22/10/2015 05:46 GMT+7

Quả bóng nằm trong chân Nhà nước

HUY THỌ (huytho@tuoitre.com.vn )
HUY THỌ (huytho@tuoitre.com.vn )

TT - Hàng chục bài viết chuyên gia, hàng trăm ý kiến bạn đọc đã gửi về, và Thể thao Tuổi Trẻ xin tạm khép lại diễn đàn Hiến kế cho bóng đá Việt...

Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh (trái) và phó chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn (phải) đều là người của Tổng cục TDTT - Ảnh: Nam Khánh
Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh (trái) và phó chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn (phải) đều là người của Tổng cục TDTT - Ảnh: Nam Khánh

Chúng tôi xin đúc kết một số vấn đề mang tính chiến lược của bóng đá Việt, trong đó nổi rõ lên là đòi hỏi thay đổi từ những cơ quan nhà nước phụ trách quản lý thể thao là Tổng cục TDTT, Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch.

"Ngày nào các cán bộ thể thao nhà nước dám chấp nhận cuộc chơi, đứng sang hẳn liên đoàn, hoặc để cho xã hội toàn quyền quyết định đến tổ chức liên đoàn, ngày ấy thể thao Việt Nam mới khá được!

Doanh nhân Phạm Phú Ngọc Trai

Những kế sách vượt tầm tay thể thao

Trong những ý kiến tham gia diễn đàn, có thể thấy điều mà nhiều người có ý kiến là câu chuyện phải đầu tư mạnh mẽ và hiệu quả trong việc đào tạo cầu thủ trẻ. Và trong đó, ai cũng cho rằng muốn bóng đá phát triển một cách bền vững như người Nhật, Hàn... đã làm thì phải đặt nền móng bóng đá từ học đường.

Có lẽ khó mà cãi được cái tính đúng đắn của vấn đề này, nhưng muốn làm được có dễ không? Xin nói luôn là không dễ chút nào, vì nó nằm ngoài tầm tay của ngành thể thao. Còn nhớ khi ông Đoàn Nguyên Đức bắt đầu xây dựng Học viện Hoàng Anh Gia Lai-Arsenal-JMG, mục tiêu đặt ra nào thấp như chuyện vượt bóng đá Thái Lan! Giấc mơ của ông Đức là trong một lứa cầu thủ, chỉ cần có 1, 2 em chuyển nhượng cho những đội bóng hàng đầu châu Á, thậm chí cả châu Âu, thì việc kiếm về tiền triệu USD là bình thường.

Nhưng cũng ngay từ hồi ấy, một số người nhìn rộng hơn đã không tin vào giấc mơ cao xa ấy. Bởi muốn “bán” được cầu thủ để thu về tiền triệu đô, tố chất của các em từ nhỏ phải đạt được như người Hàn, người Nhật. Nhưng làm sao có “hạt giống” tốt như vậy khi mà dân những thành phố lớn, có điều kiện chăm sóc sức khỏe con cái ngay từ trong bụng mẹ, đa số đã nói không với thể thao đỉnh cao?

Những cậu bé 12, 13 tuổi đến với lò của bầu Đức hay các lò khác phần lớn xuất thân từ nghèo khó, thiếu thốn từ trong bụng mẹ, ra đời thiếu sữa, thịt nên nói chung về khoản tố chất, chúng ta đã thua các nước 12, 13 năm! Bóng đá nói riêng, thể thao nói chung, muốn giải bài toán này phải phụ thuộc vào sự phát triển nền kinh tế chung của đất nước, sự thay đổi về quan điểm của người Việt (thích con làm thầy, bác sĩ, kỹ sư)...

Tương tự, bóng đá Nhật, Hàn thành công là nhờ đưa bóng đá vào trường học. Liệu ở Việt Nam có làm được như thế không, khi mà trẻ con phải học đầu tắt mặt tối bởi chương trình dạy và học nặng nề mà chính dân giáo dục kêu gào chấn hưng đã bao năm nay vẫn chưa được? Chưa kể, bóng đá làm sao vào trường học được khi mà phần lớn trường học đã không có chỗ cho học sinh đi tới đi lui, huống hồ sân đá bóng! Vậy nên, nói chuyện phát triển bóng đá từ trường học là biện pháp chỉ để nói cho vui trong bối cảnh hiện nay.

Thay máu VFF đã bao nhiêu lần?

Tham gia hiến kế cho bóng đá Việt, nhiều nhà chuyên môn đã cho rằng điều quan trọng nhất hiện nay là phải “thay máu” VFF (LĐBĐVN) bởi những lãnh đạo của tổ chức này hiện nay gần như không có người rành rẽ về chuyên môn. Trong năm thành viên Thường vụ VFF thì đến ba doanh nhân, một nhà báo và người còn lại là phó chủ tịch phụ trách chuyên môn chưa hề có kinh nghiệm gì về chuyên môn bóng đá!

Nếu nói thế thì xin phản biện lại một chút: Trong lịch sử VFF, cũng đã từng có những nhiệm kỳ mà ghế phó chủ tịch phụ trách chuyên môn hay tổng thư ký được giao cho một cựu danh thủ, rồi sau khi treo giày được đưa đi đào tạo ở Đức. Vậy nhưng, những nhiệm kỳ ấy có làm ăn ra gì không? Câu trả lời: không!

Nhiều người bảo rằng nhóm lãnh đạo cao nhất của VFF hiện nay không đoàn kết, có người lo vun vén cá nhân, tham quyền chức... Nhưng, vừa rồi trong chuyên mục Vấn đề nóng (Tuổi Trẻ 4-10), chúng tôi đã tổng hợp lại cả bảy nhiệm kỳ của VFF để có một cái nhìn xuyên suốt và toàn diện thì mới thấy nhiệm kỳ nào cũng có những vấn đề y như thế: mất đoàn kết, ham hố quyền lực, thiếu minh bạch, vun vén cá nhân. Và thế là nhiệm kỳ nào cũng bị dư luận kêu gào “phải thay máu VFF”. Nhưng thay rồi có khá hơn chút nào đâu.

Vì vậy, nếu lại nói “phải thay máu VFF” nhiệm kỳ này, e rằng cũng chẳng giải quyết được chuyện gì để bóng đá Việt khả quan hơn.

Phải thay đổi từ gốc

Vẫn biết muốn bóng đá Việt phát triển một cách bền vững là điều không dễ dàng, khi ở trên đã chứng minh có nhiều khó khăn nằm ngoài tầm tay thể thao; nhưng không có nghĩa là bó tay chịu "chết".

Vừa rồi, chúng ta thấy nổ ra câu chuyện tại cuộc họp Liên đoàn Quần vợt VN (VTF), nhiều thành viên đã đập bàn to tiếng với nhau. Được biết, nhiệm kỳ hiện nay của VTF cũng đã hết, nhưng chuyện tổ chức đại hội cũng mờ mịt vì khó khăn nhân sự. Hay ở Liên đoàn Bóng chuyền VN, dù đã năn nỉ với rất nhiều người, nhưng tất cả đều lắc đầu từ chối và cuối cùng ông phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn phải đảm nhận ghế chủ tịch.

Theo khảo sát của một thương hiệu bia nổi tiếng (nhằm phục vụ cho chiến lược tài trợ, quảng cáo), ba môn thể thao được người Việt yêu thích nhất lần lượt là bóng đá, quần vợt và bóng chuyền. Nhưng cả ba liên đoàn này đều có vấn đề. Thậm chí, mở rộng cả những liên đoàn khác cũng thấy một điều rất chung: làm ăn thiếu hiệu quả, mắc những căn bệnh giống nhau.

Từ đó, chúng ta nhìn thấy vai trò giải quyết căn bệnh xã hội hóa nửa vời nằm ở chính các cơ quan nhà nước phụ trách quản lý thể thao. Vài mươi năm trước, chúng ta đã thấy được rằng chỉ có xã hội hóa mới giúp thể thao phát triển mạnh mẽ. Từ đó các liên đoàn lần lượt ra đời. Trong thời kỳ quá độ, có thể phải chấp nhận mô hình Nhà nước đưa người sang các liên đoàn để hỗ trợ. Nhưng, đã hơn 30 năm trôi qua vẫn còn tồn tại việc để cho người Nhà nước đóng hai vai có còn phù hợp nữa không, kiểu như ông Trần Quốc Tuấn ở nhiệm kỳ 6 VFF thì “từ chức” sau vụ Falko Goetz, rồi nhiệm kỳ 7 quay lại với 15 chức danh? Có nơi như VTF, một doanh nhân có vẻ giật được ngọn cờ quyền lực và muốn thay đổi (trong quá trình làm việc có thể có một vài sai sót) nhưng tối ngày bị những thành viên liên đoàn đóng hai vai (vừa Nhà nước vừa tổ chức xã hội) ngồi săm soi cản trở thì nỗ lực của xã hội cũng đổ sông đổ biển.

