03/12/2022 18:07 GMT+7

Tiến sĩ Việt Nam tham gia viết báo cáo quy mô của FAO

TTXVN
TTXVN

TTO - Đại sứ Việt Nam tại Ý, kiêm nhiệm Đại diện thường trực của Việt Nam tại Tổ chức Nông Lương LHQ (FAO) Dương Hải Hưng là một trong những diễn giả khách mời tại lễ công bố chính thức ấn phẩm mới của FAO.

Tiến sĩ Việt Nam tham gia viết báo cáo quy mô của FAO - Ảnh 1.

Toàn cảnh sự kiện công bố báo cáo của FAO - Ảnh: TTXVN

Ngày 2-12, Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc (FAO) đã tổ chức lễ công bố chính thức ấn phẩm "Tương lai của nông nghiệp và lương thực - Các động lực và tác nhân kích hoạt chuyển đổi" (FOFA-DTT), tập trung vào những hành động cần thiết và cấp bách để chuyển đổi các hệ thống nông lương theo hướng bền vững.

Lễ công bố đã được tổ chức với sự tham dự trực tiếp và trực tuyến của hàng ngàn người trên khắp thế giới, trong đó có phát biểu chính của các quan chức cao cấp của FAO gồm Tổng giám đốc FAO Khuất Đông Ngọc (Qu Dong Yu), Nhà kinh tế trưởng của FAO Máximo Torero, Phó giám đốc phụ trách Bộ phận kinh tế học nông nghiệp thực phẩm (ESA) Marco V. Sánchez, cùng các diễn giả khách mời, trong đó có Đại sứ Việt Nam tại Ý, kiêm nhiệm Đại diện thường trực của Việt Nam tại FAO Dương Hải Hưng.

Phát biểu tại sự kiện công bố FOFA-DTT, Tổng giám đốc FAO Khuất Đông Ngọc nhấn mạnh rằng ấn bản "Tương lai của nông nghiệp và lương thực" thứ ba này tập trung vào các động lực và yếu tố kích hoạt quá trình chuyển đổi các hệ thống nông lương mà FAO đang hỗ trợ.

Khả năng nuôi sống dân số ngày càng tăng của thế giới đang bị đe dọa và nếu không có sự thay đổi lớn hơn về kinh tế xã hội và môi trường, thế giới sẽ không thể có các hệ thống nông lương bền vững. 

Trao đổi với phóng viên TTXVN, tiến sĩ Nguyễn Thị Lan Hương - chuyên gia kinh tế thuộc Bộ phận nghiên cứu chính sách của FAO, một trong ba tác giả chính của FOFA-DTT - bình luận: "Đây là một báo cáo chủ chốt, đề xuất các chiến lược chuyển đổi hệ thống nông lương toàn cầu dài hạn, tạo ra nền tảng cho các quốc gia thành viên cũng như các khu vực và các tiểu ngành tạo thành chính sách khung và chương trình hành động nghị sự toàn cầu".

Tiến sĩ Việt Nam tham gia viết báo cáo quy mô của FAO - Ảnh 2.

Đại sứ Việt Nam tại Ý, kiêm nhiệm Đại diện thường trực của Việt Nam tại FAO Dương Hải Hưng trao đổi với Tổng giám đốc FAO Khuất Đông Ngọc (Qu Dong Yu) bên lề sự kiện - Ảnh: TTXVN

Phát biểu tại hội thảo, Đại sứ Dương Hải Hưng nhấn mạnh rằng để tránh viễn cảnh "cuộc đua xuống đáy" đầy u ám, thế giới phải cùng hành động ngay bây giờ và hướng tới việc hiện thực hóa một hệ thống nông lương bền vững và có khả năng chống đỡ. 

Theo đại sứ, báo cáo của FAO chỉ ra một nguyên nhân quan trọng đẩy nhanh viễn cảnh bi quan này là khả năng đầu tư và áp dụng khoa học công nghệ khác nhau giữa các nhóm nước thu nhập cao và thu nhập thấp khiến khoảng cách phát triển giữa hai nhóm này càng bị kéo dãn. 

Đại sứ cho rằng là một tổ chức kỹ thuật, FAO có vai trò quan trọng để hạn chế hiện tượng này bằng cách đẩy mạnh hơn nữa việc nghiên cứu và hỗ trợ các nước đang phát triển về các chính sách, cách tiếp cận, thực tiễn và công cụ đổi mới sáng tạo; khuyến khích đầu tư, tổng hợp và chia sẻ hàng hóa kỹ thuật số công cộng và các giải pháp dựa trên tự nhiên; hỗ trợ tài chính, công nghệ và xây dựng năng lực cho các nước đang phát triển trong lĩnh vực đổi mới khoa học công nghệ; thúc đẩy đối tác tri thức giữa các quốc gia và giữa các quốc gia với các chủ thể khác, như hợp tác Nam - Nam và Ba bên về chuyển giao công nghệ, phát triển nghiên cứu để giải quyết vấn đề an ninh lương thực và dinh dưỡng ở cấp địa phương và khu vực. 

Việt Nam đã phát triển khá nhiều đổi mới kỹ thuật tiết kiệm chi phí và rất sẵn lòng chia sẻ, chẳng hạn như mô hình an ninh lương thực địa phương "Khu vườn của tôi" xoay quanh một hệ thống các giá trị, nghĩa vụ, hành động và lợi ích chung. 

Việt Nam cũng mong muốn trở thành một trung tâm đổi mới thực phẩm ở Đông Nam Á và sẽ tiếp tục tích cực tham gia các sáng kiến đổi mới, bao trùm, kỹ thuật số và chuyển đổi xanh trong lĩnh vực nông nghiệp.

Báo cáo của FAO đã lựa chọn và khuyến cáo các nước thành viên về bốn nhân tố kích hoạt chuyển đổi các hệ thống lương thực, thực phẩm hướng tới bền vững hơn, bao gồm tăng cường quản lý nhà nước; nâng cao thu nhập cho người dân, giảm sự bất bình đẳng giữa các nhóm dễ tổn thương; nâng cao nhận thức của người tiêu dùng; và tiếp tục chia sẻ đổi mới công nghệ toàn cầu.

Đến năm 2050, dự kiến thế giới sẽ có 10 tỉ dân và đây sẽ là một thách thức chưa từng có nếu không có những nỗ lực đáng kể để đảo ngược xu hướng hiện tại. Hiện có khoảng 770 triệu người, tức gần 10% dân số thế giới bị đói và hơn 3 tỉ người không có khả năng để có một chế độ ăn uống lành mạnh.

Tuy nhiên, nếu các chính phủ, người tiêu dùng, doanh nghiệp, giới học giả và cộng đồng quốc tế hành động ngay bây giờ, thì việc chuyển đổi toàn diện các hệ thống nông lương là hoàn toàn khả thi và có thể mang lại thay đổi bền vững lâu dài.

Khủng hoảng lương thực trên thế giới: FAO kêu gọi lập quỹ 25 tỉ USD giúp nước nghèo Khủng hoảng lương thực trên thế giới: FAO kêu gọi lập quỹ 25 tỉ USD giúp nước nghèo

TTO - Yemen, Sri Lanka và nhiều nước châu Phi chứng kiến tình trạng mất an ninh lương thực, đối mặt với nạn đói chưa từng có, do nhiều nguyên nhân như khủng hoảng kinh tế trong nước, các tác động tiêu cực từ xung đột Nga - Ukraine.

TTXVN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên