19/04/2016 05:40 GMT+7

Taekwondo VN ngày càng sa sút

NGUYÊN KHÔI
NGUYÊN KHÔI

TT - Kể từ sau chiếc HCB của nữ võ sĩ Trần Hiếu Ngân ở Olympic Sydney 2000, taekwondo VN lần đầu tiên vắng mặt tại Olympic 2016 sau khi thua trắng ở Giải tuyển chọn khu vực châu Á vừa kết thúc tại Philippines hôm 17-4.

Chủ tịch Liên đoàn Taekwondo VN Trương Ngọc Để (thứ ba từ trái sang) chụp hình cùng đội tuyển nam tại Philippines trước ngày thi đấu - Ảnh: FBNV
Chủ tịch Liên đoàn Taekwondo VN Trương Ngọc Để (thứ ba từ trái sang) chụp hình cùng đội tuyển nam tại Philippines trước ngày thi đấu - Ảnh: FBNV

Cụ thể, cả bốn võ sĩ Trương Thị Kim Tuyền (49kg nữ), Hà Thị Nguyên (dưới 67kg nữ), Nguyễn Văn Duy (58kg nam) và Phan Trung Đức (68kg nam) đều thất bại trong việc giành vé đến Olympic 2016. Trong đó, Kim Tuyền và Hà Thị Nguyên thua ở bán kết, còn Nguyễn Văn Duy và Trung Đức thua ngay trận đầu tiên (vòng 1/16) dù được miễn vòng loại. Đây là một nỗi đau với môn võ từng được xem là thế mạnh của thể thao VN ở đấu trường quốc tế. Nói vậy bởi suốt ba kỳ Olympic Athens 2004, Bắc Kinh 2008, London 2012, taekwondo VN đều giành từ 2 đến 3 vé tham dự.

Thua vì thiếu may mắn?

Việc Liên đoàn Taekwondo thế giới (WTF) quy định chỉ hai võ sĩ vào chung kết từng hạng cân ở giải tuyển chọn mới được tham dự Olympic Rio 2016 thay vì ba vị trí dẫn đầu như trước đây đã khiến việc giành vé đến Olympic khó khăn hơn. Tuy nhiên, Thái Lan đã giành 2 vé ở giải tuyển chọn tại Philippines (chưa kể 1 vé tham dự trực tiếp giành được trước đó vì nằm trong top 6 trên bảng xếp hạng Olympic hạng cân 49kg nữ vào cuối năm 2015), Campuchia và Philippines cũng giành được 1 vé. Trong đó, sự trỗi dậy của taekwondo Campuchia trong hai năm qua đều gắn liền với nữ võ sĩ Seavmey Sorn (21 tuổi) khi giành HCV tại Asiad Incheon 2014 và giờ là vé dự Olympic Rio 2016.

Nói về thất bại của taekwondo VN qua điện thoại (đội vẫn còn ở lại Philippines dự Giải châu Á 2016), HLV trưởng đội tuyển nam Nguyễn Thế Hiệp cho rằng việc thi đấu bằng giáp điện tử may rủi rất nhiều với các võ sĩ ở giải này. Ông Hiệp nói: “Trường hợp võ sĩ Nguyễn Văn Duy là một ví dụ. Hơn Almabrouk Hamad (Saudi Arabia) về trình độ, Duy có nhiều cú đá vào mặt đối thủ nhưng điểm lại không nhảy. Khi trận đấu chỉ còn ba giây, Duy đang dẫn 5-3, Almabrouk đá trúng Duy gỡ 4-5. Đòn đá này làm Duy té xuống và trọng tài lại trừ điểm khiến trận đấu kết thúc 5-5. Bước vào hiệp phụ, Duy đã thua điểm bàn thắng vàng.

Không phải tôi đổ lỗi nhưng có xem trực tiếp các trận đấu của đội thì mới thấy được tính may rủi của giáp điện tử thế nào. Tuy nhiên, là HLV trưởng, tôi phải là người chịu trách nhiệm khi đội nam thất bại. Tôi đã báo cáo lãnh đạo tại Philippines và xin từ chức. Tuy nhiên, lãnh đạo nói rằng quyết định tập trung đội tuyển còn đến ngày 31-7-2016 nên khuyên tôi hãy làm nốt thời gian rồi sẽ tính tiếp khi đội có đợt tập trung mới”.

Trong khi đó, HLV trưởng đội tuyển nữ Vũ Anh Tuấn lẫn trưởng bộ môn taekwondo Tổng cục TDTT Vũ Xuân Thành thì không trả lời điện thoại lẫn tin nhắn khi chúng tôi muốn hỏi về thất bại của đội tuyển taekwondo VN. Thậm chí, chủ tịch Liên đoàn Taekwondo VN Trương Ngọc Để (có mặt tại Philippines) cũng từ chối trả lời. Ông Để chỉ nói: “Về đánh giá đội thì hỏi Hiệp và Thành hoặc anh Nguyễn Mạnh Hùng trưởng đoàn đội tuyển taekwondo VN dự giải tuyển chọn Olympic. Mọi người khi về sẽ có buổi tổng kết, khi đó sẽ mời báo chí đến dự”.

Thất bại được báo trước

Asiad 1994, Trần Quang Hạ đem về cho taekwondo HCV hạng cân 58kg. Asiad 1998, đến lượt Hồ Nhất Thống cũng đăng quang ở hạng cân này. Nhưng cũng kể từ đó, taekwondo VN không còn biết đến màu vàng của huy chương tại đấu trường châu lục. Rồi từ chiếc HCB của Trần Hiếu Ngân ở Olympic Sydney 2000, taekwondo VN cũng không giành nổi một huy chương nào ở ba kỳ Olympic sau đó.

Nguyên nhân chính cho thất bại của teakwondo VN trong thời gian qua đến từ việc không thể phát hiện và đào tạo được những VĐV giỏi. Kế đó, tình trạng cục bộ “quân anh, quân tôi” khiến nhiều VĐV tài năng tỏ ra chán nản. Và cuối cùng là không có sự hỗ trợ của đội ngũ công nghệ thông tin xung quanh chuyện nghiên cứu giáp điện tử. Một cựu tuyển thủ taekwondo nổi tiếng VN cho biết 6 năm trước, muốn ghi điểm ở giáp điện tử, VĐV phải dùng lực khá nhiều, đá mạnh vào giáp thì điểm mới nhảy. Còn hiện tại, giáp điện tử rất nhạy nên không cần phải ra đòn mạnh mà phải chính xác. Vì vậy, việc hướng dẫn kỹ thuật thi đấu cho VĐV cũng thay đổi rất nhiều mới phù hợp.

Ngoài ra, các nước còn mua giáp điện tử về mổ xẻ ra để nghiên cứu xem chip báo điểm nằm ở chỗ nào để đề ra cách đánh có thể ghi được điểm nhiều nhất. Thậm chí, như taekwondo Đài Loan 6 năm trước còn chủ động sản xuất giáp điện tử theo kiểu của riêng mình (phát ra tiếng kêu) để dễ sử dụng thay vì mặc giáp điện tử đúng chuẩn đòi hỏi phải có bảng điểm, dây nhợ lằng nhằng. Khi đó, các VĐV Đài Loan tập luyện, đá trúng giáp điện tử tự làm sẽ kêu lên để từ đó HLV và VĐV điều chỉnh.

Cựu tuyển thủ nổi tiếng này cũng cho biết sự trỗi dậy của taekwondo Campuchia thời gian qua cũng nhờ đến từ việc cập nhật và áp dụng hiệu quả giáp điện tử. Anh nói: “Nữ võ sĩ Seavmey Sorn chỉ có chiều cao tốt (1,83m), còn chuyên môn thì không quá nổi bật. Tuy nhiên, việc nghiên cứu kỹ giáp điện tử mới đã giúp cô và ban huấn luyện của mình đưa ra cách đánh thích hợp. Với lợi thế chiều cao, Seavmey Sorn chỉ cần tập trung đá vào những chỗ có thể ghi điểm là có thể giành chiến thắng”.

NGUYÊN KHÔI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên