Thua thế nào mới tốt?

HUY ĐĂNG 19/01/2024 19:16 GMT+7

TTCT - Thất bại 2-4 trước Nhật Bản ở trận ra quân Asian Cup 2023 hóa ra lại là trận thua… đậm nhất của tuyển Việt Nam trước đội bóng khổng lồ châu Á này trong hơn 16 năm qua.

Thật vậy, lần đầu tiên Việt Nam gặp Nhật Bản là năm 2007, cũng ở Asian Cup, với kết quả thua 1-4. Nhưng trong 4 lần tái ngộ sau này ở các đấu trường khác nhau, Việt Nam thua 3 trận với cùng tỉ số 0-1, và thậm chí từng cầm hòa Nhật Bản 1-1 ở lượt trận cuối cùng vòng loại World Cup 2022. 

Khi đó, tuyển Việt Nam do HLV Park Hang Seo dẫn dắt. Có thể nói không ngoa rằng mỗi khi gặp Việt Nam, Nhật Bản thường gặp khó khăn.

CĐV Nhật Bản trên khán đài cũng vui mừng với bàn thắng của tuyển VN. Ảnh: HOÀNG TUẤN

CĐV Nhật Bản trên khán đài cũng vui mừng với bàn thắng của tuyển VN. Ảnh: HOÀNG TUẤN

Vượt qua áp lực

Tất nhiên, những CĐV bóng đá có lý trí không ai lại đem chuyện tỉ số ra đong đếm và chê bai đội tuyển Việt Nam hiện tại. Trái lại, thầy trò ông Philippe Troussier nhận cơn mưa lời khen. 

Những ai từng theo dõi đội tuyển quốc gia đều có thể nhận thấy những điểm khác biệt tích cực mà HLV người Pháp mang đến cho bóng đá Việt qua trận gặp Nhật Bản. Các cầu thủ Việt Nam ghi đến 2 bàn thắng, có lúc dẫn trước 2-1, và nhiều thời điểm trong trận đấu tạo nên thế trận ngang ngửa với Nhật Bản.

Những con số thống kê nói lên nhiều điểm tích cực của thầy trò ông Troussier trong trận đấu ra quân Asian Cup 2023. Họ tung ra 6 cú dứt điểm, không phải nhận bất kỳ thẻ vàng nào (chuyện rất lạ nếu so với những lần Việt Nam đối đầu các đội bóng lớn trước đây), và có đến 42 lần thắng tranh chấp tay đôi, con số gần ngang ngửa với 45 lần của Nhật Bản. 

Không chỉ tạo nên bất ngờ từ những bàn thắng, đội tuyển Việt Nam đã thực sự chơi một trận sòng phẳng với đội bóng mạnh nhất châu Á lúc này.

Trận thua 2-4 trước Nhật Bản còn tích cực ở chỗ, nó đã tháo gỡ sức ép cho HLV Troussier sau những thay đổi mạo hiểm mà ông mang đến bóng đá Việt gần một năm qua. 

Dưới thời HLV người Pháp, các cầu thủ Việt Nam được yêu cầu chơi cầm bóng nhiều hơn, phối hợp nhiều hơn, và nói chung là triển khai bóng đá tấn công nhiều hơn so với lối đá chăm chăm phòng ngự của ông Park Hang Seo.

Đã có nhiều tranh cãi về lối chơi của HLV Park Hang Seo, nhất là trong khoảng thời gian cuối nhiệm kỳ của chiến lược gia người Hàn Quốc với bóng đá Việt. Thứ bóng đá phòng ngự khó chịu của ông Park giúp Việt Nam có được hiệu quả tốt trước các đội bóng lớn. 

Ở vòng loại World Cup, Việt Nam chỉ thua tối thiểu trước Nhật, Úc và Saudi Arabia khi có lợi thế sân nhà. Tức trong hoàn cảnh thuận lợi nhất, HLV Park Hang Seo giúp Việt Nam thu hẹp tối đa khoảng cách với những nền bóng đá lớn. 

Nhưng những trận đấu đó, người hâm mộ đều có thể thấy các cầu thủ Việt Nam hầu như không có cơ hội nào. Kể cả khi đã bị dẫn bàn, Việt Nam vẫn chăm chăm chơi phòng ngự để hạn chế bàn thua.

Trái với lối bóng đá thực dụng đó, HLV Troussier lại bị chỉ trích nhiều vì sự "ngây thơ", khi muốn Việt Nam chơi cầm bóng trước những đối thủ mạnh hơn. Một chuỗi những trận thua cách biệt trước Trung Quốc, Uzbekistan rồi Hàn Quốc hồi tháng 10 là minh chứng. 

Vậy nên trận thua 2-4 mới đây trước Nhật Bản mang đến nhiều giá trị tinh thần với đội bóng của ông Troussier. Có những thời điểm Việt Nam ngược dòng ngoạn mục, dẫn trước, rồi ép sân đối thủ, cho thấy việc chơi tấn công trước đối thủ mạnh áp đảo không phải là chuyện bất khả thi.

Nhật không chơi hết sức

Nhưng người hâm mộ cũng nên tỉnh táo trước thành quả nhất thời này của tuyển Việt Nam. Trong bóng đá đỉnh cao ngày nay, việc những đội bóng kém hơn chơi tấn công, ghi bàn, làm nên bất ngờ trước các đội bóng lớn không phải chuyện quá hiếm hoi. Yếu tố đầu tiên đến từ việc các đội bóng lớn thường lơi chân ở những trận cầu thế này.

Đội hình đá chính của HLV Hajime Moriyasu nói lên điều đó. Ông đã cất các trụ cột Ritsu Doan, Takefusa Kubo, Ayase Ueda… trên ghế dự bị. 

Ở vị trí tiền đạo cắm, HLV Moriyasu chọn chân sút 22 tuổi Mao Hosoya - người đang chơi trong nước thay vì các ngôi sao lừng lẫy trở về từ châu Âu. Tất nhiên, với đội hình thiếu một số ngôi sao, Nhật Bản vẫn áp đảo Việt Nam, nhưng tâm thế thi đấu lúc này đã khác.

Việt Nam thể hiện sự tiến bộ qua nhiều thông số về mặt cầm bóng, dứt điểm, tranh chấp; trái lại Nhật Bản thụt lùi ở những thông số liên quan đến mức độ quyết liệt. Đơn cử so sánh trận đấu giữa Nhật và Đức ở loạt giao hữu cách đây 3 tháng. Trận đó tuyển Nhật gây sốc khi đè bẹp Đức 4-1, với diễn biến gần giống trận thắng Việt Nam (Nhật dẫn trước 1-0, Đức gỡ hòa, sau đó Nhật ghi liên tiếp 3 bàn).

Trước tuyển Đức hùng mạnh, các học trò HLV Moriyasu khi đó thực hiện tổng cộng 20 cú tắc bóng, trong khi con số tương ứng trong trận thắng Việt Nam chỉ là 12. Nếu so với lần Nhật thắng Đức 2-1 ở World Cup sự chênh lệch lại càng lớn hơn, khi các "samurai xanh" thực hiện tổng cộng 29 cú tắc bóng. Đó là một thông số quan trọng cho thấy mức độ quyết liệt của các cầu thủ trên sân.

Vì sao các cầu thủ Nhật không tắc bóng nhiều trước Việt Nam? Một phần vì đối thủ tấn công không đủ nhiều. Thêm nữa, ông Moriyasu không muốn quá mạo hiểm trong một trận cầu mà họ nhiều khả năng sẽ có 3 điểm. Thẻ phạt và chấn thương là điều Nhật Bản muốn tránh ở một giải đấu với họ sẽ rất dài hơi với cái đích cuối cùng là chức vô địch.

Bản đồ nhiệt của từng cầu thủ cũng cho thấy sự kém quyết liệt của các cầu thủ Nhật trước Việt Nam. Đơn cử như vị trí tiền đạo, Hosoya hầu như chỉ đứng trong vòng cấm địa. Trận gặp Đức, tiền đạo đá chính Daizen Maeda đã phải chạy khắp sân, với tần suất hiện diện ở phần sân nhà thậm chí nhiều hơn cả bên sân đối thủ.

Cuối cùng, cái cách các cầu thủ Việt Nam ghi bàn thực sự vượt ra ngoài mọi tính toán chiến thuật. Cú đánh đầu gỡ hòa của Nguyễn Đình Bắc là một tuyệt phẩm kết hợp giữa trí tưởng tượng của người dứt điểm, sai lầm từ đối thủ và cả may mắn. Thủ thành Zion Suzuki đã chọn sai vị trí ở tình huống này. Không lâu sau đó, anh lại cản phá không tốt để Tuấn Hải ghi bàn thứ hai.

Nhưng chung cuộc, Nhật Bản cũng chỉ mất đúng 15 phút để trấn áp cuộc "nổi dậy" từ phía Việt Nam. Việc họ ghi bàn gỡ hòa rồi tái lập thế dẫn trước quá nhanh sau đó cho thấy khoảng cách vẫn còn xa diệu vợi giữa hai nền bóng đá.

Thầy trò ông Troussier xứng đáng nhận lời khen vì dũng khí và sự kiên trì với lối bóng đá mới mẻ, nhưng họ cũng như người hâm mộ bóng đá Việt cần tỉnh táo. Thật khó để phân biệt rằng thua 2-4 hay thua 0-1, thua thế nào mới là tốt hơn.■

Indonesia cũng trả giá

Cặp đấu còn lại của lượt trận đầu tiên bảng D là Indonesia - Iraq cũng diễn ra theo kịch bản gần tương tự. Iraq mở tỉ số trước, nhưng Indonesia không bỏ cuộc, họ nhanh chóng gỡ hòa rồi tiếp tục chơi đôi công. Kết cục, Iraq có một hiệp 2 tưng bừng và ghi thêm 2 bàn nữa để ấn định chiến thắng 3-1. Lối chơi khá hồn nhiên của Indonesia mang lại những phút giây sảng khoái cho người hâm mộ, nhưng kết cục là họ thua 2 bàn cách biệt trước một đội bóng còn chưa được xếp vào hàng đại gia của châu Á. Tối thứ sáu (19-1), Việt Nam sẽ gặp Indonesia.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận