04/12/2019 14:38 GMT+7

Tình huống cố định - 'vũ khí lợi hại' của U22 Việt Nam

HOÀI DƯ
HOÀI DƯ

TTO - Dưới thời của HLV Park Hang Seo, các tình huống cố định, nhất là các quả phạt góc đã trở thành vũ khí lợi hại của bóng đá VN. Tại SEA Games 30, U22 VN đã có 5 bàn thắng bằng đầu từ các tình huống cố định.

Tình huống cố định - vũ khí lợi hại của U22 Việt Nam - Ảnh 1.

Văn Hậu đánh đầu chuyền bóng cho Đức Chinh ghi bàn trong trận U22 Việt Nam thắng Singapore 1-0 hôm 3-12 - Ảnh: NGUYÊN KHÔI

Video những bàn thắng cố định của các đội tuyển bóng đá Việt Nam - Nguồn: VTC, VTV

Trong quá khứ, các đội tuyển Việt Nam thường tận dụng không tốt lắm các tình huống cố định, đặc biệt là những pha đá phạt góc.

Khi đó, đứng trước một tình huống cố định, các cầu thủ VN thường treo bóng vào vòng cấm như một thói quen. Bên trong, bằng sự nhạy cảm cũng như phán đoán, các đồng đội sẽ tự tìm kiếm cơ hội ăn bàn.

Đó là sự lãng phí bởi từ lâu bóng trên thế giới đã tìm cách tận dụng triệt để các tình huống cố định, biến nó thành thứ vũ khí săn bàn lợi hại. Trong một trận đấu cân tài cân sức, những tình huống cố định thường tạo ra khác biệt.

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển về thể chất của cầu thủ Việt Nam (chiều cao tốt hơn) và tư duy chiến thuật hiện đại của HLV Park Hang Seo, các đội tuyển của Việt Nam gần đây đã tận dụng khá tốt các tình huống cố định.

Ý thức về việc tận dụng những tình huống cố định ở các đội tuyển Việt Nam từ Giải tứ hùng Vinaphone Cup 2018, ông Park khiến các CĐV Việt Nam thích thú khi "copy" lại bài đá phạt góc dàn quân theo kiểu "xe buýt tình yêu" của tuyển Anh hồi World Cup 2018.

Dù kiểu đá phạt này không mang lại kết quả đáng kể cho đội Olympic Việt Nam nhưng đã giúp đội bóng của ông Park hình thành nền tảng chiến thuật ở những tình huống cố định. Càng về sau, ông Park càng "thổi" vào các đội tuyển Việt Nam thêm nhiều bài phối hợp đá phạt lợi hại.

Tình huống cố định - vũ khí lợi hại của U22 Việt Nam - Ảnh 3.

Bóng bổng đang trở thành thứ vũ khí lợi hại của U22 Việt Nam - Ảnh: NGUYÊN KHÔI

Trong những tình huống cố định ( đặc biệt là phạt góc), cầu thủ đá phạt thường đưa bóng vào cột xa, nơi Văn Hậu (cầu thủ cao nhất đội) đánh đầu chuyền bóng ngược lại cột gần. Bài phối hợp này sẽ khiến đối phương dễ hỗn loạn, mắc sai sót về vị trí để các đồng đội ở trong dứt điểm ghi bàn.

Bàn thắng của Đức Chinh vào lưới U22 Singapore hôm 3-12 tại SEA Games 2019 và bàn thắng của Duy Mạnh vào lưới tuyển Indonesia ở vòng loại World Cup 2022 là ví dụ điển hình.

Thỉnh thoảng, các cầu thủ đá phạt góc lại gây bất ngờ khi treo quả bóng vào cột gần để đồng đội băng cắt, đánh đầu ghi bàn. Pha lập công của Thành Chung vào lưới Indonesia là kết quả của pha phối hợp lợi hại đó.

Tuy nhiên, cũng có nhiều thời điểm các cầu thủ đá phạt góc không treo bóng vào vòng cấm mà "thả" quả bóng để những tiền vệ đón lỏng ở rìa vòng cấm đối phương tung cú sút. Ở trận gặp U22 Indonesia, Hùng Dũng và Hoàng Đức có pha phối hợp như vậy. Tuy nhiên, cú dứt điểm của Hoàng Đức chỉ đủ sức gây khó cho thủ môn U22 Indonesia.

Một kiểu đá phạt góc khác cũng rất dễ bắt gặp ở đội tuyển dưới thời ông Park chính là cầu thủ đá phạt phối hợp với đồng đội rồi mới tạt bóng vào trong. Những quả tạt kiểu này có độ chính xác cao, khiến hệ thống phòng ngự đối phương xáo trộn và dễ dẫn đến bàn thắng.

Trong những trận cầu gần đây, U22 Việt Nam đã có rất nhiều bàn thắng từ các tình huống cố định, thậm chí mang tính quyết định. Đó cũng là cơ sở để các CĐV kỳ vọng U22 Việt Nam sẽ mang thứ vũ khí lợi hại này để khuất phục U22 Thái Lan.

Tình huống cố định - vũ khí lợi hại của U22 Việt Nam - Ảnh 4.
U22 Việt Nam - U22 Singapore: 1-0 : Chiến thắng vất vả U22 Việt Nam - U22 Singapore: 1-0 : Chiến thắng vất vả

TTO - Phải đến cuối trận, người hâm mộ mới thở phào nhẹ nhõm khi Đức Chinh đánh đầu tung lưới U22 Singapore vào tối 3-12, giúp đội nhà giữ vững ngôi nhất bảng với 4 trận thắng liên tiếp.

HOÀI DƯ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên