11/10/2017 17:00 GMT+7

​Người Mỹ trả giá cho cách làm bóng đá của họ

THÁI HÀ
THÁI HÀ

TTO - Mỹ không giành vé đến Nga năm tới có lẽ là bất ngờ lớn nhất trong cả vòng loại World Cup 2018 ở 5 châu lục. Kể từ năm 1990, World Cup 2018 là kỳ World Cup đầu tiên không có mặt người Mỹ.

Tuyển Mỹ làm khán giả tại World Cup 2018 sau khi để thua Trinidad & Tobago 1-2 sáng 11-10. Ảnh: THE GUARDIAN

Nhiệm vụ của đội tuyển Mỹ ở lượt trận cuối vào đêm qua rất đơn giản: chỉ cần đừng thua trên sân của Trinidad & Tobago (T & T) là họ giành vé chính thức đến Nga. Trinidad & Tobago trước đó chỉ thắng 1 trận và thua 8 trận, đã chắc chắn bị loại và họ chỉ đem các cầu thủ trẻ vào trận gặp Mỹ nhằm xây dựng đội bóng mới cho tương lai.

Trận thua tồi tệ

Mỹ đã chơi 45 phút đầu tiên ở trận gặp Trinidad & Tobago có lẽ tồi tệ nhất trong cả thập kỷ, bị thủng lưới 2 bàn trước. Dù có gỡ được 1 bàn ở đầu hiệp 2 nhưng suốt cả hiệp đấu đó, Mỹ chơi trong vô vọng. Trong khi Panama và Honduras có những chiến thắng vừa đủ trước Costa Rica và Mexico để vượt lên trên Mỹ. Panama giành vé chính thức cùng Costa Rica và Mexico, trong khi Honduras sẽ đấu 2 trận play-off với Úc.

Trinidad & Tobago với 1,3 triệu dân đã loại đội bóng của đất nước 323 triệu người. Người Mỹ sẽ ở nhà xem World Cup qua tivi và có lẽ họ nên cổ vũ cho Iceland với số dân 334 ngàn người, bằng 1 phần 1.000 của họ. Niềm kiêu hãnh của đất nước mà ông tướng George Patton, người hùng trong Thế chiến II, từng mô tả: “Người Mỹ yêu chiến thắng và không dung thứ kẻ chiến bại, người Mỹ thi đấu để thắng” sẽ còn bị tổn thương dài, ít nhất 4 năm nữa.

HLV Jurgen Klinsmann bị Liên đoàn Bóng đá Mỹ sa thải vội vàng. Ảnh: THE GUARDIAN

HLV Bruce Arena là người chịu trách nhiệm trực tiếp trong thất bại 1-2 trước Trinidad & Tobago và cả chiến dịch World Cup 2018? Đúng phần nào, ông nắm đội Mỹ 8/10 trận vòng loại giai đoạn cuối, thắng 3, hòa 3 và thua 3. Dù Arena có đưa đội Mỹ đến ngôi vô địch khu vực CONCACAF cách đây vài tháng, nhưng thất bại ở vòng loại trước Costa Rica trên sân nhà và trận thua Trinidad & Tobago qua không bù đắp nổi.

Jurgen Klinsmann gánh trách nhiệm này? Klinsmann đã bị sa thải cuối năm ngoái sau khi Mỹ thua 2 trận vòng loại đầu tiên trước Mexico và Costa Rica. Một quyết định quá vội vàng của LĐBĐ Mỹ. Klinsmann đã làm công việc của ông quá tốt, biến những cầu thủ không quá xuất chúng thành đội tuyển hay, đánh bại được Đức, Ý, Hà Lan, lần đầu tiên giúp Mỹ thắng trên đất Mexico, vượt qua bảng tử thần ở World Cup 2014 gồm Đức, Bồ Đào Nha, Ghana. Nếu không bị sa thải, Klinsmann có thể cứu vãn tình hình của đội Mỹ.

Dù thi đấu tỏa sáng trong màu áo tuyển Mỹ nhưng Pulisic không thể giúp đội nhà dự World Cup 2018. Ảnh: REUTERS

Bóng đá Mỹ thiếu tài năng

Mỹ ở vùng quá thuận lợi để thường xuyên được dự World Cup. Khu vực này có đến 3,5 vé dự World Cup, chỉ có Mexico là đối thủ lớn nhất, còn các đội như Costa Rica, Trinidad & Tobago, Jamaica… thì lúc hay lúc dở. Nếu ở các khu vực như châu Âu hay Nam Mỹ thì trình độ như Mỹ rất khó cạnh tranh. Kỳ này bị loại chứng tỏ bóng đá Mỹ đã xuống đến đáy.

Ngoại trừ hiện tượng 19 tuổi Christian Pulisic đang thi đấu cho Borussia Dortmund (Đức), bóng đá Mỹ rất thiếu tài năng, do hệ sinh thái bóng đá khác biệt của họ. Thứ nhất, Giải bóng đá nhà nghề Mỹ (MLS) không vận hành theo hệ thống lên xuống hạng như châu Âu nên các đội không đủ động lực phấn đấu, không xây dựng các tuyến trẻ của họ một cách phù hợp.

Muốn học bóng đá phải trả học phí

Thứ hai, hệ quả của điều thứ nhất, hệ thống đào tạo, chuyển nhượng cầu thủ của họ không khuyến khích các đội bóng phía dưới. Ở châu Âu, mỗi cuộc chuyển nhượng cầu thủ, các CLB nhỏ đều có phần.

Ví dụ, đội bóng thị trấn nhỏ Royal Stade Brainois ở Bỉ (chắc chắn bạn chưa từng nghe tên) là nơi cầu thủ Eden Hazard tập bóng từ năm 1995 đến 2003. Mỗi lần Hazard chuyển CLB, sang Tubize, Lille rồi Chelsea thì Brainois đều có tiền % từ các lần chuyển nhượng đó. Đào tạo được cầu thủ giỏi là CLB đủ sống cả 10 năm.

HLV Bruce Arena trong trận Mỹ thua Trinidad & Tobago. Ảnh: REUTERS

Nhưng ở Mỹ hoàn toàn không có chuyện đó. Các CLB nhỏ cỡ như Brainois ở Mỹ phải tự nuôi mình bằng chính tiền học phí của các cầu thủ. Hệ thống này gọi là “pay-for-play”, trả tiền để được đá bóng. Muốn đá cho một đội ở giải MLS hay các giải thấp hơn như United Soccer League thì phải vào học ở một CLB nhỏ, vì học ở đó mới có cơ hội được các đội lớn để mắt đến.

Muốn học thì phải đóng học phí để trả thù lao cho HLV, thiết bị luyện tập, di chuyển thi đấu… Phụ huynh phải đóng vài ngàn USD mỗi năm cho một em, cá biệt có những nơi như Washington DC, Virginia, phải đóng 12.000 USD một năm. Vậy là mô hình “pay-for-play” ít động lực này tạo ra HLV kém, cầu thủ lười, không thúc đẩy phát hiện tài năng và quá đắt đỏ, chỉ có nhà khá giả mới cho con theo đuổi bóng đá.

Bóng đá là môn thể thao dân chủ nhất hành tinh, chỉ cần quả bóng là đủ, các siêu sao toàn đến từ các khu ổ chuột, đường phố. Vậy mà ở Mỹ, phải có tiền mới theo đuổi bóng đá chuyên nghiệp được, kết quả là bao nhiêu trẻ em có tài ở những khu người Mỹ gốc Phi, khu người Latin, khu người nhập cư bị bỏ lại.

Theo khảo sát của Đại học Chicago gần đây về nguồn gốc xuất xứ của các VĐV thể thao thì bóng đá là môn có lượng VĐV lớn nhất xuất thân từ các cộng đồng có thu nhập cao. Trong 22 tuyển thủ nữ Mỹ được gọi vào ĐTQG gần đây, chỉ có 4 tuyển thủ là người da màu. Trong khi ở đội tuyển nam của Mỹ, những cầu thủ có triển vọng nhất xuất thân từ các đội trẻ ở châu Âu: Pulisic, Bobby Wood, John Brooks, Timothy Chandler, Fabian Johnson, Julian Green… chứ không từ các đội trẻ ở Mỹ.

Muốn cạnh tranh với các nền bóng đá lớn, người Mỹ phải thay đổi cả hệ sinh thái bóng đá của họ.

Nỗi buồn của CĐV Việt Nam ở Mỹ

Trao đổi với Tuổi Trẻ, anh Trần Nghĩa- người Mỹ gốc Việt sinh sống tại thành phố San Diego (bang California) cho biết anh và một số người bạn đã tranh thủ đi làm về sớm, ra quán cafe xem trận Trinidad & Tobago gặp Mỹ đêm 10-10 (giờ Mỹ) để rồi thất vọng tràn trề với màn trình diễn của đội tuyển nhà. 

Anh Nghĩa tâm sự: "Anh em chúng tôi ai cũng tin chắc là tuyển Mỹ sẽ giành vé đến Nga. Nhưng thật xấu hổ và đau buồn khi một quốc gia có hơn 300 triệu người và nguồn tài nguyên gần như không giới hạn lại không thể đánh bại Trinidad & Tobago". 

Theo anh Nghĩa, tuyển Mỹ thua vì thiếu đột biến và sáng tạo để tìm kiếm bàn thắng. Ngoài ra, HLV Arena đã thất bại trong việc truyền cảm hứng cho đội tuyển. Anh Nghĩa nói: "Tôi tiếc khi Liên đoàn Bóng đá Mỹ đã vội vàng sa thải HLV người Đức Jurgen Klinsmann. Nhưng ngày đau buồn này là một bài học để bóng đá Mỹ nhìn lại mình, và ươm được những tài năng trẻ hơn, thay thế lớp đàn anh già nua". 

THÁI HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên