04/09/2010 04:30 GMT+7

Thêm hãng bay, nhiều lựa chọn

LÊ NAM
LÊ NAM

TT - Thị trường vận chuyển hàng không có thêm cạnh tranh khi từ tháng 10-2010, Hãng hàng không tư nhân Air Mekong, hàng không giá rẻ Jetstar Pacific Airlines (JPA), Vietnam Airlines (VNA) đưa thêm ít nhất năm máy bay mới vào hoạt động.

HJ66XNpj.jpgPhóng to
Hành khách sẽ có thêm lựa chọn khi Air Mekong cất cánh - Ảnh: L.N.

Thêm Air Mekong, đường bay Hà Nội - Phú Quốc, TP.HCM - Côn Đảo..., một số đường bay đến sân bay Liên Khương (Đà Lạt), Buôn Ma Thuột, Vinh... sẽ có thêm chuyến.

Giữa tháng 9 Air Mekong bán vé

Đại diện Hãng hàng không tư nhân Air Mekong xác nhận ngày 10-10 sẽ bay chuyến đầu tiên và bắt đầu bán vé vào giữa tháng 9-2010. Với bốn máy bay Bombadier 90 chỗ ngồi (76 chỗ hạng phổ thông, 14 chỗ hạng thương gia), tần suất dự kiến 20-30 chuyến bay/ngày, hãng hàng không mới này sẽ cung cấp vài ngàn chỗ/ngày.

Giám đốc thương mại Air Mekong Trương Thành Vũ cho biết hãng đã nộp kế hoạch bay lên Cục Hàng không và chờ cơ quan này phê duyệt để bắt đầu bán vé. Theo đó, hãng này sẽ phục vụ các đường bay từ TP.HCM và Hà Nội đến các sân bay ở Phú Quốc, Côn Đảo, Buôn Ma Thuột, Vinh, Nha Trang, Đà Nẵng, Hải Phòng.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực hàng không, lợi thế của hãng là sử dụng máy bay nhỏ có thể hạ cánh ở các sân bay có đường băng ngắn hơn 2.000m, mà lâu nay chỉ đón hai loại máy bay Fokker và ATR 72 của VNA.

Trong các đường bay nội địa của Air Mekong có đường bay thẳng Hà Nội - Phú Quốc (ngược lại), TP.HCM - Côn Đảo (ngược lại) sẽ rất khả quan, vì hiện nay chỉ có VNA và Hãng hàng không Vasco phục vụ đường bay này nên không đáp ứng nhu cầu của khách.

Khách từ phía Bắc muốn đi Phú Quốc đều phải trung chuyển ít nhất một chặng bay (đổi máy bay ở TP.HCM hoặc Cần Thơ), trong khi VNA đang phục vụ 11-12 chuyến bay/ngày từ Phú Quốc nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu. Do là hãng hàng không đầy đủ dịch vụ nên giá vé của hãng này sẽ cạnh tranh trực tiếp với các mức vé của VNA.

Trưởng ban vận tải hàng không Cục Hàng không VN Võ Huy Cường cho biết các thủ tục cấp chứng chỉ nhà khai thác (AOC) cho hãng hàng không này sẽ hoàn thành trong tháng 9-2010. Theo ông Cường, đây là lợi thế của Air Mekong so với hãng hàng không tư nhân đã ngưng hoạt động Indochina Airlines. Cho đến khi ngưng hoạt động, Indochina Airlines vẫn chọn hướng kinh doanh hoàn toàn bị động là thuê ướt - thuê cả đội bay, tiếp viên và bảo dưỡng kỹ thuật.

JPA, VNA thêm máy bay

Nhiều đường bay của VNA hiện không đáp ứng nhu cầu của khách là Đà Lạt - Hà Nội, Đà Lạt - Đà Nẵng, TP.HCM - Phú Quốc... Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Hoàng Sỹ Sơn kể nhiều người than phiền với ông khó mua vé máy bay chặng Hà Nội - Đà Lạt, mặc dù VNA đã nâng cấp máy bay có thêm nhiều ghế nhưng để có vé phải mua trước ít nhất 10-15 ngày.

Thừa nhận tình trạng quá tải này, phó tổng giám đốc VNA Trịnh Hồng Quang cho biết hai địa phương Đà Nẵng và Lâm Đồng đã đề nghị VNA tăng chuyến hoặc đổi máy bay lớn hơn để đáp ứng nhu cầu đang gia tăng, nhưng VNA không có đủ máy bay.

Theo ông Quang, hiện VNA tăng 60-70% tải trên các đường bay nhưng vẫn chưa đủ. VNA từng phải hủy bỏ kế hoạch cam kết hỗ trợ bán vé máy bay khuyến mãi (giảm 50-60% giá thông thường) cho các công ty du lịch, để khuyến khích du khách nội địa đi du lịch từ 1-7 đến 15-8 vì khách quá đông. Vì vậy, từ nay đến cuối năm dự kiến VNA nhận thêm một số máy bay mới để có thể tăng khả năng vận chuyển hành khách.

Theo kế hoạch, đến tháng 10-2010 Hãng hàng không giá rẻ Jetstar Pacific Airlines sẽ có thêm một máy bay Airbus A320 mới, nâng tổng số máy bay của hãng này lên bảy. Tùy tình hình JPA sẽ tăng tải trên từng chặng bay nội địa mà hãng này đang phục vụ.

Nhiều hãng mở đường bay đến VN

Cục Hàng không VN cho biết các hãng hàng không của Qatar Airways (Qatar), Turkish Airlines (Thổ Nhĩ Kỳ) và hàng không Ba Lan Polish Airlines đã được cấp phép mở đường bay mới đến TP.HCM và Hà Nội.

Theo đó Qatar Airways từ ngày 11-10 sẽ bắt đầu khai thác đường bay Hà Nội - Doha (thủ đô Qatar) với tần suất bốn chuyến/tuần (thứ hai, ba, sáu và bảy), quá cảnh ở Bangkok (Thái Lan) trước khi đến Doha. Cùng thời điểm Qatar Airways sẽ nâng tần suất đường bay TP.HCM - Doha từ bốn chuyến/tuần lên bảy chuyến/tuần (một chuyến/ngày). Trong đó, ba chuyến tăng thêm ở chặng TP.HCM vào các ngày thứ tư, năm và chủ nhật sẽ quá cảnh tại Bangkok (Thái Lan), bốn chuyến còn lại từ TP.HCM vẫn sẽ bay thẳng.

Trưởng đại diện Hãng hàng không Ba Lan Polish Airlines tại VN Krzysztof Kolodziej cho biết hãng này sẽ mở đường bay thẳng Hà Nội - Warsaw (Ba Lan) vào ngày 15-11 với tần suất ba chuyến/tuần vào các ngày thứ hai, tư và sáu. Chuyến bay từ Warsaw - Hà Nội vào các ngày thứ hai, tư, bảy.

Hãng hàng không quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ (Turkish Airlines) sẽ bắt đầu khai thác đường bay nối thủ đô Istanbul và TP.HCM quá cảnh Bangkok (Thái Lan) từ cuối tháng 12 với tần suất bốn chuyến/tuần (chiều thứ ba, năm, bảy và chủ nhật). Chuyến bay từ Tân Sơn Nhất (TP.HCM) đi Istanbul cũng xuất phát vào buổi tối cùng ngày. Theo Cục Hàng không VN, tính đến tháng 9-2010 đã có 44 hãng hàng không nước ngoài đang mở các đường bay đến TP.HCM và Hà Nội.

VietJet Air lỗi hẹn

Tháng 2-2010, Bộ Giao thông vận tải cấp phép (sửa đổi lần thứ nhất) cho Công ty CP hàng không VietJet (VietJet Air) và phê chuẩn thỏa thuận liên doanh giữa VietJet Air với Hãng hàng không AirAsia (đồng thời là cổ đông sáng lập của liên doanh mới với 30% vốn góp trong tổng số 600 tỉ đồng vốn của VietJet Air).

Theo kế hoạch, hãng hàng không mới với tên đăng ký VietJet AirAsia sẽ khai thác các chuyến bay nội địa đầu tiên trong tháng 8-2010. Hãng này đã đặt cọc 8 triệu USD thuê mua máy bay ở nước ngoài, chuẩn bị ký hợp đồng thuê khô (chỉ thuê máy bay) ba máy bay Airbus A320 để khai thác trong tháng 8-2010.

Tuy nhiên, trao đổi với Tuổi Trẻ, tổng giám đốc VietJet Air Nguyễn Đức Tâm cho biết Chính phủ không đồng ý với phương án khai thác hãng hàng không mới với tên VietJet Air Asia, vì thế kế hoạch bay của hãng này phải ngưng lại. VietJet Air, Air Asia đang phải tính toán lại phương án kinh doanh mới, vì Air Asia chỉ đầu tư khi họ được quyền sử dụng tên hiệu của mình, mặc dù theo ông Tâm, VietJet Air không phải trả tiền sử dụng thương hiệu này.

Theo ông Tâm, VietJet Air cần có sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật, máy bay, kinh nghiệm kinh doanh... của Air Asia chứ không chỉ đơn giản là vốn. Theo một quan chức Cục Hàng không VN, khả năng Air Asia tiếp tục tham gia liên doanh này là khó khả thi, vì Air Asia không muốn tiếp tục rót vốn khi họ không có tên trên logo của VietJet Air.

LÊ NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên