23/12/2018 17:37 GMT+7

Thể thao hòa nhập tiếp thêm niềm tin của mẹ con tôi vào cuộc sống

Bình Nhi
Bình Nhi

TTO - Một ngày giữa tháng 12, chị đưa con đến Trung tâm Thể thao và văn hóa Tân Bình để tham gia một chương trình có tên gọi Thể thao hòa nhập. Ở đó, những đứa trẻ thiểu năng trí tuệ như con chị được bơi, được chơi, được thi đấu...

Thể thao hòa nhập tiếp thêm niềm tin của mẹ con tôi vào cuộc sống - Ảnh 1.

Hoạt động tại Trung tâm Thể thao và văn hóa Tân Bình - Ảnh: CTV

Thể thao hòa nhập là một thuật ngữ dành cho sân chơi thể thao dành cho người thiểu năng trí tuệ. Khi con ra đời, nhìn theo sự trưởng thành của con, chị đã nhận thấy những dấu hiệu bất thường. 

Khi lên bảy, thay vì tung tăng đến trường như những đứa trẻ khác, con chị hàng ngày phải lần mò học cách nhai thức ăn, cách cầm đũa…, những hoạt động tưởng chừng rất bình thường với một đứa trẻ, nhưng với mẹ con chị thực sự là cuộc chiến trường kỳ chan đầy mồ hôi và nước mắt.

Thể thao hòa nhập tiếp thêm niềm tin của mẹ con tôi vào cuộc sống - Ảnh 2.

Niềm vui của những vận động viên tham gia thi đấu - Ảnh: CTV

Giữa những lúc tuyệt vọng nhất, chị chợt nghĩ đến thể thao. Thể thao ngoài việc giúp con trẻ rèn luyện thể chất, trở nên năng động, khỏe mạnh hơn, tự tin kết nối hơn, còn giúp cả gia đình thoát ra khỏi bốn bức tường chật vật khổ sở. 

Không chỉ đưa con đi chơi thể thao, chị còn cho con tham gia vào các chương trình đào tạo vận động viên thiểu năng trí tuệ nòng cốt, trang bị cho trẻ những kiến thức và kỹ năng mềm cần thiết để có thể tự tin thể hiện mình cũng như có những đóng góp tích cực cho xã hội.

Thể thao hòa nhập tiếp thêm niềm tin của mẹ con tôi vào cuộc sống - Ảnh 3.

Tinh thần đoàn kết, sẻ chia tại chương trình Thể thao hòa nhập - Ảnh: CTV

Thể thao hòa nhập tiếp thêm niềm tin của mẹ con tôi vào cuộc sống - Ảnh 4.

Thể thao giúp trẻ rèn luyện sức khỏe và năng động, tự tin hơn - Ảnh: CTV

Kết quả của những ngày "đưa nhau đi khắp thế gian" của hai mẹ con là đứa con bé bỏng của chị đã trở thành vận động viên điền kinh và bocce (bóng gỗ), được Tổ chức Special Olympics và mạnh thường quân Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ FWD Việt Nam lựa chọn vào đội ngũ 30 vận động viên thiểu năng trí tuệ được đào tạo trong vòng 3 năm.

Thể thao hòa nhập tiếp thêm niềm tin của mẹ con tôi vào cuộc sống - Ảnh 5.

Niềm say mê thi đấu của các VĐV - Ảnh: CTV

Chị đứng ở hàng ghế khán giả, rưng rưng nước mắt nhìn con thi đấu. Đại diện tổ chức Special Olympics Việt Nam nói rằng thể thao là sợi dây kỳ diệu kết nối mọi người. Việc kết bạn và cùng nhau vui chơi rất quan trọng và có ý nghĩa với người thiểu năng trí tuệ và đó cũng chính là thông điệp của chương trình "Chơi hòa nhập - Sống hòa nhập".

Sự động viên và chia sẻ của cộng đồng sẽ giúp các vận động viên tự tin hơn trong các hoạt động thể thao cũng như trong cuộc sống, để các em cùng trải qua những giây phút thăng hoa hết mình với thể thao, cùng chia sẻ tình yêu qua các các trò chơi vận động, cùng tận hưởng những giây phút vui vẻ, cùng bỏ lại sau lưng các lo lắng rụt rè để thể hiện hết khả năng của mình.

Chị biết chặng đường sắp tới mà tổ chức Special Olympics hay Công ty Bảo hiểm FWD Việt Nam sẽ gặp không ít chông gai vì những học viên "trái tính trái nết". Tuy nhiên, nếu như có sự đồng hành của họ cũng như của nhiều mạnh thường quân khác, những người mẹ như chị cùng với xã hội có thể cùng nhau tạo nên một làn sóng hòa nhập đầy năng lượng, tạo niềm vui cho các em trong quá trình rèn luyện thể thao.

Thể thao hòa nhập tiếp thêm niềm tin của mẹ con tôi vào cuộc sống - Ảnh 6.

Trao giải cho các vận động viên đoạt giải - Ảnh: CTV

"Lúc nào tôi cũng mong mỏi cộng đồng có thể nhìn những trẻ em thiểu năng trí tuệ bằng ánh mắt bình thường - ánh mắt của sự tôn trọng, để xã hội không còn những định kiến, những kỳ thị, thay vào đó chỉ còn sự chia sẻ, cảm thông, yêu thương… dành những số phận kém may mắn ngay từ khi mới chào đời", chị rưng rưng nói.

Bình Nhi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên