07/03/2022 09:58 GMT+7

Tập tễnh chân giả vẫn rong ruổi cùng tấm lòng thiện nguyện

TRẦN MAI - Ảnh do nhân vật cung cấp
TRẦN MAI - Ảnh do nhân vật cung cấp

TTO - 5 năm giúp đỡ người khó khăn, ngày nào Lưu cũng nhận được tin nhắn từ ai đó nhờ anh giúp đỡ một cảnh đời. Thế là anh lại lên đường với cái chân giả.

Tập tễnh chân giả vẫn rong ruổi cùng tấm lòng thiện nguyện - Ảnh 1.

Những ngày này, Lưu đang ở miền Tây sông nước, tìm hiểu và giúp đỡ những hoàn ảnh khó khăn mà mọi người tin tưởng nhắn tin gửi gắm anh

Hôm trước còn ở quê nhà Bình Định, hôm sau đã thấy ở Quảng Ngãi. Rồi vài hôm lại ở Phú Yên, TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ…, chàng trai khuyết tật Nguyễn Văn Lưu (28 tuổi, thị trấn Ngô Mây, huyện Phù Cát, Bình Định) cứ rong ruổi theo những cảnh đời éo le.

Những ngày đầu tháng 3, Lưu đang ở phường Tân Phước, thị xã Phú Mỹ, Bà Rịa - Vũng Tàu, nơi có một gia đình bị bệnh tật bủa vây. "Gia đình bốn người mà có đến ba người bị bệnh. Tội nhất là con gái út bị bệnh đường ruột rất nặng nhưng không được đưa đến bệnh viện", Lưu chia sẻ. 

Lưu không chỉ cứu mạng con tôi mà còn giúp gia đình có một cuộc sống mới. Số tiền cháu Lưu kêu gọi đủ để chăm con tôi trong thời gian đến. Với gia đình tôi, cháu Lưu hơn cả một ân nhân.

Ông HUỲNH VĂN BẮC

Rong ruổi cùng khốn khó

Tập tễnh chân giả vẫn rong ruổi cùng tấm lòng thiện nguyện - Ảnh 3.

Lưu trao quà cho những người dân khó khăn vì COVID-19 ở Bình Định dịp Tết Nguyên đán 2022

Mảnh đời Lưu kể ấy là gia đình anh Nguyễn Thanh Sang (44 tuổi). Anh Sang phát hiện bị bệnh gan, thận và tiểu đường nhưng cố làm việc nuôi gia đình, rồi cuộc sống không may mắn khi trong một lần đục đá trên núi, dăm đá đã khiến anh mất đi một con mắt. Mấy năm qua, anh nằm ở nhà vì những cơn đau. 

Chị Lê Thị Hồng Hoàng (44 tuổi, vợ anh Sang) là lao động chính nhưng ốm nhom vì những căn bệnh phụ nữ tàn phá. Con gái út Nguyễn Hồng Thắm mới 7 tuổi nhưng dặt dẹo vì bệnh đường ruột nghiêm trọng, việc đi vệ sinh luôn đau buốt. "Gia đình cũng không có nhà, đất. Chỉ che tạm cái chái nhỏ không hợp pháp trên núi ở. Tôi xác minh kỹ và đăng lên Facebook kêu gọi, tôi sẽ ở lại nhà cháu Thắm ba ngày, chờ mọi người phát tâm sẽ chuyển cho gia đình đi khám và điều trị bệnh", Lưu tâm sự.

Kể về cái duyên đưa mình đến với người nghèo, Lưu nhớ lại khoảng thời gian không may mắn của mình. Năm đó Lưu 23 tuổi, đang làm việc tại một công ty vàng bạc đá quý ở TP.HCM thì bất ngờ gặp tai nạn ngay chân cầu Kiệu (quận Phú Nhuận). Lúc đó, Lưu không có người thân bên cạnh, không ai đưa anh vào viện ngoài những ánh mắt hiếu kỳ của người đi đường. Chính anh tự đón xe vào viện và tự ký vào các giấy tờ để cắt bỏ chân của mình. 

"Sau ca mổ, tôi như tuyệt vọng. Cảm giác bỗng dưng khiếm khuyết thật sự khiến tôi bất lực. Nhưng lúc nhìn thấy mẹ mình ngất xỉu khi thấy con mất chân, tôi tự động viên mình cố gắng lên và không thể yếu đuối để mẹ thêm buồn", Lưu chia sẻ.

Rời TP.HCM, Lưu trở về quê nhà, hành trang của anh là những lời động viên và một số tiền mà những nhà hảo tâm biết chuyện giúp đỡ. Lưu cảm thấy biết ơn khi không còn cảm thấy đơn độc như từng nghĩ. Lưu vào ngôi chùa gần nhà nấu cơm từ thiện như cách để cảm ơn. Vui cũng cười, buồn cũng phải cười, Lưu cố gắng lạc quan với số mệnh. 

Năm 2018, Lưu ra TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc học nghề phun xăm nghệ thuật để làm lại cuộc đời. Lúc này, chàng trai thấy một cụ già gần chỗ trọ sống cô độc trong căn nhà hôi thối, bẩn thỉu. "Duyên với người khó khăn đến với em từ ông cụ ấy", Lưu nói.

Cuộc sống thật diệu kỳ, chàng trai không may mắn hóa ra lại trở thành người hùng của người khác. Mỗi ngày Lưu tới lui với ông cụ, dọn dẹp căn nhà nồng mùi phân người, phân mèo và thức ăn ôi thiu. Lưu chăm sóc ông cụ như người thân, dù nhiều khi ông cụ lẫn, đã chửi bới anh. Lưu vẫn nở nụ cười. Lưu mua cho ông quần áo mới, thay thế chăn màn bẩn, sửa chữa điện, nhà vệ sinh... 

Nhưng khóa học sắp kết thúc, Lưu phải trở về quê nhà. Những đêm thức trắng, Lưu lo lắng ông cụ sẽ không có người chăm sóc. Thế là chàng trai có tấm lòng nhân hậu đã viết lên Facebook cá nhân câu chuyện của ông cụ và mong ai đó thay mình giúp ông. 

"Bài viết nhận quá trời chia sẻ, rồi báo chí cũng tìm đến tôi, câu chuyện lan tỏa, nhiều nhà hảo tâm đã giúp chăm sóc ông cụ như duyên vậy. Dịp giáp tết của gần một năm sau đó, ông cụ mất, tôi lại đón xe ra Vĩnh Phúc dự đám tang và lo chu toàn cho ông trước khi trở về", Lưu kể.

Mong không phải đi nữa

Tập tễnh chân giả vẫn rong ruổi cùng tấm lòng thiện nguyện - Ảnh 4.

Mỗi khi về quê, anh cùng những tấm lòng hảo tâm chăm lo bữa cơm cho những người chống chọi bệnh tật ở bệnh viện

Năm năm giúp đỡ người khó khăn, Lưu không thể dừng mối duyên này. Ngày nào anh cũng nhận được tin nhắn từ ai đó nhờ Lưu giúp đỡ một cảnh đời. Thế là Lưu lại tập tễnh lên đường với cái chân giả. Lưu bảo muốn đi đến tận nơi, gặp tận người và tìm hiểu thật kỹ từ chính họ, hàng xóm và chính quyền địa phương để chắc chắn rằng sự phát tâm của mọi người thông qua mình là chính xác. Chàng trai từng bước qua nỗi đau không muốn tấm lòng của mọi người trở nên vô nghĩa vì sự cẩu thả của mình.

Trong đợt COVID-19 cuối năm 2021, Lưu cũng giúp đỡ nhiều hoàn cảnh. Trong đó, Lưu nhớ nhất là lúc đi xe máy từ TP Quy Nhơn về thị trấn Ngô Mây. Khi qua thị xã An Nhơn thấy một người đàn ông mang balô lủi thủi đi bộ trên quốc lộ 1, Lưu nghĩ có lẽ anh ấy cần giúp đỡ nên lái xe đến gần hỏi thăm. Tâm sự mới biết anh tên Nguyễn Văn Dũng, ở tận Nghệ An vào Nha Trang làm việc nhưng dịch bệnh, anh mất việc nên quyết định đi bộ về quê. 

"Sau đó, tôi chở anh về nhà mình tắm rửa, tặng anh lương thực, một ít tiền cùng chiếc xe đạp. Đáng ra tôi tặng anh xe máy nhưng không đủ điều kiện, với lúc đó đã khuya, sợ làm phiền mọi người nên không đăng lên Facebook kêu gọi. Đến giờ, tôi vẫn thấy có lỗi khi không giúp đỡ anh Dũng nhiều hơn", Lưu tâm tình.

Sau Tết Nguyên đán, Lưu nhận lời đi vào TP.HCM giúp đỡ bé Nguyễn Thị Hoàng Mỹ (13 tuổi, xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang) đang điều trị ung thư tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM. Bé Mỹ mồ côi cha từ khi 2 tuổi, người mẹ tảo tần nuôi con nhưng đã cạn tiền sau những ngày theo con đi viện. 

Sau ba ngày kêu gọi, Lưu đã giúp đỡ cho bé hơn 190 triệu đồng. Sau khi an ủi, động viên bé cố gắng điều trị, sớm trở về đi học thì Lưu nhận kết quả mắc COVID-19. Lưu phải ở lại TP.HCM điều trị, vừa khỏe lại, Lưu xuống Bà Rịa - Vũng Tàu, ít ngày nữa chàng trai có tấm lòng nhân hậu sẽ xuôi về miền Tây, nơi có những mảnh đời cần anh giúp đỡ.

Tập tễnh chân giả vẫn rong ruổi cùng tấm lòng thiện nguyện - Ảnh 5.

Những ngày đầu năm, Lưu vào TP.HCM thăm cháu Hoàng Mỹ đang điều trị ung thư tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM và kêu gọi cộng đồng giúp đỡ em - Ảnh: NVCC

Lưu sẽ còn tiếp tục những chuyến đi của mình, nhưng trong lòng anh mong mình sẽ không phải đi nữa. Bởi trong suy nghĩ của anh, khi những tin nhắn "Lưu ơi, mong em giúp đỡ người này, mong em giúp hoàn cảnh kia" không gửi về mình nữa thì những mảnh đời cơ cực sẽ không còn nữa. Mong ước là vậy, nhưng Lưu biết hành trình của mình sẽ còn dài, và anh nguyện sẽ tiếp tục đi.

Trong năm năm qua, Lưu đã kêu gọi rất nhiều tiền giúp đỡ những người khó khăn. Những ngày giáp Tết Nguyên đán, Lưu ra Quảng Ngãi kêu gọi giúp đỡ cháu Nguyễn Trần Thảo My (9 tuổi) và Nguyễn Trần Kim Ngân (5 tuổi, xã Phổ Cường, thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi), cha mẹ các em trên hành trình hồi hương đón tết đã không may gặp tai nạn ở Bình Định và qua đời. Phút chốc, hai đứa trẻ rơi vào cảnh mồ côi. Và chàng trai tật nguyền ấy đã kêu gọi hơn 840 triệu đồng, làm sổ tiết kiệm để hai cháu có tương lai tươi sáng hơn.

Ông Trần Nhẫn (ông ngoại hai cháu) nói: "Cả gia đình chẳng biết lấy gì báo đáp cháu Lưu. Trong bất hạnh, gia đình cảm thấy may mắn khi cháu ấy vượt đường xa đến giúp đỡ. Cháu tôi mất cha mẹ nhưng nhận được yêu thương của mọi người thông qua Lưu".

Tập tễnh chân giả vẫn rong ruổi cùng tấm lòng thiện nguyện - Ảnh 6.

Khiếm khuyết sau khi tai nạn cướp mất đôi chân, Lưu luôn lạc quan, thử sức mình với nhiều thách thức

Thanh niên tiêu biểu

Ông Huỳnh Văn Bắc (xã Ân Phong, huyện Hoài Ân, Bình Định) - cha chị Huỳnh Thị Kim Thảo - kể chị Thảo sinh đôi và mổ ở Bệnh viện Hoài Ân, không may bị tràn dịch phổi. Sau đó đưa vào Bệnh viện Đa khoa Bình Định điều trị hai tháng nhưng bệnh chuyển biến nặng, chị bị suy tim, suy thận. Bác sĩ tiên lượng không thể vượt qua cơn nguy kịch và không còn cơ hội sống. Gia đình cũng khánh kiệt, tính chuyện bán nhà để "còn nước còn tát". May mắn được Lưu giúp đỡ số tiền hơn 810 triệu đồng. Gia đình có tiền đưa chị Thảo vào Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị và chị đã khỏe trở lại.

Năm 2020, trong chương trình Tỏa sáng nghị lực Việt Trung, Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên đã trao tặng bằng khen cho Nguyễn Văn Lưu và xem anh là tấm gương "thanh niên khuyết tật tiêu biểu".

Trao nụ cười qua cơn khốn khó Trao nụ cười qua cơn khốn khó

TTO - Hai năm dịch bệnh hoành hành nặng nề, chị Hương luôn có mặt ở những nơi khó khăn để góp phần giúp đồng bào qua cơn hoạn nạn.

TRẦN MAI - Ảnh do nhân vật cung cấp
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên