19/10/2015 06:30 GMT+7

Thị trường bóng đá bị hủy hoại

HỮU LỘC
HỮU LỘC

TT - Là một người am hiểu nội tình bóng đá Việt, tác giả khẳng định muốn có một nền bóng đá thị trường đúng nghĩa phải có những người quản trò thật sự chuyên nghiệp.

Trụ sở VFF gần như bị bỏ hoang - Ảnh: Nam Khánh
Trụ sở VFF gần như bị bỏ hoang - Ảnh: Nam Khánh

Tính đến nay, bóng đá VN đã có 15 năm khoác áo chuyên nghiệp. Nhớ lại những năm cuối thập niên 1990 sau khi bóng đá VN gặt hái quả ngọt đầu tiên là chiếc HCB SEA Games 1995, rồi tiếp sau đó tuy cũng đoạt huy chương ở Tiger Cup 1996, 1998; SEA Games 1997, 1999 nhưng với người hâm mộ, chừng ấy không đủ bởi ai cũng nói người Việt cực kỳ mê bóng đá, ai cũng biết tiềm lực của VN không kém... Do đó đặt mục tiêu phải trở thành số 1 trong lĩnh vực bóng đá cũng là điều bình thường.

“Có quá nhiều người làm bóng đá theo kiểu xem đó như một món trang sức

Di chứng nặng nề

Muốn thực hiện thành công mục tiêu ấy, khi đó ai cũng bảo điều tiên quyết là phải có tiền. Nhưng tiền ở đây chắc chắn không phải “ngửa cổ bú mãi bầu sữa ngân sách”. Vậy chỉ có một cách: phải xã hội hóa, là chuyên nghiệp hóa như các nước đã làm thành công.

Quả thật bước đầu đã thấy được sự chuyển mình. Doanh nghiệp (DN) nhảy vào đầu tư cho bóng đá. Đời sống của dân làm bóng đá khởi sắc thấy rõ. Đội tuyển quốc gia có HLV ngoại, đi tập huấn dài hạn tận bên tây chứ không còn cảnh ăn ngủ tập thể khổ cực ở Nhổn. Các đội bóng thuê mướn cầu thủ ngoại sang thi đấu nhằm giúp nâng cao trình độ cầu thủ Việt... Phải nói rằng những năm đầu của thập niên 2000 không khí bóng đá khá lạc quan.

Tạo được không khí ấy là nhờ các DN đi đầu trong việc đầu tư vào bóng đá như bầu Thắng, bầu Đức. Mặc dù chưa lấy bóng đá nuôi bóng đá được theo đúng chuẩn của bóng đá chuyên nghiệp, nhưng các ông bầu này xác định thời kỳ đầu sử dụng ngân sách quảng cáo của DN nuôi bóng đá và mục tiêu là khôi phục niềm tin, kéo khán giả trở lại.

Tuy nhiên bóng đá khởi sắc nhờ DN nhưng rồi cũng bát nháo từ DN. Đó là sau khi thấy bầu Đức, bầu Thắng gặt hái thành công lớn từ bóng đá, không ít doanh nhân cũng nhảy vào đầu tư bóng đá. Có điều làn sóng thứ hai này quá nhiều người làm bóng đá theo kiểu xem đó như một món trang sức, kiểu đại gia Y mua xe siêu sang thì mình cũng phải sắm xe siêu siêu sang!

Từ đó bóng đá đã phát triển quá nóng, dẫn đến việc tranh giành mua cầu thủ giỏi với bất cứ giá nào, sang tay các đội bóng liền tù tì. Chưa kể nhiều địa phương cũng sốt ruột khi thấy tỉnh bạn nổi đình đám nhờ có doanh nhân đầu tư bóng đá, không lẽ mình lại ngồi im. Thế là mới xuất hiện kiểu quan hệ đại gia đến đầu tư cho đội bóng tỉnh nhà, đổi lại là những ưu đãi về đất đai, chính sách.

Nhưng rồi địa ốc đóng băng, nhiều đại gia rớt đài và cơn sốt bóng đá qua đi vào những năm gần đây, để lại bóng đá một di chứng nặng nề.

Lỗi không thuộc về doanh nhân, mà thuộc về Liên đoàn Bóng đá VN (VFF), Tổng cục TDTT, Bộ VH-TT&DL - những người quản lý đã không đủ bản lĩnh, tài năng để điều khiển thị trường bóng đá. Chẳng hạn hàng loạt cuộc chuyển đổi, sang nhượng đội bóng chẳng giống ai so với các nước có nền bóng đá chuyên nghiệp thực thụ nhưng đã được thực hiện thoải mái tại VN.

Phải có thị trường đúng nghĩa

Thực trạng là thế, còn giải pháp phải như thế nào? Đã nói là chuyên nghiệp thì bóng đá phải có thị trường đúng nghĩa. Nghĩa là một đội bóng phải giống như một công ty sản xuất, mà hàng hóa đưa ra thị trường chính là bóng đá.

Một công ty khi tham gia thị trường muốn thành công phải sản xuất được hàng hóa chất lượng, có hình thức bắt mắt, tìm mọi cách phát triển thị phần. Tương tự, một DN bóng đá phải xây dựng được một đội bóng có chất lượng nhằm thu hút khán giả.

Đến giờ này, dường như chỉ mới có mỗi Hoàng Anh Gia Lai dám tuyên bố lần đầu tiên lãi được 5 tỉ đồng từ bóng đá nhờ vào việc thu hút lượng khán giả khổng lồ đến sân xem lứa Công Phượng. 14 đội bóng dự V-League nhưng chỉ mới một đội manh nha làm được điều đó, thế thì khoác áo chuyên nghiệp cho bóng đá Việt chỉ là hữu danh vô thực.

Vì vậy có một doanh nhân đề xuất với tôi thế này: bắt đầu từ mùa bóng 2016 nên đưa tiêu chí đo đếm khán giả đến sân trở thành yếu tố để đánh giá một đội bóng. Ví dụ, thu hút được 10.000 khán giả đến sân thì cộng thêm 1 điểm, 15.000 cộng thêm 2 điểm, 20.000 cộng thêm 3 điểm (số liệu dựa vào số vé bán ra, được kiểm soát từ tài chính, kiểm toán). Nghe có vẻ buồn cười nhưng rất đáng để suy nghĩ, bởi bóng đá mà không có khán giả là thứ bóng đá chết và càng không thể gọi là chuyên nghiệp.

Nhưng muốn xây dựng được nền bóng đá thị trường thật sự, cần thiết phải có những quản trò thật sự chuyên nghiệp, chính là VFF, Tổng cục TDTT và Bộ VH-TT&DL. Bộ ba này không thay đổi thì không thể có được sự chuyển mình tích cực cho bóng đá VN.

Lãng phí khi trụ sở VFF bỏ hoang

Ngôi nhà bảy tầng vốn là trụ sở cũ của VFF ở số 18 Lý Văn Phức, Hà Nội gần như là tòa nhà hoành tráng nhất con phố này. Nhưng cảnh tượng hiện nay của ngôi nhà này chỉ là những tấm kính vỡ vụn trên trần nhà, những mảng tường vôi vữa bị bong tróc, bụi bẩn, mạng nhện giăng đầy... Nằm ở trung tâm Hà Nội, trụ sở này của VFF đã bị bỏ hoang suốt hai năm qua dù giá thuê mặt bằng làm văn phòng ở Hà Nội được xếp vào loại đắt nhất cả nước.

Có mặt tại đây chiều 17-10, trước mặt chúng tôi, tòa nhà VFF cũ bị người dân biến thành nơi tập kết rác thải. Bức tường ngăn cách VFF với khu vực xung quanh không còn, những khoảng đất trống xung quanh tòa nhà vốn là sở hữu của VFF trước đây được người dân tận dụng làm bãi đỗ xe.

Ông Lưu Quang Lãm - chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Truyền thông bóng đá VN (VFM) - cho biết: “Năm 2011 VFM có hợp đồng thuê lại ngôi nhà này để khai thác kinh doanh. Giá thuê lúc đó tôi phải trả cho VFF đến vài trăm triệu đồng một tháng, khi nhận nhà tôi phải đầu tư đến vài tỉ đồng để sửa sang với mục đích cho thuê mặt bằng làm văn phòng. Tuy nhiên, tôi chỉ cho thuê được tầng 6 làm quán bar. Sau đó bị báo chí nói, quán bar phải đóng cửa. Các tầng bên dưới không cho thuê được vì ngõ Lý Văn Phức tuy to, nhưng dân hai bên kê hết bàn ra đường bán chân gà nướng nên lối vào tòa nhà rất hẹp. Hợp đồng của tôi với VFF kéo dài đến năm năm nhưng sau hai năm làm ăn không được, tôi đã thanh lý hợp đồng và trả lại tòa nhà cho VFF từ cuối năm 2013”.

Khi được hỏi về việc này, ông Lê Hoài Anh, tổng thư ký VFF, chỉ ậm ừ nói đến thời điểm này VFF chưa quyết định sẽ cho thuê tiếp hay làm gì với ngôi nhà này. Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Gụ - phó chủ tịch phụ trách truyền thông VFF - nói: “Trong cuộc họp thường trực VFF, tôi có được nghe là giao văn phòng VFF sửa sang để cho thuê lại tòa nhà này, nhưng đến giờ vẫn chưa thấy động tĩnh gì”.

KHƯƠNG XUÂN

VFF lỗ vốn?

Trong lần trả lời Tuổi Trẻ năm 2012, ông Lưu Quang Lãm cho rằng nếu ông thanh lý hợp đồng với VFF trước thời hạn hai năm, ông sẽ phải đền bù hợp đồng cho VFF 160.000 USD. Tuy nhiên hôm 17-10 khi hỏi lại, ông Lãm cho biết ông chỉ trả tiền thuê nhà đến khi thanh lý hợp đồng năm 2013. Một lãnh đạo VFF cho biết sau nhiều năm VFF chưa từng công bố số tiền thu về từ việc cho thuê tòa nhà này. Vị này nói: “Có nhiều thông tin nói VFF không thu được hoặc thu cũng chẳng đáng bao nhiêu sau hai năm cho VFM thuê nhà. Hai năm ở đó VFM đã xới tung tòa nhà này lên, giờ bỏ hoang nhà xuống cấp, muốn cho thuê lại cũng tốn tiền tỉ để sửa chữa”.

Tòa nhà này từng là trụ sở chính của VFF từ năm 2003 - 2010. Mảnh đất này trước kia là của Nhà nước do Ủy ban TDTT quản lý. Trong quá trình xã hội hóa bóng đá, Nhà nước đã giao toàn quyền sử dụng khu đất này cho VFF. Năm 2003, VFF đã xây tòa nhà bảy tầng trên diện tích 550m2 làm trụ sở của VFF với kinh phí 500.000 USD, trong đó một phần do Nhà nước cấp, 400.000 USD do FIFA hỗ trợ nằm trong dự án Goal Project 1.

Sau khi có trụ sở này, VFF lại xin Nhà nước cấp 7ha đất tại Mỹ Đình để xây dựng Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ với kinh phí lấy từ vốn đối ứng đến nay lên tới gần 100 tỉ đồng. Khi trung tâm này hoàn thiện, năm 2010 VFF đã di chuyển bộ máy từ tòa nhà 18 Lý Văn Phức ra trung tâm này.

HỮU LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: bóng đá Việt VFF