Chúng tôi nhớ mãi một tâm sự của doanh nhân Phạm Phú Ngọc Trai khi ông quyết định giã từ việc tham gia các liên đoàn thể thao: Ngày nào các cán bộ thể thao nhà nước dám chấp nhận cuộc chơi, đứng sang hẳn liên đoàn hoặc để cho xã hội toàn quyền quyết định đến tổ chức liên đoàn, ngày ấy thể thao Việt Nam mới khá được!

Một khi Bộ VH-TT&DL cùng Tổng cục TDTT không mạnh dạn xóa bỏ tình trạng “Nhà nước chi phối tổ chức xã hội” thì tổ chức cả chục cuộc hội thảo khoác cái áo hoành tráng - “hội nghị Diên Hồng”- cũng chẳng giúp được bóng đá Việt phát triển lành mạnh.

Bóng đá học đường: không dễ

TT - Dù ai cũng biết rằng bóng đá học đường là nền tảng để phát triển bóng đá đỉnh cao nhưng theo những người trong cuộc, việc thực hiện là vô cùng khó khăn.

* Thầy Nguyễn Trí Sang (Trường tiểu học Lương Thế Vinh, quận 7): "Để phát triển bóng đá học đường thì cần sự quan tâm của ban giám hiệu nhà trường và hướng mở của sở giáo dục và đào tạo cho giáo viên được tự chủ chương trình, bởi giáo viên muốn dạy bóng đá thế nào đều phải theo chương trình của Bộ GD-ĐT.

Chương trình bóng đá học đường năm đầu còn cho bóng, khung thành, lưới và tiền hỗ trợ giáo viên (2,5 triệu đồng/năm học), nhưng sang năm thứ hai cắt dần hết. Tôi có tham khảo ý kiến anh em giáo viên làm bóng đá học đường tại TP.HCM trong ba năm qua, ai cũng có tâm và sẵn sàng để làm bóng đá học đường nhưng không có điều kiện và kinh phí thì không thể làm được.

Để khắc phục chuyện không có sân bãi, tôi nghĩ liên đoàn bóng đá nên hỗ trợ hoặc sở giáo dục và đào tạo yêu cầu các trường bỏ ra kinh phí để thuê sân. Một giờ tập trên sân cỏ nhân tạo khoảng 150.000 đồng, nên bỏ ra vài trăm ngàn tập 1 - 2 buổi/tuần không phải là vấn đề quá lớn nếu như muốn phát triển bóng đá học đường".

* Thầy Nguyễn Văn Can (Tiểu học Nguyễn Thái Học, quận 1): "Phát triển bóng đá học đường cũng phụ thuộc vào phụ huynh. Khi phụ huynh thích bóng đá sẽ lo cho con cái nhiều hơn về chuyện học bóng đá: mua trang phục, sắp xếp thời gian cho con đi tập... Giải pháp để chúng tôi có thể khắc phục khó khăn về sân bãi và phát triển bóng đá học đường là vẫn duy trì dạy bóng đá ở trường, rồi sau đó chọn các em có tố chất gửi lên lớp năng khiếu của trung tâm TDTT quận để có điều kiện tập tốt hơn".

* Người phụ trách chương trình bóng đá học đường của LĐBĐ TP.HCM (HFF), chuyên gia Đoàn Minh Xương: "Tôi nghĩ ngành thể thao phải kết hợp với giáo dục để đẩy mạnh bóng đá học đường. Vì có phát triển bóng đá học đường mới tìm được nhiều tài năng để tuyển chọn và đào tạo thêm trở thành cầu thủ chuyên nghiệp. Do đó, ngành thể thao cần phải hỗ trợ sân bãi cho giáo dục để tạo điều kiện cho các trường có thể đưa các em đến tập. Cụ thể, trung tâm TDTT các quận huyện cần hỗ trợ sân bãi cho học sinh các trường trên địa bàn mình đến tập luyện". (BẢO NGUYÊN GHI)

 

 

HUY THỌ (huytho@tuoitre.com.vn )
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên