26/09/2015 09:27 GMT+7

Thận trọng trong sắp xếp lại báo chí

MINH QUANG (huytq@tuoitre.com.vn)
MINH QUANG (huytq@tuoitre.com.vn)

TT - Không còn cơ quan báo chí thuộc cấp sở, 70% chương trình truyền hình phải sản xuất trong nước, không tư nhân hóa báo chí - là những điểm đáng chú ý trong quy hoạch báo chí vừa được thông qua

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son (bìa phải) trao đổi với các đại biểu bên lề hội nghị phổ biến nội dung cơ bản của đề án Quy hoạch phát triển  và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 - Ảnh: Minh Quang
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son (bìa phải) trao đổi với các đại biểu bên lề hội nghị phổ biến nội dung cơ bản của đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 - Ảnh: Minh Quang

Sáng 25-9, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị phổ biến nội dung cơ bản của đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 (gọi tắt là Quy hoạch báo chí).

Bộ trưởng Bộ Thông tin - truyền thông (TT-TT) Nguyễn Bắc Son cho rằng: việc thực hiện quy hoạch báo chí là việc lớn, cấp bách, phức tạp, nhạy cảm, có ảnh hưởng, tác động đến nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị, đối tượng... nên phải triển khai thận trọng, từng bước, theo lộ trình.

Sẽ không còn cơ quan báo chí thuộc cấp sở

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT-TT Trương Minh Tuấn đã công bố những nội dung cơ bản của Quy hoạch báo chí; quan điểm, mục tiêu và định hướng Quy hoạch báo chí.

Theo đó, mỗi cơ quan báo in có thể có nhiều ấn phẩm gồm một ấn phẩm chính và nhiều ấn phẩm phụ. Sẽ không còn cơ quan báo chí thuộc sở, ngành.

Tại địa phương, cơ quan chủ quản trực tiếp là Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc trung ương; ở cấp trung ương là bộ, ngành (trừ các quân khu, quân chủng).

Các Đài truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, báo Nhân Dân, báo Quân Đội Nhân Dân, báo Công An Nhân Dân thực hiện theo mô hình cơ quan truyền thông đa phương tiện.

Mỗi tổ chức chính trị - xã hội trung ương có một cơ quan báo in và một cơ quan tạp chí in. Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam, Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam có một cơ quan báo in trực thuộc liên hiệp và một số tạp chí của các hội thành viên.

Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam có một cơ quan báo in và một cơ quan tạp chí in. Mỗi tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội trung ương có một cơ quan tạp chí in.

Đáng chú ý, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước có thể có một cơ quan tạp chí in. Cơ quan trung ương của các tổ chức tôn giáo hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam có một cơ quan tạp chí in.

Việc sắp xếp đối với các cơ quan báo in bắt đầu triển khai từ năm 2017 - 2020.

Đối với báo điện tử, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết các cơ quan nào vừa có báo in và báo điện tử thì sắp xếp theo lộ trình của báo in; các cơ quan báo chí có báo điện tử sắp xếp trước năm 2017.

Theo đó, tổ chức có cơ quan báo in thì được xuất bản báo điện tử, còn các cơ quan tổ chức được xuất bản tạp chí in thì có thể có phiên bản điện tử (đăng đúng nội dung của tạp chí in); sẽ tiến hành quản lý chặt chẽ phiên bản điện tử của tạp chí in để không hoạt động như báo điện tử.

Các báo điện tử hiện có thuộc các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, doanh nghiệp nhà nước thì sắp xếp lại theo hướng thay đổi cơ quan chủ quản cho phù hợp với quy hoạch.

Truyền hình: 70% chương trình sản xuất trong nước

Theo đề án quy hoạch báo chí, các kênh truyền hình TTXVN, VOV, Công an nhân dân, Quốc phòng Việt Nam, Truyền hình Quốc hội, Truyền hình Nhân dân không xây dựng hệ thống truyền dẫn, phát sóng riêng biệt.

Chương trình sản xuất trong nước phải đạt tối thiểu 70% và nội dung khai thác từ kênh chương trình truyền hình nước ngoài không vượt quá 30% tổng thời lượng phát sóng. Các đài truyền hình địa phương tự chủ về tài chính.

Tại mỗi tỉnh, TP trực thuộc trung ương có một đài phát thanh truyền hình và mỗi đài chỉ có một kênh phát thanh, một kênh truyền hình.

Riêng Đài Hà Nội và Đài TP.HCM có cơ chế đặc thù về mô hình tổ chức, phạm vi thông tin nên mỗi đài có tối đa hai kênh phát thanh, hai kênh truyền hình.

Các trung tâm truyền hình khu vực của Đài truyền hình Việt Nam chỉ thực hiện chức năng sản xuất chương trình cho Đài truyền hình Việt Nam tại khu vực đó, không phát sóng riêng kênh chương trình khu vực.

Hội nghị phổ biến nội dung cơ bản của đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 Ảnh: MINH QUANG
Hội nghị phổ biến nội dung cơ bản của đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 - Ảnh: Minh Quang

Sẽ có một số bộ phận dôi dư

Sau khi nghe phổ biển các nội dung của quy hoạch, nhiều đại biểu đã nêu ra các vấn đề để Bộ TT-TT, Ban Tuyên giáo trung ương giải đáp.

Ông Nguyễn Như Phong, tổng biên tập báo Năng Lượng Mới, băn khoăn: có một thực trạng là có cơ quan hội chủ quản “đẻ” ra tờ báo nhưng không nuôi nổi; quy định tổ chức xã hội nghề nghiệp không được ra báo nhưng hiện vẫn có cơ quan báo chí có chủ quản như vậy;

Việc quy hoạch có thể sẽ đẩy 4.000 nhà báo có thẻ và khoảng 6.000 nhân viên hành chính trị sự mất việc làm, vậy phải thực hiện sắp xếp như thế nào?

Ông Nguyễn Thế Kỷ, phó trưởng Ban Tuyên giáo trung ương, cho rằng khi sắp xếp sẽ có một số bộ phận, một số người làm báo có thể dôi dư. Theo ông, trên thực tế có một số ít nhà báo ngồi nhầm chỗ, không có khả năng viết lách, “cần tiết giảm những vị trí không có tác dụng”.

Ông Nguyễn Mạnh Cường, bí thư Thành đoàn TP.HCM, đề nghị khi thực hiện Bộ TT-TT cần lắng nghe các cơ quan chủ quản và cơ quan báo chí.

Nhất là quan tâm đến tính đặc thù của từng cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí và những thành công, đóng góp của cơ quan báo chí đó trong thời gian qua.

Ông nêu: ở TP.HCM, báo Tuổi Trẻ (cơ quan chủ quản là Thành đoàn TP.HCM) là tờ báo đã gắn bó và đóng góp trong quá trình phát triển báo chí nói chung, phát triển của TP và công tác Đoàn, đã trở thành tờ báo không thể thiếu trong đời sống nhân dân mọi giới...

Do đó, ông Cường đề nghị xem xét kỹ việc quy hoạch sắp xếp cho hợp lý.

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son thừa nhận: Tuổi Trẻ là tờ báo ảnh hưởng không chỉ ở TP.HCM mà là tờ báo của cả nước. Hiện báo Tuổi Trẻ thuộc cấp sở mà theo quy hoạch thì cấp sở không được phép có cơ quan báo chí. Do đó, đây là một vấn đề mà bộ sẽ tiếp thu và xem xét.

Ông nói thêm: báo điện tử Dân Trí có lượng truy cập lớn, có nhiều độc giả, thuộc top 5 của làng báo điện tử, nhưng lại là báo của Hội Khuyến học Việt Nam, trong khi theo Đề án quy hoạch báo chí thì hội nghề nghiệp không có báo điện tử, chỉ có tạp chí.

Do đó “cũng sẽ được xem xét khi triển khai thực hiện quy hoạch”.

Bộ trưởng đề nghị các cơ quan chủ quản chủ động xây dựng phương án sắp xếp theo quy hoạch; chậm nhất đến ngày 20-10 phải có báo cáo về phương án quy hoạch gửi Bộ TT-TT để báo cáo Thủ tướng trước ngày 30-10-2015.

Không tư nhân hóa báo chí

Tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son khẳng định đề án đã được triển khai chín năm và được Bộ Chính trị kết luận, thể hiện rõ quan điểm “Báo chí là phương tiện thông tin, công cụ tuyên truyền, vũ khí tư tưởng quan trọng; đặc biệt trong tình hình hiện nay Đảng và Nhà nước phải nắm chắc công cụ quan trọng này”.

Do đó phát triển báo chí đi đôi với quản lý tốt; không thương mại hóa, không tư nhân hóa báo chí, không để tư nhân núp bóng; không để lợi ích nhóm chi phối; báo chí không cần nhiều mà cần tinh, chất lượng, thật sự có khả năng chi phối, định hướng thông tin trong xã hội...

MINH QUANG (huytq@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên