29/02/2016 11:39 GMT+7

Tiền có giúp được bóng đá Trung Quốc?

HUY ĐĂNG (huydang@tuoitre.com.vn)
HUY ĐĂNG (huydang@tuoitre.com.vn)

TT - Giải ngoại hạng Anh, Giải vô địch Tây Ban Nha hay lần lượt Đức, Ý, Pháp…, tất cả đều phải lép vế trước Trung Quốc khi xét đến việc chi tiền mua cầu thủ ở kỳ chuyển nhượng mùa đông vừa qua.

Ramires (phải) có trình độ quá chênh lệch so với đồng đội Trung Quốc ở CLB Jiangsu Suning - Ảnh: N.K.
Ramires (phải) có trình độ quá chênh lệch so với đồng đội Trung Quốc ở CLB Jiangsu Suning - Ảnh: N.K.

Hôm 27-2 (giờ VN), thị trường chuyển nhượng mùa đông Trung Quốc đóng cửa và kỷ lục của họ chính thức được xác nhận. 347 triệu USD (theo thống kê của Transfermarkt.com), đó là tổng số tiền mà các CLB ở Giải vô địch Trung Quốc (China Super League) đã chi ra cho kỳ chuyển nhượng này, ăn đứt giải đấu xếp thứ nhì là Giải ngoại hạng Anh (263 triệu USD). Thậm chí ngay cả Giải hạng nhất Trung Quốc cũng xếp thứ tư trong danh sách tiêu tiền mùa đông với 59 triệu USD.

Như vậy, bóng đá Trung Quốc đã vung đến hơn 400 triệu USD vào thị trường chuyển nhượng mùa đông. Phần lớn số tiền này được chi cho các ngôi sao nước ngoài và tất nhiên chảy vào túi các CLB châu Âu, nơi sở hữu những ngôi sao đó. 50 triệu euro cho Alex Teixeira (đến Jiangsu Suning), 42 triệu euro cho Jackson Martinez (Guangzhou Evergrande) hay 28 triệu euro cho Ramires (Jiangsu Suning)..., tất cả đều là những con số điên rồ!

Trường hợp của Martinez là rõ ràng nhất. Mới cách đây hơn nửa năm, Atletico bỏ ra 35 triệu euro để tậu anh về từ Porto. Sau nửa mùa giải thi đấu bết bát, giá trị của Martinez tất nhiên phải giảm chứ không lý nào lại tăng. Và thực tế định giá của những cầu thủ nói trên chỉ bằng khoảng một nửa so với số tiền mà các CLB chi ra cho họ. Người Trung Quốc dường như đã quá nôn nóng với mục tiêu phát triển nền bóng đá của mình.

Suốt nhiều thập niên qua, bóng đá là một nỗi đau với Trung Quốc. Bất chấp việc được đông đảo người dân Trung Quốc lẫn Chủ tịch Tập Cận Bình yêu thích, môn thể thao đông người chơi nhất của chính quốc gia đông dân nhất vẫn không “ngóc đầu” dậy nổi, đặc biệt khi so sánh với những gã hàng xóm Nhật Bản, Hàn Quốc. Xét về thành tích của đội tuyển quốc gia, Trung Quốc bây giờ thua cả Thái Lan hay CHDCND Triều Tiên. Vài năm gần đây, Chính phủ Trung Quốc đã thực thi hàng loạt chính sách nhằm thay đổi thực trạng đáng buồn này, trong đó có việc khuyến khích các tập đoàn lớn trút tiền vào bóng đá. Tuy nhiên, giới chuyên môn lại không đánh giá cao cách thức này.

Cây bút bình luận John Duerden của tờ The Guardian nhận định: “Mua cầu thủ nước ngoài cũng giúp cải thiện trình độ bóng đá nhưng cách tốt nhất vẫn là phát triển hệ thống đào tạo trẻ, bóng đá học đường. Mà về cách này thì Nhật Bản đi trước Trung Quốc hàng nhiều năm... ánh sáng”. Những con số đã phản ánh nhận định của ông Duerden. Trung Quốc vượt xa Nhật Bản về khoản xài tiền từ nhiều năm trước, nhưng những cầu thủ người Trung Quốc đắt giá nhất cũng chỉ vào khoảng 1-2 triệu USD, kém rất xa so với những Shinji Kagawa, Keisuke Honda hay Shinji Okazaki của Nhật (giá lên đến tầm 20 triệu USD mỗi người). China Super League dù đắt giá gấp đôi J-League nhưng xét ở giá trị đội hình tuyển quốc gia, Trung Quốc chỉ bằng 1/7 của Nhật (11 triệu so với 80 triệu USD). Và kết quả cũng tương tự khi so với Hàn Quốc.

Trong quá khứ, tiền nhiều chưa giúp bóng đá Trung Quốc mạnh lên. Vậy ở hiện tại, liệu... tiền rất nhiều có làm được điều đó? Đó là chuyện tương lai, nhưng giới chuyên môn thì không tin. Rowan Simons, một nhà bình luận nổi tiếng của bóng đá Trung Quốc, chỉ trích các CLB Trung Quốc là “mua sắm vô tội vạ và chỉ là tay mơ trên thị trường chuyển nhượng, đã bị những người đại diện cầu thủ điều khiển, qua đó lãng phí hàng đống tiền” - Hãng tin Channel News Asia (Singapore) dẫn lời.

Ngay cả những người hưởng lợi từ chính sách này của Trung Quốc cũng thể hiện thái độ tương tự. Tim Cahill, cầu thủ vừa chuyển từ Shanghai Senhua sang Hangzhou Greentown, bảo mùa chuyển nhượng vừa qua của Trung Quốc là “điên rồ” và tin rằng “việc có quá nhiều ngôi sao ngoại sẽ chỉ cản trở sự phát triển của các cầu thủ Trung Quốc” - kênh ESPN dẫn lời.

Trung Quốc thật ra cũng có những chính sách dài hơi để phát triển bóng đá. Bộ Giáo dục Trung Quốc đã thông qua một chương trình bóng đá học đường mà trong đó 20.000 trường học sẽ phải áp dụng kể từ năm 2017. Nhưng từ giờ cho đến khi gặt hái kết quả từ chương trình này cũng phải khoảng 10 năm nữa. Và các CLB Trung Quốc phải đốt thêm bao nhiêu tiền trong khoảng thời gian này?

HUY ĐĂNG (huydang@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên