11/06/2020 07:50 GMT+7

Tình báo Mỹ tìm ra các nhóm kích động biểu tình bạo lực

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Cơ quan tình báo Mỹ đánh giá có bằng chứng cho thấy các nhóm cực đoan có tổ chức liên quan đến các vụ bạo lực trong biểu tình hoặc kích động bạo lực trên mạng nhân cái chết của George Floyd.

Tình báo Mỹ tìm ra các nhóm kích động biểu tình bạo lực - Ảnh 1.

Cơ quan tình báo Mỹ đánh giá có bằng chứng các nhóm cực đoan có tổ chức liên quan đến bạo lực trong biểu tình - Ảnh: AP

Công tố viên liên bang Nicolas Trutanich ở bang Nevada (Mỹ) đánh giá: "Các tác nhân bạo lực đã thao túng các cuộc biểu tình ôn hòa trên cả nước, bao gồm cả Nevada. Chúng lợi dụng cơn tức giận thực sự và hợp pháp từ cái chết của George Floyd nhằm phục vụ cho các mục tiêu cực đoan của chúng".

Phong trào Antifa

Antifa là từ viết tắt của "antifascist", nghĩa là "chống phát xít".

Theo Liên đoàn Chống phỉ báng ở Mỹ (ADL - chuyên giám sát các tổ chức cực đoan), phong trào Antifa thường xuyên chống lại các cá nhân hoặc các tổ chức mà họ đánh giá là độc đoán hoặc có xu hướng phân biệt chủng tộc.

ADL ghi nhận mục đích của phong trào Antifa nhằm "đe dọa và răn đe những kẻ phân biệt chủng tộc" bằng chiến thuật hung hăng, kể cả sử dụng bạo lực tay chân.

Theo báo cáo năm 2018 của Cơ quan Nghiên cứu quốc hội, FBI ngày càng lo ngại về bạo lực do phong trào Antifa gây ra tại các sự kiện công cộng.

Phong trào Antifa bắt đầu nổi tiếng sau một cuộc biểu tình vào năm 2017 tại Charlottesville (bang Virginia) do các nhóm ủng hộ người da trắng và các nhóm dân tộc chủ nghĩa da trắng tổ chức. Đụng độ xảy ra ác liệt giữa các nhóm này với những người phản biểu tình.

Sau đó, Tổng thống Donald Trump đã lên tiếng cảnh báo về phong trào Antifa: "Các bạn biết đấy, bọn họ xuất hiện có đội mũ và mang mặt nạ đen, bọn họ có cả câu lạc bộ và có tất cả mọi thứ".

Trong khi đó, GS sử học Mark Bray ở Đại học Rutgers (New Jersey) - tác giả cuốn sách Antifa: Cẩm nang chống phát xít - đánh giá "phong trào Antifa không đủ người để làm hết những điều họ bị cáo buộc".

Tình báo Mỹ tìm ra các nhóm kích động biểu tình bạo lực - Ảnh 2.

Các thành viên phong trào Boogaloo hôm 30-5 ở Louisville (Kentucky) - Ảnh: IPX

Phong trào Boogaloo

Phong trào Boogaloo là phong trào chống chính phủ theo hệ tư tưởng đấu tranh, thích mặc áo hoa văn sặc sỡ kiểu Hawaii và cầm theo súng trường tấn công.

Trung tâm Luật về nghèo đói miền nam (SPLC - chuyên theo dõi các nhóm kích động hằn thù) đánh giá phong trào Boogaloo tin rằng nước Mỹ sẽ bước vào cuộc nội chiến thứ hai vì chính phủ Mỹ đã làm trái Hiến pháp, cản trở sử dụng súng và sẽ tịch thu hết súng ống của dân.

ADL đánh giá nói chung các phong trào dân quân cực hữu và các nhóm cực hữu đấu tranh bảo vệ quyền mang súng xem phong trào Boogaloo như cuộc chiến chống chính phủ hoặc cuộc chiến của những người chủ trương tự do.

Ngược lại, một số nhóm ủng hộ chủ nghĩa da trắng ưu việt lại xem phong trào Boogaloo như cuộc chiến chủng tộc hoặc cuộc cách mạng trắng.

Trên thực tế bản thân hệ tư tưởng của phong trào Boogaloo không cổ súy chủ nghĩa da trắng ưu việt.

Các nhóm thuộc phong trào Boogaloo bắt đầu phát triển mạnh trên mạng hồi năm ngoái.

Các nhà nghiên cứu thuộc Dự án Công nghệ minh bạch tại Washington phát hiện hàng chục ngàn người tham gia các nhóm Facebook liên quan đến phong trào Boogaloo trong vòng 30 ngày trong tháng 3 và tháng 4-2020 vào thời điểm có lệnh ở nhà do dịch COVID-19.

Một số nhóm còn tổ chức thảo luận về chiến lược, vũ khí và chế tạo chất nổ.

Các thành viên Boogaloo là những kẻ kích động hỗn loạn. Họ mang súng đi biểu tình và họ sẽ nói đơn giản họ đến đó để bảo vệ những người biểu tình hoặc thậm chí bảo vệ các chủ doanh nghiệp nhỏ. Họ nỗ lực lợi dụng cánh tả và cánh hữu trong phong trào nổi dậy của họ để kích động nội chiến. Thật ra động cơ của họ bắt nguồn từ tư tưởng cực hữu. Họ chỉ cố thay đổi hình ảnh mà thôi"

GS Alexander Reid Ross ở Trung tâm Phân tích xu hướng cực đoan Mỹ

Tình báo Mỹ tìm ra các nhóm kích động biểu tình bạo lực - Ảnh 4.

Thành viên nhóm cực hữu Proud Boys tham gia biểu tình - Ảnh: AFP

Phong trào ủng hộ người da trắng

Phong trào ủng hộ người da trắng bao gồm các nhóm cố súy chủ nghĩa da trắng ưu việt và các nhóm theo chủ nghĩa dân tộc da trắng.

Các tổ chức giám sát và báo chí phát hiện một số nhỏ những người theo chủ nghĩa da trắng ưu việt và chủ nghĩa dân tộc da trắng có mặt trong các cuộc biểu tình gần đây nhân cái chết của George Floyd ở Minneapolis.

ADL ghi nhận các thành viên nhóm phát xít mới Câu lạc bộ Quốc xã dường như có mặt trong các cuộc biểu tình ở Boston và Knoxville.

Các thành viên nhóm cực hữu Proud Boys cũng được nhìn thấy trong các cuộc biểu tình ở Bắc Carolina và Oregon cuối tuần trước.

Những thành phần nào đang kích động biểu tình bạo lực ở Mỹ? Những thành phần nào đang kích động biểu tình bạo lực ở Mỹ?

TTO - Chuyên gia nhận định tình hình bạo lực ở Mỹ sau cái chết của người đàn ông da màu dưới tay cảnh sát có thể còn tồi tệ hơn khi các nhóm quá khích, cánh tả và cánh hữu nhân cơ hội lao vào đấu nhau.

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên