07/03/2016 11:01 GMT+7

Thầy Nigeria dạy bóng đá miễn phí

THÁI THỊNH
THÁI THỊNH

TT - Đều đặn những buổi trưa tháng 2 nắng như đổ lửa, trên sân vận động Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), nhiều người dân thấy hình ảnh một người đàn ông nước ngoài da đen với bộ quần áo thể thao chạy khởi động trên sân và chuẩn bị các dụng cụ tập luyện cho cầu thủ.

Anh Iliya BuBa dạy các cầu thủ trẻ đá bóng - Ảnh: Thái Thịnh
Anh Iliya BuBa dạy các cầu thủ trẻ đá bóng - Ảnh: Thái Thịnh

“Một HLV nước ngoài làm việc hết mình vì sự đam mê cống hiến cho bóng đá Việt Nam như anh BuBa thật sự hiếm và đáng trân trọng

Võ Thành Danh (giám đốc Trung tâm huấn luyện thể thao Đắk Lắk)

Anh là Iliya BuBa (33 tuổi, quốc tịch Nigeria), HLV thể lực kiêm kỹ thuật cho các cầu thủ U-17 CLB bóng đá Đắk Lắk trong gần một năm nay. Và điều đặc biệt hơn, tất cả những việc anh làm đều hoàn toàn tự nguyện, xuất phát từ tình yêu bóng đá.

Thích bóng đá, con người Việt Nam

Đúng 14g, các cầu thủ trẻ của U-17 CLB bóng đá Đắk Lắk có mặt xếp thành hai hàng và chạy khởi động trong sân dưới sự chỉ đạo của HLV BuBa cùng hai trợ lý người Việt. Buổi tập vừa bắt đầu được năm phút, ở phía xa xuất hiện một cầu thủ đi muộn hớt hải chạy tới, HLV BuBa mặt nghiêm khắc nói to bằng tiếng Việt: “Sơn, đi muộn, nhảy cóc một vòng quanh sân”. Sơn ngoan ngoãn làm theo trong khi cả đội nhìn mỉm cười trêu chọc nhưng không dám cười to vì sợ HLV BuBa thấy được.

Trong buổi tập, anh cho các cầu thủ thực hiện các bài tập như lừa bóng qua chướng ngại vật, phối hợp 1 - 1, di chuyển đội hình... theo giáo án soạn sẵn. Chăm chú theo dõi và chỉ đạo, HLV BuBa khen ngợi học trò thực hiện tốt. Ngược lại, nếu thấy cầu thủ nào lười nhác hay tập cẩu thả, anh lập tức áp dụng các hình phạt lộn người, chạy hay nhảy lò cò quanh sân.

Nguyễn Phi Hà - cầu thủ của đội U-17 CLB bóng đá Đắk Lắk - tươi cười chia sẻ với sự ngưỡng mộ khi được hỏi về người thầy của mình: “Thầy BuBa là người nghiêm khắc và luôn tạo điều kiện cho tất cả cầu thủ thể hiện mình. Thầy rất đúng giờ và rất ghét sự chậm chạp. Cứ 2g chiều khi đội bắt đầu tập thì 1g30 thầy có mặt và luôn là người rời sân cuối cùng sau khi buổi tập kết thúc”.

Không chỉ trên sân tập, HLV BuBa còn quan tâm tới việc ăn ở, sinh hoạt của cầu thủ. Vào ban đêm, anh thường tới trung tâm vào chỗ ở của các cầu thủ để xem phòng nào bẩn, vứt rác bừa bãi thì nhắc nhở, có khi anh còn thay cầu thủ cầm chổi quét dọn sạch sẽ.

“Ngoài sân tập, thầy BuBa sống rất tình cảm và quan tâm tới cầu thủ. Những lúc cầu thủ đau ốm, thầy thường tới thăm hỏi mỗi ngày và mua thuốc chữa trị. Thứ bảy và chủ nhật thầy thường dẫn bọn em đi bơi, xem đá banh” - Hà Anh Sơn, một cầu thủ của đội trẻ U-17, nói thêm.

Rào cản lớn nhất của HLV BuBa đó là ngôn ngữ. Để khắc phục điều này, anh cùng một người bạn đã tổ chức một lớp học vào tối thứ bảy hằng tuần để dạy thêm tiếng Anh cho các cầu thủ. Anh tập trung dạy những từ ngữ về chuyên môn bóng đá, để trên sân tập các cầu thủ có thể hiểu và thực hiện được những gì anh nói.

Khi chúng tôi hỏi có lý do nào đặc biệt khiến anh dành nhiều công sức và tâm huyết như vậy cho bóng đá Đắk Lắk? Anh cười, lấy bàn tay phải đặt lên trái tim rồi nói: “BuBa thích công việc, bóng đá, con người Việt Nam và sẽ làm hết mình vì điều đó”.

Lấy vợ, ở lại Việt Nam dạy đá bóng miễn phí

BuBa từng thi đấu cho một số CLB tại Giải vô địch quốc gia Nigeria. Năm 2005, anh đến Việt Nam thi đấu cho CLB bóng đá Tây Ninh, rồi Nam Định. Trong một lần đi thi đấu cùng CLB ở TP Nha Trang (Khánh Hòa), anh đã gặp và kết duyên vợ chồng với chị Nguyễn Nhất Đan Thanh - một cô gái quê ở Đắk Lắk. Năm 2013, trong lúc đang thi đấu anh dính chấn thương nặng, phải chấm dứt sự nghiệp. Dù không còn chơi bóng chuyên nghiệp nhưng ngọn lửa đam mê với trái bóng tròn ngày đêm vẫn cháy trong tim người đàn ông này. Anh đã chọn quê hương của vợ làm nơi định cư và mua căn nhà ở gần Trung tâm huấn luyện thể thao Đắk Lắk để tiện theo dõi các hoạt động thể thao.

Tình cờ theo dõi các cầu thủ U-15 CLB bóng đá Đắk Lắk thi đấu, anh đã ấn tượng. “Các em nhỏ ở đây thi đấu máu lửa, mạnh mẽ, đá hết mình, có nét gì đó giống tôi hồi trẻ nên tôi rất thích và muốn tập luyện cùng” - anh BuBa nói. Năm 2013, BuBa quyết định quay trở về Nigeria để học thêm chuyên môn huấn luyện. Sau khi có được tấm bằng B HLV của AFC (LĐBĐ châu Á), anh trở lại Đắk Lắk và đề xuất được huấn luyện tự nguyện cho các cầu thủ trẻ U-17 CLB bóng đá Đắk Lắk.

Khi nói về bóng đá Đắk Lắk, anh BuBa chia sẻ, các cầu thủ trẻ ở đây có kỹ thuật, tư duy chiến thuật tốt. Tuy nhiên, điều làm anh không hài lòng là các em chưa có được sự tự tin với bản thân, nghĩ là mình không thể chiến thắng khi thi đấu với các đội ngoài tỉnh hoặc nước ngoài. Ngoài ra, cơ sở vật chất còn thiếu thốn và đội bóng chưa có nhà tài trợ. “Sắp tới đây tôi sẽ xin trung tâm làm thư ngỏ để đi mời các doanh nghiệp lớn ở Đắk Lắk tài trợ cho các cầu thủ U-15 thi đấu ở giải vô địch quốc gia Việt Nam” - HLV BuBa nói.

Ngôi nhà nhỏ của BuBa

Vợ chồng anh Iliya BuBa hiện sinh sống tại một căn hộ chung cư ở TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) cùng con gái BuBa Nguyễn Bless gần 2 tuổi. Chị Nguyễn Nhất Đan Thanh chia sẻ: “Tôi chưa thấy ai đam mê bóng đá như anh BuBa. Anh làm việc không công, còn bỏ cả tiền túi mua sách vở, dụng cụ tập luyện cho cầu thủ. Ban đầu thấy cũng bất công, nhưng sau thấy không có cách gì để bắt anh ấy từ bỏ được nên gia đình cũng ủng hộ”.

Cũng theo chị Thanh, trong cuộc sống gia đình, anh BuBa là người rất hiền và hài hước. “Lúc hai vợ chồng cãi nhau thì không quá hai phút anh ấy luôn là người xin lỗi trước” - chị Thanh kể. Ngoài việc làm HLV bóng đá, anh BuBa còn làm nghề buôn bán, nhập khẩu quần áo từ nước ngoài về Việt Nam.

THÁI THỊNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên