30/11/2012 07:54 GMT+7

Thay đổi thế giới một cách tích cực

ĐÔNG PHƯƠNG - CẢNH TOÀN
ĐÔNG PHƯƠNG - CẢNH TOÀN

TT - Báo Christian Science Monitor, trong một chuyên đề về những cách làm từ thiện mới, đã viết: Bằng cách này, các nhà từ thiện đang thay đổi thế giới một cách tích cực theo cách của chính họ.

1zlaosvg.jpgPhóng to

Dự án tặng xe đạp của Tổ chức từ thiện Mỹ World Bicycle Relief đã giúp đỡ hàng trăm ngàn người dân châu Phi - Ảnh: Spark.org.vn

1 Cuộc sống của anh nông dân Cecil Hamkambe ở vùng quê Zambia (châu Phi) đã thay đổi đáng kể từ khi được Tổ chức từ thiện Mỹ World Bicycle Relief trao tặng một chiếc xe đạp thồ. Có lẽ khó ai có thể tưởng tượng một chiếc xe đạp lại thay đổi hoàn toàn cuộc đời một con người nhiều đến thế. Hamkambe bán được gấp đôi lượng sữa so với trước kia dù con bò nhà anh vẫn cho sữa như trước, khoảng cách từ nhà anh đến siêu thị cũng chẳng thay đổi. Chỉ một điều khác biệt đơn giản: thay vì phải vác trên lưng các bình sữa nặng trịch, anh có thể chạy bon bon trên đường bằng chiếc xe đạp mới. Nếu trước kia Hamkambe vận chuyển 7-10 lít sữa/ngày đến siêu thị làm lạnh, hiện anh đã có thể kịp thời đưa 15-20 lít sữa đến các trạm làm lạnh trước khi chúng bắt đầu ôi thiu.

Chỉ một việc làm đơn giản là tài trợ xe đạp để giúp người nông dân nghèo thuận lợi trong công việc, Tổ chức World Bicycle Relief do nhà hảo tâm F.K.Day sáng lập đã tạo ra phương tiện lao động cho hàng trăm ngàn nông dân nghèo khổ tại 11 quốc gia ở châu Phi. Từ năm 2005, tổ chức của ông đã vận động được hơn 13,5 triệu USD, phát miễn phí 116.000 xe đạp, đào tạo hơn 800 thợ sửa xe. “Không có món quà nào tuyệt vời hơn việc bạn có thể giúp một cộng đồng tạo ra động lực kinh tế. Một cuộc cách mạng công nghiệp ở cấp độ cá nhân có thể thúc đẩy năng suất, giúp đỡ gia đình và cả cộng đồng của họ” - ông Day nói.

2 Giải thưởng WISE 2012, được ví như giải Nobel giáo dục, đã được trao cho tiến sĩ Madhav Chavan - chủ tịch Tổ chức phi chính phủ Pratham, do công lao xóa mù chữ cho hơn 34 triệu trẻ em nghèo Ấn Độ.

N1LEO7yN.jpgPhóng to

Tiến sĩ Madhav Chavan và các trẻ em trong một lớp học của Pratham - Ảnh: wise - qatar

WISE là một trong những giải thưởng quốc tế lớn nhất về giáo dục do Qatar khởi xướng vào năm 2010, người đoạt giải sẽ nhận tiền thưởng 500.000 USD và một huân chương vàng.

Năm 1989 khi còn là một giảng viên hóa học trẻ tuổi của Đại học Mumbai, trong cuộc trò chuyện với Bộ trưởng giáo dục Anil Bordia, Chavan đã ngộ ra một chân lý: “Nói về cách mạng xã hội và công bằng xã hội bằng apphich và tờ rơi thì nghe hay lắm, nhưng anh cần phải biết là những người mà anh đang nói tới thậm chí còn không biết đọc và biết viết”.

“Sau đó tôi bắt đầu đứng lớp dạy học cho vài người lớn ở khu ổ chuột gần nhà mình” - Chavan sau này cho biết ông đã nhận ra cách mạng xã hội ở Ấn Độ phụ thuộc lớn vào trình độ hiểu biết của dân chúng. “Tôi có những người bạn đấu tranh vì quyền phụ nữ hoặc phổ cập khoa học. Và tôi nói với họ rằng chúng ta không thể làm được gì nếu người dân mù chữ”.

“Cũng giống như con người sống là phải hít thở khí trời, phải uống nước, phải ăn mỗi ngày, ai cũng cần được đến trường học tập” - tiến sĩ Madhav Chavan nói. Nhưng bằng cách nào?

Năm 1994, ông thành lập Tổ chức Pratham cho những trẻ em độ tuổi mầm non tại Mumbai. Để làm việc này, Pratham tìm kiếm những thiếu nữ ở các khu ổ chuột có khiếu trông trẻ, cung cấp cho các cô một số kỹ năng, đồ chơi và vật dụng cần thiết. Những “giáo viên không chuyên” này sau khi được huấn luyện có thể đứng lớp tại bất kỳ đâu: dưới những tán cây, trên vỉa hè hay khoảng đất trống trong làng. Ông Chavan gọi đây là điều “đơn giản nhất thế giới”. Với phương pháp này, đến nay Pratham đã xóa mù chữ cho hàng chục triệu trẻ em nghèo ở Ấn Độ không thể đến trường.

Khi ra đời, Pratham chỉ có kinh phí hoạt động 5.500 USD, nay đã nhận được sự đóng góp của nhiều doanh nghiệp. Mô hình này lan rộng ra nhiều nơi của Ấn Độ như Delhi, Bangalore, Ahmedabad, Jaipur, Lucknow, Pune... Văn phòng của ông Chavan chỉ là một ngôi nhà nhỏ tại Mumbai, diện tích khá khiêm tốn, nhưng ông hiếm khi ở đây quá vài ngày mà dành thời gian đi khắp Ấn Độ tìm kiếm những ý tưởng mới. Ông Chavan đặc biệt yêu thích một câu nói của Lão Tử: “Đối với những lãnh đạo xuất chúng, người dân không nhận ra sự tồn tại của họ. Khi nhiệm vụ của lãnh đạo được hoàn thành thì người dân nói rằng: Chúng ta đã tự làm điều đó”.

ĐÔNG PHƯƠNG - CẢNH TOÀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên