20/06/2019 11:33 GMT+7

Tăng chiều cao hiệu quả ra sao?

LAN ANH
LAN ANH

TTO - Thị trường đang có hàng loạt sản phẩm cả chính ngạch lẫn hàng 'xách tay' được quảng cáo giúp tăng chiều cao, nhưng liệu có hiệu quả?

Tăng chiều cao  hiệu quả ra sao? - Ảnh 1.

Bơi lội là một trong những phương pháp vận động hỗ trợ tăng chiều cao khá tốt - Ảnh: DUYÊN PHAN

Con cao lớn, khỏe mạnh là ước mơ của tất cả bậc cha mẹ. Thế nhưng làm sao để con phát triển chiều cao tối ưu thì không phải cha mẹ nào cũng biết.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Khánh - khoa nội tiết, chuyển hóa, di truyền Bệnh viện Nhi trung ương (Hà Nội) - cho hay có những nam thanh niên chỉ cao khoảng 1,5m nhưng vì không biết, đến bệnh viện quá muộn, không thể can thiệp được.

Can thiệp sớm không khó

Bé N.L.A. ở Hà Nội đến khám tại Bệnh viện Nhi trung ương khi 17 tháng tuổi vì chậm lớn, chiều cao của bé lúc đến bệnh viện là 59cm, trong khi các bé ở lứa tuổi này cao 74-86cm. Qua thăm khám và xét nghiệm, bé được xác định thiếu hormone tăng trưởng và bắt đầu được điều trị bổ sung hormone lúc 19 tháng tuổi.

Một bệnh nhi khác, bé trai T.V.M. - 6 tuổi 3 tháng, ở Hải Phòng - cũng đến bệnh viện vì chậm lớn: chiều cao chỉ đạt 94cm, trong khi các bé cùng tuổi có chiều cao trung bình 117-127cm. Bé cũng được chẩn đoán chiều cao phát triển chậm do thiếu hormone.

Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Khánh, mỗi ngày Bệnh viện Nhi trung ương tiếp nhận 30-50 trẻ đến khám vì lý do các bé chậm tăng trưởng chiều cao. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như suy dinh dưỡng, các bệnh lý nội tiết như thiếu hormone tăng trưởng, suy tuyến giáp hoặc suy thận mãn, các dị tật bẩm sinh.

Trong số nguyên nhân do bệnh lý nội tiết, thiếu hormone tăng trưởng là một trong những nguyên nhân chính, tỉ lệ mắc khoảng 1/4.000-1/10.000 bé.

Nếu cha mẹ so sánh chiều cao của con với biểu đồ phát triển của trẻ (biểu đồ chuẩn của cơ quan y tế) và nhận thấy trẻ có tầm vóc thấp nhỏ hơn so với bạn cùng lứa, nên đưa bé đến khám sớm tại các bệnh viện uy tín cùng với việc can thiệp từ sớm để hiệu quả tốt hơn.

"Với các bệnh lý nội tiết thì chúng tôi can thiệp theo tuổi xương, nếu tuổi xương đã đạt 13 tuổi thì việc bổ sung hormone không giúp tăng chiều cao mà làm xương phì đại, hoặc cũng có những thanh niên đã trưởng thành nhưng chiều cao thấp nhỏ, lúc này là quá muộn không thể can thiệp được nữa" - bác sĩ Khánh cho biết.

Hiệu quả can thiệp đến đâu?

Bác sĩ Khánh cho hay hiện bé A. đã trải qua 5 năm can thiệp, năm thứ nhất trẻ tăng được 14cm, năm thứ 2 tăng 10cm, năm thứ 3 tăng 13cm, năm thứ 4 cao 6cm, đến nay bé 5 tuổi 8 tháng, cao 101cm, về cơ bản đạt chuẩn chiều cao theo tuổi của Tổ chức Y tế thế giới.

Một bé trai đến khám lúc 8 tuổi, cao 106,5cm và được chẩn đoán cần can thiệp hormone. Sau hơn 6 năm điều trị, ở tuổi 14 hiện bé cao trên 148cm, so với bảng tăng trưởng chiều cao của Tổ chức Y tế thế giới thì có chậm hơn, nhưng so với bảng VN thì chiều cao không thấp so mức trung bình của các bạn cùng lứa tuổi.

Ngoài lý do thiếu hormone, các chuyên gia y tế cũng cho biết việc can thiệp bằng dinh dưỡng và tập luyện (đặc biệt là các môn bơi lội, bóng rổ...) có tác dụng rất tốt với phát triển chiều cao. 

Tuy nhiên, bác sĩ Khánh khuyến cáo trước khi can thiệp cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ để làm các xét nghiệm và được tư vấn kỹ để chọn biện pháp can thiệp phù hợp thì hiệu quả mới tốt.

Không phải cứ uống thuốc là tăng chiều cao

Thị trường hiện có nhiều sản phẩm bổ sung nhằm can thiệp tăng chiều cao cho trẻ. Các sản phẩm này đều hướng đến bổ sung vitamin và chất có tác dụng tác động cải thiện chiều cao. 

Tuy nhiên, nếu trẻ thấp nhỏ do dinh dưỡng kém hoặc do ngủ không đủ giấc, do thiếu tập luyện thể dục thể thao hoặc do dị tật bẩm sinh, thiếu hormone thì cách can thiệp với mỗi nguyên nhân phải khác nhau.

"Nhiều trường hợp cha mẹ có can thiệp nhưng không hiệu quả, hoặc can thiệp muộn khiến hiệu quả không đạt như ý... Vì vậy, chúng tôi khuyến cáo các gia đình nên đưa con đến gặp bác sĩ để có chỉ định toàn diện và phù hợp hơn.

Nhiều trường hợp do cha mẹ không để ý hoặc do can thiệp sai cách, đến khi phát hiện thì lại quá thời điểm, dẫn đến trẻ mất cơ hội tăng trưởng, chiều cao thấp nhỏ sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống và công việc làm về sau này" - bác sĩ Khánh chia sẻ.

Đừng quên biểu đồ tăng trưởng

Cha mẹ nên theo dõi chiều cao trên biểu đồ tăng trưởng của trẻ để kịp thời phát hiện bất thường. Nếu sử dụng phương pháp hormone, bác sĩ Khánh cho hay cũng là phương pháp điều trị cần cẩn trọng khi sử dụng và cần có sự theo dõi của thầy thuốc.

Để trẻ tăng chiều cao trong mùa hè Để trẻ tăng chiều cao trong mùa hè

TTO - Vào hè, lựa chọn bộ môn thể dục nào hay ăn uống ra sao để tăng chiều cao cho con trẻ đang là mối quan tâm của nhiều phụ huynh.

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên