26/02/2019 11:08 GMT+7

Tiếng dương cầm ở Bệnh viện 108

HÀ THANH - DƯƠNG LIỄU
HÀ THANH - DƯƠNG LIỄU

TTO - Bản Triệu đóa hoa hồng nồng cháy vừa kết thúc, lại vang lên giai điệu Đôi bờ thiết tha... Khám bệnh xong, bệnh nhân Nguyễn Trọng Hiếu và bạn lại xuống sảnh nơi có chiếc dương cầm ở Bệnh viện Trung ương quân đội 108 (Hà Nội).

Tiếng dương cầm ở Bệnh viện 108 - Ảnh 1.

Cô giáo Bùi Phương Vân đàn phục vụ bệnh nhân ở Bệnh viện 108 - Ảnh: DƯƠNG LIỄU

Nhìn cô gái mặc áo dài đỏ lướt phím đàn, anh mỉm cười, lắng nghe tiếng nhạc du dương và nỗi đau dường như cũng vơi đi...

10 ngày điều trị ở Bệnh viện 108 là cả 10 ngày anh Hiếu (quê Phú Thọ) đều ngóng "khung giờ vàng" để được thưởng thức tiếng dương cầm thánh thót. Mỗi sáng bắt đầu từ 10h30, chiều từ 16h30, chẳng ngày nào anh bỏ lỡ.

Hiếu mê nhạc lắm dù chẳng hiểu sâu thanh nhạc, nhưng hễ thấy có nghệ sĩ đàn là anh lại có mặt. Thi thoảng anh còn bạo dạn đề nghị họ chơi mấy bản nhạc mà mình yêu thích.

Bác ấy kể cứ ba tuần lại lên xạ trị và lần nào cũng dừng chân ở sảnh bệnh viện này để nghe dương cầm. Lần sau không biết bác có còn được nghe nữa không! Mình nhói lòng, chỉ mong nhanh đàn hết bản nhạc để xuống ôm bác mà chia sẻ nỗi đau.

Cô giáo Bùi Phương Vân nhớ mãi hình ảnh một bệnh nhân nhờ cô đàn bài Tình cha

Tiếng dương cầm ở Bệnh viện 108 - Video: DƯƠNG LIỄU

Nghe đàn, quên bệnh

"Tôi có thể đứng ở đây suốt 45 phút để nghe nhạc. Hai khoảng thời gian sáng - chiều được nghe tiếng dương cầm ngay giữa bệnh viện là thú vị nhất trong ngày. Có khi tôi nghe đàn quên cả cơm" - bệnh nhân Hiếu vui vẻ kể.

Phải nhập viện chữa trị, anh nhớ gia đình, nhớ đơn vị lắm, nhưng cũng nhờ tiếng đàn làm nguôi ngoai bớt nỗi buồn và bệnh tật đau đớn.

Cùng phòng với anh Hiếu, bệnh nhân Dương Văn Lợi (ở Nghệ An) mới vào viện điều trị, cũng chẳng lần nào bỏ lỡ chương trình nghe nhạc đặc biệt.

Đôi bạn cùng phòng Hiếu - Lợi mỗi ngày đứng ở sảnh bệnh viện, cùng thả hồn vào những giai điệu thánh thót ngân lên từ cây dương cầm.

"Mới nhập viện, mình bệnh 10, mà giờ chắc chỉ còn 3 thôi, sắp khỏe ru rồi. Âm nhạc là nguồn sống tinh thần của mọi người và là đam mê của mình.

Điều trị ở đây, ngày hai buổi sáng - chiều mình đều được lắng nghe những bản nhạc dân tộc, kháng chiến hùng hồn yêu thích" - anh bộ đội quê ở Nghệ An trải lòng tâm sự.

Sảnh trung tâm Bệnh viện 108 lúc nào cũng đông đúc người ra vào với những gương mặt mệt mỏi, lo âu. Nhưng hễ tiếng nhạc cất lên, mọi sự căng thẳng như lắng lại, bình yên hơn.

Bên cô gái chơi dương cầm, nhiều bệnh nhân đang quấn chằng chịt băng bông, có người cụt cả tay, người phải ngồi xe lăn vẫn say sưa lắng nghe như quên cả cơn đau.

Thậm chí, ngay cả thân nhân người bệnh cũng thấy nhẹ nhàng hơn nhờ có giai điệu âm nhạc êm dịu.

Mới vào bệnh viện chăm người nhà như ông Vũ Chí Quỹ (quê ở Hải Dương) cũng chẳng thể rời đi, chăm chú đứng lắng nghe từng giai điệu thời chiến đang ngân vang trầm bổng từ ngón tay cô gái mặc áo dài...

Tiếng dương cầm ở Bệnh viện 108 - Ảnh 4.

Cả nhân viên y tế lẫn bệnh nhân đều thích có âm nhạc như Bệnh viện 108 - Ảnh: Bệnh viện 108

Dương cầm trong bệnh viện

Bắt đầu từ tháng 8-2018, Bệnh viện 108 đặt cây dương cầm giữa sảnh tòa nhà trung tâm cũng là thời điểm cô giáo Bùi Phương Vân (ở Hà Nội) mang âm nhạc đến nơi chữa trị cho bệnh nhân này.

Dù bận rộn với việc dạy đàn cho trẻ em, nhưng mỗi sáng cô giáo Vân đều dành thời gian đến bệnh viện. Cô chân tình tâm sự tiếng đàn là tình cảm, là tấm lòng của mình dành cho những bệnh nhân ở đây.

Vân nghĩ đôi khi liều thuốc điều trị bệnh tật chưa đủ, mà cần đến cả liều thuốc tinh thần nữa.

Với dòng nhạc thính phòng, sân khấu trình diễn đòi hỏi đầy đủ không gian để âm thanh không bị loãng, khán thính giả phải mua vé ngồi trật tự. Nhưng ở bệnh viện lại hoàn toàn khác biệt.

Những ngày đầu đến với "sân khấu" bệnh viện, cô giáo Vân không khỏi ngỡ ngàng khi người nghe đứng - ngồi lố nhố, xung quanh là vô vàn tạp âm buồn vui của người phải nhập viện hay được xuất viện.

"Mới đầu cũng ngỡ ngàng, nhưng mình tự nhủ đây là biểu diễn bình dân cho mọi người. Có những người đáng ông bà, cha mẹ mình. Lòng mình nghĩ nếu cha mẹ mình đến đây khám mà được nghe nhạc chắc cũng đỡ lo bệnh.

Mình biểu diễn đàn cũng chính là hỗ trợ y bác sĩ giúp người bệnh. Từ những suy nghĩ đấy, mình cố gắng hơn rất nhiều, gạt bỏ sự hào nhoáng sân khấu, quan trọng nhất ở đây là tình người" - cô giáo Vân tâm niệm.

Cũng ở "sân khấu" này, gần cuối giờ chiều, cô sinh viên Vũ Ngọc Linh (20 tuổi, Trường ĐH Sư phạm nghệ thuật trung ương) trong tà áo dài trang trọng tiến đến mở hộp dương cầm.

Ba tháng nay, Linh tham gia mang âm nhạc đến với các bác, các cô chú đang điều trị ở bệnh viện. Chưa từng biểu diễn ở sân khấu hoành tráng, cô thật thà tâm sự đây là "sân khấu" lớn đầu tiên mà cô thử sức.

Mới đầu run lắm, Linh và một bạn gái cùng trường thay phiên nhau đánh đàn cho các bác, các cô nghe.

"Nhiều người qua lại bệnh viện thế này, tôi sợ mình đánh đàn không hay, sợ các bác thích bài này, không thích bài khác. Tuần đầu tiên, cứ cách 30 phút chúng tôi lại thay nhau đánh. Nhưng sang tuần thứ hai thì quen, luân phiên mỗi người đánh một ngày" - Linh chia sẻ.

Đến nay, những nghệ sĩ trẻ đã trang bị cho mình đủ "gu" âm nhạc bệnh nhân thích. Nào là nhạc Trịnh, nhạc tiền chiến, kháng chiến, nhạc trẻ, kể cả nhạc cổ điển hàn lâm... Ai yêu cầu gì, các cô vui vẻ đáp ứng.

Tiếng dương cầm ở Bệnh viện 108 - Ảnh 5.

Cứ nghe tiếng dương cầm, các bệnh nhân lại nở nụ cười - Ảnh: HÀ THANH

Nên đưa âm nhạc đến bệnh nhân

Tại bệnh viện có những khán thính giả chẳng hiểu hết nghệ thuật dương cầm, nhưng điều khiến các cô cảm thấy ấm lòng chính là tình cảm bệnh nhân, gia đình họ và y bác sĩ dành cho mình. Khi tiếng đàn vút lên réo rắt, mọi người đều vây quanh.

Tiếng đàn vừa dứt, người vỗ tay động viên, người chủ động bắt tay chân tình cảm ơn các cô. Những lời ấm áp của bệnh nhân khích lệ, tiếp thêm động lực để các nghệ sĩ trẻ tiếp tục gắn bó với bệnh viện.

"Mình xúc động, đôi khi phải kìm để không rơi nước mắt. Tình người trong đớn đau mà ấm áp đến kỳ lạ" - cô giáo Vân xúc động.

Gần một năm nay, mỗi tuần đủ 7/7 ngày, các nghệ sĩ dương cầm thay phiên nhau biểu diễn đều đặn ở bệnh viện.

Thiếu tướng, PGS.TS Phạm Nguyên Sơn - phó giám đốc Bệnh viện 108 - chia sẻ hoạt động này được đông đảo bệnh nhân và người nhà họ ủng hộ.

Việc điều trị phải áp dụng rất nhiều biện pháp từ chẩn đoán, mổ xẻ, thuốc men đến âm nhạc trị liệu. Mang âm nhạc vào bệnh viện là góp phần giúp người đau ốm vơi bớt nỗi đau.

Với gia đình họ, âm nhạc cũng làm nguôi ngoai căng thẳng, lo âu trong lúc chờ đợi. Đặc biệt, cũng nhờ tiếng đàn, nhân viên y tế được thư giãn, ứng xử nhẹ nhàng, đồng cảm hơn với bệnh nhân.

"Tôi rất mong ngày càng có nhiều bệnh viện đưa âm nhạc đến với bệnh nhân. Những giai điệu êm dịu góp phần tạo môi trường văn hóa bệnh viện, nhưng quan trọng nhất là giúp quá trình điều trị của người bệnh tốt hơn" - thiếu tướng Sơn mong mỏi.

Người bệnh dịu bớt căng thẳng

“Đàn dương cầm thánh thót giúp người bệnh dịu bớt căng thẳng, nỗi đau. Không sôi động như trống hay guitar..., không khí ở bệnh viện khác biệt bên ngoài nên giai điệu đàn dương cầm có lẽ phù hợp hơn” - thiếu tướng Sơn chia sẻ.

Đặc biệt, không chỉ sử dụng đàn ở sảnh, Bệnh viện 108 còn có hệ thống loa phát thanh truyền những bản nhạc nhẹ đến tận buồng bệnh cho bệnh nhân nặng không có điều kiện xuống sảnh bệnh viện.

Các bệnh nhân đều rất thích sự phục vụ nghệ thuật này. Dù ở đâu họ cũng được tận hưởng không khí thư giãn nhẹ nhàng, giúp nguôi ngoai nỗi buồn đau.


Đưa âm nhạc vào bệnh viện Đưa âm nhạc vào bệnh viện

TTO - Sáng 14-4, ban nhạc The Amigos (Mỹ) đã có buổi biểu diễn tại Bệnh viện Trung ương Huế. Hàng trăm bệnh nhân, người nhà và các bác sĩ cùng nhân viên bệnh viện đã hưởng ứng chương trình.

HÀ THANH - DƯƠNG LIỄU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên