21/04/2023 15:06 GMT+7

Tỉ lệ sinh mổ tăng nhanh, nên sinh thường hay sinh mổ?

Tỉ lệ sinh mổ tại Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng qua các năm. Các chuyên gia về y tế cảnh báo việc sinh mổ tiềm ẩn nhiều rủi ro cho cả mẹ và bé.

Các bác sĩ khuyến cáo thai phụ nên chọn phương pháp sinh thường thay vì sinh mổ để đảm bảo an toàn - Ảnh: THU HIẾN

Các bác sĩ khuyến cáo thai phụ nên chọn phương pháp sinh thường thay vì sinh mổ để đảm bảo an toàn - Ảnh: THU HIẾN

Nhiều sản phụ sinh con theo ngày, giờ...

Theo báo cáo tổng kết công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em năm 2022 của Bộ Y tế, tỉ lệ sinh mổ ở Việt Nam tăng liên tục trong 15 năm qua.

Nếu như trong năm 2005, tỉ lệ sinh mổ ở mức là 12% thì đến năm 2022, tỉ lệ này là 37%.

Tại Bệnh viện Phụ sản trung ương, mỗi năm có hơn 20.000 ca đẻ, trong đó hơn một nửa là mổ.

Tỉ lệ đẻ mổ tăng dần theo các năm, 5 năm gần đây (2015 - 2019), trong hơn 110.000 ca sinh nở tại bệnh viện có gần 68.000 ca mổ, tức là hơn 50%, gấp đôi so với 10 năm trước đó.

Theo khuyến cáo của WHO, tỉ lệ sinh mổ thông thường dao động từ 10-15% để tránh tai biến nguy hiểm cho mẹ và thai nhi.

Bác sĩ Trần Thị Ngọc - phó trưởng phòng kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) - cho biết có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến tăng tỉ lệ mổ lấy thai.

Về mặt nguyên nhân khách quan do xã hội ngày càng phát triển, sản phụ có nhiều cơ hội tiếp cận với các dịch vụ y tế, sản phụ được thăm khám thai định kỳ và được phát hiện sớm các trường hợp cần can thiệp sinh mổ.

Nguyên nhân chủ quan do tuổi kết hôn ở phụ nữ tăng, nhu cầu sinh con giảm, mỗi gia đình chỉ có từ 1-2 con nên sản phụ và gia đình muốn sinh con theo ngày giờ, tâm lý ngại sinh con theo ngả tự nhiên, nghĩ rằng sinh mổ sẽ an toàn cho mẹ và bé hơn sinh ngả âm đạo

Tuy nhiên, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng tỉ lệ tử vong mẹ khi sinh mổ cao hơn 4 lần so với sinh ngả âm đạo (sinh thường).

Ngoài ra, khi sinh mổ bà mẹ còn gặp những nguy cơ trong mổ lấy thai như: tai biến do gây mê, gây tê, chảy máu, nhiễm trùng sau mổ, tổn thương tiết niệu.

Thời gian nằm viện ở sản phụ sinh mổ dài hơn, phục hồi sức khỏe chậm hơn, tăng chi phí chăm sóc y tế, sự chăm sóc cho bé và nuôi con bằng sữa mẹ cũng bị ảnh hưởng.

Về lâu dài, các sản phụ sinh mổ có thể có nguy cơ bị tắc ruột, dính ruột, ảnh hưởng đến tương lai sản khoa sau này như tăng tỉ lệ sinh mổ lần có thai sau, tăng nguy cơ nhau tiền đạo, nhau cài răng lược, thai ở sẹo mổ lấy thai…

Về phía thai nhi, trẻ được sinh mổ có nguy cơ suy hô hấp tăng 2,6 lần so với trẻ được sinh ngả âm đạo, giảm khả năng miễn dịch của trẻ…

Khi nào sinh mổ?

Bác sĩ Ngọc cho biết thêm, chỉ nên sinh mổ khi có chỉ định như: ngôi thai bất thường, thai quá to (>4.000g), nhau tiền đạo, nhau cài răng lược, nhau bong non, sa dây rốn, thai suy; do mẹ có khung chậu hẹp, có vết mổ cũ trên thân tử cung...

Bác sĩ Phan Chí Thành - chánh văn phòng Trung tâm đào tạo và chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phụ sản trung ương - khuyến cáo trẻ siêu âm có cân nặng bình thường từ 2,8 - 3,5kg thì sinh thường là lựa chọn sinh tốt nhất.

Đối với trường hợp thai nhi nặng hơn 4kg và sức khỏe người mẹ không đảm bảo khả năng sinh thường thì bác sĩ sẽ khuyên sinh mổ để đảm bảo an toàn cho sản phụ và em bé.

"Thai to trong y khoa được thống nhất là những em bé nặng trên 4kg. Trong khi đó, khung xương chậu người châu Á khá bé, nên thai trên 4kg sẽ to và gây khó khăn trong việc sinh nở. Lúc này, bác sĩ sẽ khuyến cáo sản phụ nên mổ đẻ.

Bên cạnh đó, trường hợp mẹ sinh con so (con đầu) sẽ khó khăn hơn so với người đã từng đẻ thường đường dưới. Do đó, với con so tiêu chuẩn thai to cũng hạ thấp hơn một chút, chỉ cần trên 3,5kg là đã cân nhắc mổ đẻ", bác sĩ Thành cho hay.

Bác sĩ Thành cho biết thêm, nhiều sản phụ rất mong sinh con cân nặng tốt, tuy nhiên thai nhi phát triển quá to không phải là điều tốt, tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm cho cả mẹ và bé.

"Trong quá trình mang thai, nếu thai nhi phát triển quá to sẽ khiến tử cung kích thước rất lớn, gây chèn ép cơ hoành và làm cho người mẹ dễ mệt mỏi, khó thở.

Mặt khác, tử cung to cũng chèn ép vào tĩnh mạch vùng chậu, gây phù chân. Bên cạnh đó, ảnh hưởng dễ thấy nhất là khi trẻ càng to thì quá trình chuyển dạ, sinh đẻ bằng con đường tự nhiên càng khó khăn.

Ngoài ra, khi thai quá to, trẻ sinh ra tăng nguy cơ mắc các bệnh lý phát sinh từ cân nặng "vượt ngưỡng" phải điều trị tại viện ngày càng gia tăng", bác sĩ Thành cho hay.

Bạn đọc có những thắc mắc về sức khỏe người lớn và trẻ em, dinh dưỡng, tiêm ngừa, chấn thương... mời gửi email đến hộp thư suckhoe@tuoitre.com.vn (để chính xác nội dung, bạn đọc vui lòng gõ tiếng Việt có dấu). Chuyên mục Hỏi đáp cùng thầy thuốc sẽ chọn lọc và giúp bạn giải đáp.
Vừa mổ lấy thai, vừa bóc khối u nặng 8kg cho sản phụVừa mổ lấy thai, vừa bóc khối u nặng 8kg cho sản phụ

Một sản phụ đi sinh tại Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ đã được các bác sĩ phẫu thuât vừa lấy thai, vừa lấy ra khối u nang buồng trứng khủng nặng đến 8kg.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên