08/01/2020 13:33 GMT+7

Toàn cảnh 10 ngày căng thẳng Mỹ - Iran: Từ 'võ mồm' sang đối đầu trực diện

BÌNH AN
BÌNH AN

TTO - Từ những màn diễu võ dương oai ban đầu, Mỹ - Iran đã đi đến đối đầu trực diện sau khi Mỹ không kích giết thiếu tướng Qassem Soleimani, nhân vật được xem là quyền lực số 2 ở Iran.

Toàn cảnh 10 ngày căng thẳng Mỹ - Iran: Từ võ mồm sang đối đầu trực diện - Ảnh 1.

Vụ ám sát tướng Soleimani khiến quan hệ Mỹ - Iran vốn đã căng thẳng lại xấu thêm - Ảnh chụp màn hình Forbes

Năm 2020 mở đầu tại Trung Đông bằng những tên lửa, những người biểu tình, những lời đe dọa và cả máu đổ. Các diễn biến căng thẳng đa phần xảy ra bên trong lãnh thổ Iraq, nhưng đáng nói là liên quan tới Mỹ và Iran - hai quốc gia liên tục đối đầu kể từ khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran (đạt được năm 2015) hồi năm 2018.

Cùng Tuổi Trẻ Online nhìn lại những căng thẳng giữa Mỹ và Iran trong khoảng 10 ngày qua:

1. Căng thẳng Mỹ - Iran lúc đầu chỉ dừng lại ở những cáo buộc, khi người biểu tình ở Iraq xông vào khu vực tòa nhà Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad đập phá vào ngày 31-12-2019 và sau đó rời đi vào ngày 1-1-2020 khi quân đội Mỹ xịt hơi cay để giải tán họ.

"Mồi lửa" dẫn tới vụ tấn công đại sứ quán Mỹ bắt nguồn từ việc người biểu tình phản đối các đợt không kích của Mỹ làm chết 25 tay súng vào ngày 29-12-2019.

Toàn cảnh 10 ngày căng thẳng Mỹ - Iran: Từ võ mồm sang đối đầu trực diện - Ảnh 2.

Người biểu tình đốt phá phía trước Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad ngày 31-12-2019 - Ảnh chụp màn hình AP

Tuy nhiên, vụ không kích của Mỹ cũng là một hành động để trả đũa một vụ tấn công bằng rocket vào căn cứ quân sự ở Iraq, khiến một nhà thầu quân sự Mỹ thiệt mạng và nhiều quân nhân Iraq bị thương hôm 27-12-2019.

Mỹ cáo buộc các tay súng do Iran bảo trợ tiến hành vụ tấn công trên, đồng thời đổ lỗi cho Iran đã đứng sau “dàn xếp” vụ tấn công của người biểu tình tại Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad.

2/ Cuộc đối đầu giữa Mỹ và Iran bất ngờ leo lên một nấc thang mới, "từ tối ra sáng"Mỹ dùng máy bay không người lái phóng hai quả tên lửa vào đoàn xe chở tướng Soleimani đang rời sân bay quốc tế Baghdad ở Iraq vào rạng sáng 3-1. Vụ việc khiến tướng Soleimani, chỉ huy dân quân Iraq Abu Mahdi al-Muhandis và một số người khác thiệt mạng. Mỹ sau đó xác nhận đã thực hiện vụ không kích này.

Video Mỹ phóng tên lửa vào đoàn xe chở tướng Soleimani - Nguồn: Guardian/Ahad TV

Về phía Iran: Cùng ngày, lãnh tụ tối cao Iran, đại giáo chủ Ali Khamenei tuyên bố dành 3 ngày quốc tang để bày tỏ thương tiếc trước sự ra đi của tướng Soleimani, nhân vật được xem là quyền lực số 2 ở Iran chỉ sau ông Khamenei.

Đại giáo chủ Ali Khamenei cũng cảnh báo sẽ đáp trả dữ dội đối với "những tên tội phạm đã nhuốm máu đôi bàn tay xấu xa của họ".

Về phía Mỹ: Ngoại trưởng Mike Pompeo lên tiếng giải thích cuộc không kích giết thiếu tướng Soleimani là để cản trở "một cuộc tấn công sắp diễn ra" được vị tướng Iran này lên kế hoạch, đe dọa tới tính mạng của hàng chục và có thể lên tới hàng trăm người Mỹ ở Trung Đông.

Trong những bình luận đầu tiên về vụ không kích, Tổng thống Trump tuyên bố việc không kích giết tư lệnh lực lượng đặc nhiệm Quds của Iran là phòng ngừa chiến tranh nổ ra. Ông nói lẽ ra tướng Soleimani đã bị "xử" từ cách đây nhiều năm.

Cũng trong ngày 3-1, giá dầu thế giới đã tăng lên mức gần 70 USD/thùng. Đây là mức giá cao nhất kể từ tháng 9-2019, khi Iran bị cáo buộc tấn công các cơ sở lọc dầu của Saudi Arabia.

- Ngày 4-1: Mỹ tiếp tục triển khai đợt không kích mới nhắm vào vị trí của một thủ lĩnh lực lượng bán vũ trang Hashed al-Shaabi do Iran hậu thuẫn. Hãng tin Reuters dẫn nguồn tin từ quân đội Iraq cho biết đã có ít nhất 6 người chết, 3 người bị thương nặng trong vụ không kích.

Cùng ngày, Nhà Trắng chuyển thông báo chính thức về vụ không kích tiêu diệt tướng Soleimani tại Iraq cho Quốc hội Mỹ.

Cũng trong ngày 4-1 (giờ Mỹ), Tổng thống Trump tuyên bố Mỹ đã nhắm đến 52 địa điểm của Iran, phòng trường hợp Tehran tấn công công dân hay bất cứ tài sản nào của nước Mỹ hòng trả đũa cho vụ giết tướng Soleimani.

- Ngày 5-1: Lá cờ đỏ tượng trưng cho máu đổ và sự trả thù được cho là lần đầu treo lên ngôi đền linh thiêng Jamkaran ở thành phố Qom của Iran. Vụ việc đã khiến nhiều người hoài nghi Iran sắp có hành động đáp trả mạnh tay với Mỹ.

Lá cờ đỏ được kéo lên tại đền Jamkaran - Nguồn: RT

Trong khi đó, Quốc hội Iraq thông qua nghị quyết yêu cầu chính phủ nước này phải chấm dứt sự hiện diện của binh sĩ nước ngoài tại Iraq và đảm bảo rằng quân đội nước ngoài không sử dụng lãnh thổ, không phận và lãnh hải Iraq vì bất cứ lý do gì. Sau đó, ông Trump dọa trừng phạt Iraq "nhiều hơn cả Iran" nếu Iraq buộc Mỹ rút quân.

- Ngày 6-1: Iran tuyên bố hiện nước này không còn tuân thủ giới hạn làm giàu uranium, đảo ngược thêm những cam kết đã ký trong thỏa thuận hạt nhân năm 2015.

Trong ngày 6-1, hàng triệu người đã đổ ra đường phố thủ đô Tehran để bày tỏ sự thương tiếc và kính trọng của họ với tướng quá cố Qassem Soleimani. Đại giáo chủ Khamenei đã khóc nức nở bên linh cữu tướng Soleimani.

Đại giáo chủ Khamenei khóc bên linh cữu tướng Soleimani - Nguồn: RT

Cùng ngày, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết đã liên lạc với cả Iran và Mỹ, đồng thời tự nguyện đứng ra làm trung gian giúp hai nước giảm căng thẳng.

- Ngày 7-1: Đài CNN dẫn thông tin từ một quan chức Mỹ không nêu tên cho hay Không quân Mỹ sẽ điều 6 máy bay ném bom B-52 tới một căn cứ quân sự mật trên đảo Diego Garcia ở Ấn Độ Dương. Các máy bay này sẽ sẵn sàng tham gia các chiến dịch đối phó Iran nếu nhận được lệnh.

Trong ngày 7-1, Iran bắt đầu có các bước đi trả đũa Mỹ, với việc Quốc hội Iran thông qua dự luật xem tất cả lực lượng quân sự Mỹ và nhân viên của Lầu Năm Góc cùng các tổ chức, mật vụ, tư lệnh liên quan và những ai đã ra lệnh giết tướng Soleimani đều là khủng bố.

Cùng ngày, chuẩn đô đốc Ali Shamkhani, thư ký Hội đồng An ninh quốc gia tối cao Iran, tiết lộ nước này đang xem xét 13 kịch bản trả đũa Mỹ, trong đó "kịch bản yếu nhất" vẫn mang tới "cơn ác mộng lịch sử" cho Mỹ.

Người dân Iran dự tang lễ tướng Soleimani - Nguồn: Bloomberg

Lễ chôn cất thi thể tướng Soleimani dự kiến diễn ra ngày 7-1 đã bị hoãn lại sau khi xảy ra sự cố giẫm đạp tại tỉnh Kerman, quê nhà của tướng Soleimani. Vụ giẫm đạp đã khiến hơn 50 người chết và hơn 200 người bị thương.

Ngày 8-1: Iran nã hơn chục tên lửa vào hai căn cứ quân sự trên đất Iraq có lính Mỹ đồn trú tại al-Asad và Irbil. Trong những bình luận đầu tiên về hành động đáp trả của Iran, Tổng thống Trump viết trên Twitter: "Tất cả đều ổn!".

Truyền hình Iran công bố video cho thấy vụ Iran bắn tên lửa tấn công căn cứ không quân ở Iraq - Video: Straits Times

Hãng tin Reuters nhận định cuộc không kích được Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ đạo là một bước leo thang lớn trong "cuộc chiến tranh trong bóng tối" ở Trung Đông giữa Iran với Mỹ và các đồng minh của Washington, chủ yếu là Israel và Saudi Arabia.

Trong một thời gian dài đánh trong bóng tối, Mỹ và Iran đã tránh các cuộc đối đầu trực tiếp bằng mọi giá. Cuộc chiến căng thẳng và không thể đoán trước của họ được thực hiện với nhiều hoạt động bí mật thông qua các lực lượng ủy nhiệm, các thủ đoạn và sự phá hoại ngầm đối với nhau.

"Do đó, mệnh lệnh ám sát tướng Soleimani của Tổng thống Trump đã đẩy hai kẻ thù tiến vào ‘một vùng đất chưa được thám hiểm’" - tạp chí Time bình luận.

Iran nã hàng chục tên lửa vào căn cứ có lính Mỹ ở Iraq Iran nã hàng chục tên lửa vào căn cứ có lính Mỹ ở Iraq

TTO - Đài truyền hình quốc gia Iran thông báo quân đội nước này đã vừa nã "hàng chục tên lửa đất đối đất" vào căn cứ không quân của Iraq có lính Mỹ đồn trú. Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa viết trên Twitter: Tất cả đều ổn!

BÌNH AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên