06/08/2017 11:26 GMT+7

Thể thao phải làm ra tiền

KHƯƠNG XUÂN
KHƯƠNG XUÂN

TT - Thay vì dựa gần như hoàn toàn vào ngân sách, thể thao cần phải kiếm ra tiền để giảm gánh nặng cho Nhà nước và có điều kiện phát triển. Các nguồn thu từ thị trường kinh doanh TDTT, đặt cược thể thao cần được dùng để tái đầu tư cho TDTT.

Chính phủ đã cho phép thí điểm kinh doanh đặt cược bóng đá quốc tế (các giải bóng đá nằm trong hệ thống thi đấu FIFA), nếu nguồn thu từ kinh doanh đặt cược thể thao táu đầu tư cho thể thao thì sẽ giúp thể thao VN phát triển. Trong ảnh: đội tuyển U-20 VN tham dự World Cup U-20 2017 ở Hàn Quốc. Ảnh: NAM KHÁNH
Chính phủ đã cho phép thí điểm kinh doanh đặt cược bóng đá quốc tế (các giải bóng đá nằm trong hệ thống thi đấu FIFA), nếu nguồn thu từ kinh doanh đặt cược thể thao táu đầu tư cho thể thao thì sẽ giúp thể thao VN phát triển. Trong ảnh: đội tuyển U-20 VN tham dự World Cup U-20 2017 ở Hàn Quốc. Ảnh: NAM KHÁNH

Đây là ý kiến của nhiều đại biểu đã góp ý trong các hội thảo tham vấn ý kiến chuyên gia về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TDTT do Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội tổ chức.

Kinh doanh để đầu tư cho thể thao

Luật TDTT được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 29-11-2006 và có hiệu lực từ ngày 1-7-2007. Dù đã giúp thể thao VN có bước phát triển đáng khích lệ nhưng sau 10 năm triển khai, Luật TDTT đã xuất hiện nhiều bất cập cần phải điều chỉnh. Để giải quyết những hạn chế này, Bộ VH-TT&DL đã xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TDTT.

Trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật TDTT đã nhận được nhiều góp ý của các nhà quản lý, chuyên gia thể thao. Ông Nguyễn Hồng Minh - nguyên vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao, Tổng cục TDTT - cho biết tỉ trọng đầu tư của Nhà nước cho TDTT trong 10 năm qua còn thấp. Cụ thể, hằng năm ngân sách nhà nước cấp khoảng 0,09 - 0,11% cho TDTT trong khi yêu cầu phát triển TDTT cần khoảng 1,5%.

Để giải quyết bài toán tài chính để phát triển TDTT, giáo sư Dương Nghiệp Chí - nguyên phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT - cho rằng thể thao phải kiếm ra tiền thay vì đi xin tiền như hiện nay. Ông Chí phân tích: “Phát triển TDTT và kinh doanh dịch vụ TDTT là nhóm điều khoản còn thiếu trong Luật TDTT 2006, tôi nghĩ cần được bổ sung trong lần sửa đổi này. Hiện nay ở VN có gần đủ loại thị trường TDTT, hàng chục ngàn cơ sở kinh doanh dịch vụ TDTT nhưng ngành thể thao không coi đây là thành phần quan trọng của ngành.

Các cơ sở kinh doanh dịch vụ TDTT vẫn đang nộp thuế cho Nhà nước nhưng ngành thể thao chưa đề nghị Nhà nước coi đây là số thu của ngành nộp ngân sách nhà nước. Tôi đề nghị bổ sung việc xây dựng và phát triển thị trường TDTT, kinh doanh dịch vụ TDTT vào Luật TDTT để tăng ngân sách như: kinh doanh trang thiết bị TDTT, dịch vụ tập luyện TDTT, truyền thông TDTT, tư vấn TDTT, thí điểm tổ chức đặt cược TDTT...”.

Theo nghiên cứu của ông Chí, ngành thể thao ở Mỹ đóng góp 3,2% GDP quốc gia, ở Trung Quốc là 1,28% GDP. Riêng ở VN thể thao gần như vẫn là ngành được bao cấp, sống dựa vào ngân sách nhà nước. Vì vậy, thể thao không thể đủ nguồn lực để phát triển nếu không tự mình kiếm ra tiền. Do đó, các nguồn thu từ hoạt động kinh doanh TDTT, đặc biệt là đặt cược thể thao, phải được cụ thể hóa trong Luật TDTT là trích lại bao nhiêu phần trăm để tái đầu tư cho lĩnh vực TDTT.

Chấm dứt “hành chính hóa” các liên đoàn, hiệp hội

Bên cạnh đó là vai trò mờ nhạt của Ủy ban Olympic VN (VOC) và các tổ chức xã hội - nghề nghiệp về thể thao. Luật TDTT quy định VOC hoạt động tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, nhân sự, tài chính theo quy định của pháp luật. Các liên đoàn thể thao quốc gia là tổ chức xã hội - nghề nghiệp về một môn, một số môn thể thao và hoạt động tự chủ.

Tuy nhiên nhiều năm qua, thực tế cho thấy VOC và bộ máy các liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc gia thực chất là “cánh tay nối dài” của cơ quan quản lý nhà nước về TDTT. Gần như toàn bộ bộ máy nhân sự của VOC, các liên đoàn và hiệp hội thể thao quốc gia là người từ Bộ VH-TT&DL, Tổng cục TDTT chuyển sang hoặc kiêm nhiệm.

Ông Nguyễn Hồng Minh cho rằng: “Bộ VH-TT&DL tồn tại tư duy “bao cấp”, sợ mất quyền quản lý nên luôn thắt chặt quản lý các liên đoàn, hiệp hội. Thậm chí cơ quan quản lý nhà nước còn can thiệp vào việc sắp xếp nhân sự chủ chốt vào bộ máy tổ chức của các liên đoàn, hiệp hội, VOC.

Bộ VH-TT&DL không thực hiện việc xây dựng lộ trình chuyển giao các hoạt động sự nghiệp cho các liên đoàn, hiệp hội và đây là nguyên nhân cơ bản làm chậm quá trình xã hội hóa thể thao. Ngoài ra, khả năng tài chính yếu kém khiến VOC, liên đoàn, hiệp hội thực tế chỉ là “cái bóng” của cơ quan quản lý nhà nước”.

Dự kiến dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TDTT sẽ được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp tháng 10 tới.

Phải dành đất đai cho TDTT

Dù TDTT từ lâu được đánh giá là yếu tố vô cùng quan trọng để duy trì sức khỏe, phát triển thể lực, tầm vóc con người... nhưng nhiều năm qua, việc đầu tư cho lĩnh vực TDTT ở VN còn tương đối hạn chế, đặc biệt là quỹ đất, cơ sở vật chất cho TDTT từ trường học.

Vì vậy, trong lần sửa đổi Luật TDTT này, Bộ VH-TT&DL bổ sung yêu cầu phải dành đất đai, cơ sở vật chất cho thể thao. Theo đó, khoản 3a điều 11 có nội dung: “UBND các cấp có trách nhiệm đảm bảo nguồn lực để xây dựng các công trình thể thao công cộng tại địa phương...”. Theo đó, mỗi quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh phải có ít nhất 3 công trình thể thao là sân vận động, nhà tập TDTT, bể bơi.

“Thể thao không thể đủ nguồn lực để phát triển nếu không tự mình kiếm ra tiền. Vì vậy, các nguồn thu từ hoạt động kinh doanh TDTT, đặc biệt là đặt cược thể thao, phải được cụ thể hóa trong Luật TDTT là trích lại bao nhiêu phần trăm để tái đầu tư cho TDTT

Giáo sư Dương Nghiệp Chí

 
KHƯƠNG XUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: thể thao VN ra tiền