút hết tiền tiết kiệm mua chiếc xe đạp.

Lại là 10 cây số từ cơ quan đến Trường cấp 3 Nguyễn Trãi, thị xã Phan Rang, một tuần ba đêm đều đặn tôi đạp xe đi học bổ túc văn hóa cấp 3. Việc học với tôi nhẹ nhàng, thích thú vì tôi đã ôn tập chắc kiến thức cấp 2.

Kết quả 3 năm đèn sách miệt mài, tôi đậu thủ khoa tốt nghiệp cấp 3 toàn tỉnh hệ bổ túc văn hóa năm 1988. Từ đó, tôi cũng có nghề tay trái làm gia sư để có thêm thu nhập và ôn kiến thức phổ thông.

Bước ngoặt học vấn của tôi vào năm 1996. Năm đó tôi 33 tuổi, đã có vợ và hai con, được cơ quan cử đi thi và tôi đã đỗ cao đẳng hệ chính quy Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông.

Tôi khăn gói vào TP.HCM, hằng ngày lên giảng đường với các bạn tuổi đôi mươi. Thường mỗi môn học tôi phải bỏ công sức gấp đôi bạn trẻ. Sự cần mẫn ấy được đền đáp bằng kết quả tốt nghiệp loại giỏi khi tôi ra trường.

Có tấm bằng cao đẳng chính quy, đời tôi sang trang mới. Từ công nhân, tôi được tin tưởng giao đảm trách nhiều vị trí quản lý, rồi phó giám đốc, giám đốc một đơn vị cấp thành phố trực thuộc tỉnh. Tôi được tổ chức đưa vào diện quy hoạch cán bộ nguồn, nên được ưu tiên cử đi đào tạo đại học hệ chuyên tu.

3. Hai năm rưỡi cũng qua, tôi biến ước mơ ngày nào thành hiện thực. Hôm đội mũ, mặc áo thụng, nhận bằng "kỹ sư kinh tế bưu chính viễn thông" từ tay thầy hiệu trưởng trao, tôi đã bật khóc. Nhưng đó là giọt nước mắt khác nước mắt tôi và thằng bạn bị ngã xe năm nào.

Tôi khóc vì tự hào 25 năm kiên trì con đường học vấn phải chắp nối từng đoạn do hoàn cảnh. Ý chí đã giúp tôi gặt hái được kết quả mà nhiều lúc tôi cứ ngỡ sẽ rất khó với tới.

Hằng năm, ngày sinh nhật, điều khiến tôi vui nhất là nhận được tin nhắn chúc mừng của con với nhiều nội dung nhưng bao giờ cũng có câu "Ba là tấm gương sáng, là niềm tự hào của con! Con yêu ba!".

Đầu năm nay, tôi về quê, gặp lại bạn cùng ngã xe với tôi năm xưa. Sau 40 năm, tôi hỏi chuyện cũ: "Hôm đó về nhà, mày giải thích thế nào về xe hỏng?".

Mắt bạn chợt chùng xuống, nghẹn giọng: "Mày biết đó, ba tao rất dữ, nhưng tao chỉ nói do con sơ ý va phải hòn đá trên đường. Mặc dù bị trận đòn nhừ xương về tội bất cẩn nhưng tao buồn không phải bị ba đánh, mà tao biết mày chẳng bao giờ dám nhờ tao chở về nữa!".

Tôi ôm bạn thật chặt và nói: "Bây giờ tao ổn rồi, nhưng lúc thấy những giọt nước mắt của mày khi nhìn bánh xe cong queo là khoảnh khắc đáng nhớ nhất đời. Tao cảm được cái tình của mày và cũng là giây phút vàng để tao hiểu ra vị đắng của nghèo khó, khốn cùng. Vì vậy, tao quyết bươn chải vào đời để lập thân, lập nghiệp sớm".

photo-1

Mời bạn đọc tham gia cuộc thi viết KHOẢNH KHẮC THAY ĐỔI ĐỜI TÔI lần 2 năm 2019

* Thể lệ: Bài viết bằng chữ tiếng Việt, có thể viết trên giấy hoặc gửi qua email.

* Độ dài: 1.000 - 1.700 chữ.

* Tiêu chí: Câu chuyện CÓ THẬT của chính người dự thi. Khoảnh khắc có tính bước ngoặt trong đời, có cú hích với bản thân, có bài học sâu sắc, đậm tính nhân văn, rung động người đọc.

Bài chưa đăng báo và mạng xã hội.

Những bài viết hay sẽ được chọn đăng trên các ấn phẩm: Tuổi Trẻ nhật báo, Tuổi Trẻ Online - tuoitre.vn, Tuổi Trẻ Video Online, fanpage Tuổi Trẻ.

Bài được chọn đăng, Tuổi Trẻ có quyền tiến hành xác minh, biên tập và giữ bản quyền.

Bài đã gửi, ban tổ chức sẽ không trả lại.

* Đối tượng dự thi: Công dân Việt Nam (trong và ngoài nước). Các phóng viên, cán bộ, nhân viên báo Tuổi Trẻ không dự thi.

Mỗi tác giả gửi tối đa hai (02) bài.

* Giải thưởng: 1 giải nhất: 30 triệu đồng; 1 giải nhì: 20 triệu đồng; 1 giải ba: 10 triệu đồng; 10 giải khuyến khích: 5 triệu đồng.

* Thời gian bắt đầu và kết thúc: Bắt đầu nhận bài thi: từ ngày 21-6-2019. Kết thúc nhận bài: ngày 21-12-2019 và tổ chức trao thưởng vào tháng 1-2020.

Cuối mỗi bài viết vui lòng ghi rõ thông tin về tác giả: địa chỉ, số điện thoại và email liên hệ.

Bài dự thi gửi về địa chỉ: báo Tuổi Trẻ, 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM, Việt Nam hoặc email: khoanhkhaccuocdoi@tuoitre.com.vn.

Ngoài bì thư hoặc tiêu đề bài dự thi gửi qua email vui lòng ghi: Bài dự thi "Khoảnh khắc thay đổi đời tôi".

photo-1

Chúng ta có thể tự làm cho tương lai mình tươi sáng hơn Chúng ta có thể tự làm cho tương lai mình tươi sáng hơn

TTO - Cuộc sống mỗi chúng ta là một câu chuyện dài giống như những bản nhạc lúc thăng lúc trầm, lúc vui lúc buồn. Tôi luôn nghĩ trời không cho ai tất cả và cũng không lấy đi của ai tất cả.

TRẦN ĐÌNH THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên