12/05/2020 08:56 GMT+7

Thay người trong bóng đá: Hành trình từ 0 đến 5

HUY ĐĂNG
HUY ĐĂNG

TTO - Hầu hết người hâm mộ đều tán thành khi Hiệp hội Bóng đá Anh (FA) đưa ra đề xuất về việc cho phép thay 5 người trong một trận đấu lên FIFA, bởi đó là một thay đổi được cho là phù hợp trong thời điểm đại dịch.

Thay người trong bóng đá: Hành trình từ 0 đến 5 - Ảnh 1.

Thủ thành Bert Trautmann thi đấu trong trạng thái chấn thương cổ nghiêm trọng hồi năm 1956 - Ảnh: Daily Star

Nhiều khả năng đề xuất trên sẽ sớm được thông qua, bởi những cơ quan đầu não bóng đá thế giới ngày nay luôn nhạy bén với những thay đổi phù hợp, điều mà 50 năm trước gần như không hề có. Ít ai biết được rằng giới bóng đá đã phải trải qua một cuộc tranh đấu kéo dài cả thế kỷ cho đề xuất thay người.

Quyền thay người xuất hiện từ những năm cuối thế kỷ 19 trong các trận đấu không chính thức. Ai cũng nhận thấy nhu cầu rõ rệt về việc phải thay người khi có cầu thủ bị chấn thương hoặc kiệt sức. Nhưng ở bình diện quốc tế, những người điều hành bóng đá kiên quyết nói không với chuyện này dù biết đó là điều cần thiết. Ngay cả người hâm mộ ở 60-70 năm trước cũng ủng hộ việc không cho thay người giữa trận vì muốn giữ nguyên vẹn vẻ hấp dẫn nguyên thủy của bóng đá.

Và sự ngoan cố đó dẫn đến một tình cảnh trớ trêu khi suốt một thời gian dài, các đội bóng đối mặt với may rủi mất cầu thủ giữa trận vì chấn thương. Để đội nhà không bị liên lụy, nhiều cầu thủ đã thể hiện tinh thần thi đấu quả cảm đến đáng sợ.

Năm 1956, thủ thành Bert Trautmann (Manchester City) dính chấn thương nặng ở cổ vào phút 75 trận chung kết Cúp FA gặp Birmingham. Nhưng do vị trí thủ môn quá đặc biệt nên ông quyết định không rời sân, chiến đấu kiên cường suốt 15 phút cuối cùng để giúp đội nhà bảo vệ chiến thắng.

Trên bục trao huy chương, hoàng tử Philip nói với Trautmann cổ của ông đã bị vẹo. Vài ngày sau đó, kết quả chụp phim ở bệnh viện cho thấy Trautmann bị gãy 5 đốt sống cổ. Và với chiếc đốt sống thứ hai bị gãy lìa, Trautmann đã tiến rất gần đến việc mất mạng ngay trên sân bóng.

9 năm sau đó lại có một câu chuyện tương tự cũng ở chung kết Cúp FA. Hậu vệ Gerry Byrne (Liverpool) gãy xương đòn ngay từ phút thứ 3 của trận đấu, và ông cắn răng thi đấu đến tận hiệp phụ, để rồi kiến tạo bàn thắng quyết định cho đội nhà.

Byrne không chỉ mang về chiến thắng cho Liverpool, mà còn đặt dấu kết thúc cho một kỷ nguyên bóng đá thiếu tính nhân văn. Dưới vô vàn chỉ trích, bóng đá Anh quyết định áp dụng luật cho thay người vào mùa giải tiếp theo. Dù vậy, mỗi trận đấu chỉ có đúng một người được thay với điều kiện phải dính... chấn thương.

Ở bình diện quốc tế, vòng loại World Cup 1954 đánh dấu lần đầu tiên việc thay người trong các trận đấu chính thức được cho phép và World Cup 1970 là giải đấu lớn đầu tiên áp dụng luật thay người. Trong hơn 20 năm sau đó, luật ngày càng được nới rộng và đến năm 1995 thì FIFA thống nhất về con số ba lần thay người trong một trận đấu.

Trong thời buổi của truyền thông đại chúng ngày nay, bóng đá ngày càng mang tính nhân bản. Trái với thái độ bảo thủ ở những thập niên 1950-1960, FIFA và các tổ chức giải đấu ngày nay liên tục đưa ra những thay đổi để đảm bảo cho sức khỏe cầu thủ. Năm 2015, FIFA chính thức áp dụng luật cho phép hai đội có thể sử dụng quyền thay người thứ tư nếu trận đấu bước vào hiệp phụ. Và giờ đây là tăng hẳn số lần thay người lên 5 (nếu bước vào hiệp phụ sẽ được thay người thứ sáu).

Khi Bert Trautmann gắng gượng thi đấu với cái cổ gãy nhiều đốt sống, còn Gerry Byrne cắn răng bứt tốc với đôi vai đau buốt, họ đã mở đầu cho một cuộc chiến không ngừng trong bộ luật của FIFA: điều khoản về việc thay người trong một trận đấu.

LĐBĐ VN chưa nhận được thông báo từ FIFA

Nguồn tin từ ban điều hành V-League cho biết trong tuần này, HĐQT Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp VN (VPF) sẽ nhóm họp để trao đổi nhiều vấn đề khi bóng đá được phép tổ chức thi đấu trở lại. Trong cuộc họp sẽ thảo luận về việc áp dụng quy định tăng số lượng cầu thủ thay thế từ 3 lên 5 trong một trận đấu.

Trao đổi cùng Tuổi Trẻ, trưởng ban trọng tài quốc gia Dương Văn Hiền nói: "Đây là đề xuất chính đáng, bởi cầu thủ bị ảnh hưởng rất nhiều về thể lực sau 2 tháng ngưng thi đấu. Tuy nhiên, dù mỗi đội được phép thay 5 người/trận nhưng phải gói gọn trong 3 lần thay nhằm hạn chế việc kéo dài thời gian chết trên sân.

Đến thời điểm này, LĐBĐ VN chưa nhận được thông báo từ FIFA hướng dẫn thực hiện quy định mới. Do đó chưa thể nói rằng đến khi nào thì các giải bóng đá ở VN sẽ áp dụng quy định mới về việc thay người từ 3 lên 5 cầu thủ/trận...".

S.H.

Giám đốc kỹ thuật của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam: Ông là ai? Giám đốc kỹ thuật của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam: Ông là ai?

TTO - Đây là câu hỏi đặt ra sau hai đời giám đốc kỹ thuật không để lại quá nhiều ấn tượng (ông Rainer và Gede) và trước cuộc tuyển chọn giám đốc kỹ thuật mới của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF).

HUY ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: thay người