Sút luân lưu: Cuộc chiến không phải của đôi chân

HỒNG VÂN 19/12/2022 01:12 GMT+7

TTCT - Sút luân lưu là một cuộc đấu trí chứ không phải là chuyện của đôi chân. Nó cũng không phải là cuộc đối đầu giữa hai người, cầu thủ và thủ môn, mà là nỗ lực chung của cả đội trên sân.

Sút luân lưu: Cuộc chiến không phải của đôi chân - Ảnh 1.

Thủ môn Dominik Livakovic (Croatia) ăn mừng sau khi thắng Brazil trong loạt sút luân lưu ở bán kết World Cup 2022. Ảnh: Reuters

Khoảnh khắc các cầu thủ bóng đá sút phạt đền là kho tư liệu quý giá giúp nhiều nhà tâm lý học nghiên cứu cách con người xoay xở với những lần bị tra tấn tâm lý căng thẳng chỉ kéo dài vài phút, và tìm hiểu cách áp dụng những sự phức tạp của hành động dưới áp lực có thể ứng dụng vào các lĩnh vực khác ngoài bóng đá hay không.

Trong số những người nghiên cứu lĩnh vực này dài hơi và sát sao nhất có giáo sư Geir Jordet, giảng viên môn khoa học thể thao của Đại học Oslo (Na Uy).

Trò cân não

Khi còn là một thiếu niên ở Na Uy, Jordet từng trải qua cảm giác áp lực khi đá phạt đền. "Tôi nhắm vào góc bên phải, (nhưng) do quá hồi hộp nên tôi sút xa vào góc bên trái và bóng ra ngoài" - Jordet kể với báo Wall Street Journal. Jordet chuyển đến Hà Lan sau khi tốt nghiệp đại học năm 2004 - năm mà đội bóng màu da cam bị loại bằng loạt đá luân lưu trong ba giải đấu quốc tế liên tiếp. Những trận thua tàn khốc đó đã biến những quả phạt đền trở thành niềm đau chung ở xứ hoa tulip.

Vốn sẵn ám ảnh bởi những cú sút phạt đền, Jordet nhân dịp này nghiên cứu sâu áp lực tâm lý của các cú sút 11 mét. Ông dành 5 năm tiếp theo trích video các loạt sút phạt đền ở các giải World Cup, Euro và Champions League từ năm 1976 - 2004 (với 41 loạt sút luân lưu và 409 quả đá phạt). Ông cũng phỏng vấn 25 cầu thủ tham gia đá phạt.

Sau khi coi đi coi lại những cú sút, phân tích hành vi của người sút bóng lẫn đồng đội đứng xem, xem xét quá khứ xa gần của đội bóng và cầu thủ, Jordet kết luận sút luân lưu là một cuộc đấu trí chứ không phải là chuyện của đôi chân. Nó cũng không phải là cuộc đối đầu giữa hai người, cầu thủ và thủ môn, mà là nỗ lực chung của cả đội trên sân. Tự tin về tâm lý có vai trò rất lớn trong việc quyết định người chiến thắng trong cuộc đối đầu này.

Jordet khẳng định lo lắng là cảm xúc mà cầu thủ nào cũng cảm nhận sâu sắc khi đứng trước chấm phạt đền. Mức độ áp lực cầu thủ cảm nhận là yếu tố dự báo đáng tin cậy nhất với khả năng thành công của cú sút. Một số cầu thủ vội vàng thực hiện quả phạt đền một cách nhanh nhất có thể như thể họ cần nhanh chóng kết thúc sự căng thẳng phải chịu đựng. Những người khác tránh nhìn thẳng vào thủ môn. Một cầu thủ thú thật với Jordet rằng họ sợ máy quay của đài truyền hình sẽ phát hiện ra đôi chân đang run của mình.

Jordet cho rằng bộ não quyết định thành công của cú sút luân lưu cũng nhiều như sự phối hợp tay chân cầu thủ khi chạy đến quả bóng. Khi cầu thủ ở trong vị thế mà cú sút của họ sẽ mang lại chiến thắng cho đội, họ có xu hướng làm tốt hơn so với khi họ ở vị thế nếu không sút thành công thì đội sẽ thua.

Lời khuyên của Jordet với những ai đứng trước chấm phạt đền: Hãy chậm lại, bình tĩnh, hít thở sâu. Tin tưởng vào thói quen của mình là cách tốt để phát huy khả năng kiểm soát tình hình. Những ai cảm thấy mình kiểm soát được tình hình sẽ thể hiện tốt hơn những cầu thủ bị tê liệt bởi nỗi ám ảnh rằng sút luân lưu là trò rủi may.

Sút luân lưu: Cuộc chiến không phải của đôi chân - Ảnh 2.

Lionel Messi ghi bàn cho Argentina từ chấm phạt đền trong trận bán kết World Cup 2022 với Croatia. Ảnh: REUTERS

Chuyện rủi may

Có một định kiến tệ hại rằng các cầu thủ Anh sút luân lưu rất kém. Điều này thậm chí còn đóng vai trò như một lời tiên tri, kiểu như nếu Anh không thắng trong 90 phút của hai hiệp đấu thì họ sẽ thua ở loạt sút luân lưu. Jordet cho rằng có thể do trong nhiều năm, trước các thất bại lặp đi lặp lại, mặc dù đã nỗ lực không ngừng để có sự chuẩn bị tốt hơn, các huấn luyện viên, cầu thủ và cả cổ động viên Anh đã đi đến tâm lý bi quan rằng sút luân lưu là trò xổ số đầy may rủi.

Nhưng hãy hình dung, nếu chúng ta cứ mặc định sút luân lưu là chuyện may rủi thì làm sao ta chuẩn bị cho điều này? Hậu quả là quan điểm này có thể dẫn đến việc đội bóng không chuẩn bị đầy đủ, khiến họ sút penalty kém. Để xóa bỏ tâm lý này, phải có một kế hoạch kỹ càng nhằm cải thiện sự tự tin, tạo ra một vòng xoáy tích cực để phá vỡ lời nguyền tiêu cực.

Đá phạt đền, theo Jordet, thực chất là môn thể thao đồng đội được ngụy trang dưới hình thức đối đầu cá nhân. Có một sự lây lan cảm xúc trong đó phản ứng của cầu thủ có thể định hình các sự kiện trên sân - cả tốt và xấu.

Về trải nghiệm tích cực, Jordet cho biết các thực nghiệm trong phòng thí nghiệm và thực tế cho thấy ăn mừng cú sút thành công làm tăng cơ hội chiến thắng trong loạt đá luân lưu của cả đội. Càng ăn mừng nhiệt tình càng tốt và hãy thoải mái đi vì đó là lúc để bày tỏ niềm vui không cần giấu giếm chứ không phải lúc để khiêm tốn.

Với các cầu thủ đứng theo dõi bên ngoài, họ có thể giúp người đồng đội đứng trước quả bóng không cảm thấy cô đơn trước áp lực bằng cách duy trì giao tiếp, nói chuyện, di chuyển, tương tác, thể hiện mình là một thành viên trong đội… "Điều này hiệu quả hơn rất nhiều so với việc đứng như tượng và im lặng" - Jordet nói.

Jordet cũng phát hiện ra rằng thành công sẽ dẫn đến thành công trong các loạt sút luân lưu. Các đội thắng trong hai loạt luân lưu gần nhất sẽ sút tốt hơn trong loạt luân lưu tiếp theo so với các đội thua hai loạt đá luân gần nhất. Kết luận này đặc biệt đáng chú ý, khi vừa qua Croatia buộc ứng cử viên vô địch Brazil về đuổi gà và đây là chiến thắng thứ tư liên tiếp bằng loạt luân lưu của Croatia tại cúp thế giới.

Sút luân lưu: Cuộc chiến không phải của đôi chân - Ảnh 3.

Các cầu thủ Hà Lan căng thẳng theo dõi sút luân lưu trong trận tứ kết World Cup 2022 với Argentina. Ảnh: Reuters

Bài học cuộc sống

Bài học từ việc sút luân lưu dạy chúng ta rằng, không chỉ trong thể thao mà trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta có thể tăng cơ hội chiến thắng của mình nếu có sự chuẩn bị đúng đắn về tinh thần; điều quan trọng là không tin rằng bất hạnh hay thất bại là do may rủi.

Trang Peaksports viết: Sai lầm xảy ra hằng ngày trong thể thao và cuộc sống, nhưng nhiều vận động viên bóp nghẹt thành tích của chính họ vì không thể bỏ qua những sai lầm trong quá khứ. Tập trung vào lỗi lầm đã mắc phải là nguyên nhân số một khiến các vận động viên mất tập trung. Bạn không thể chơi trong hiện tại nếu tâm trí của bạn còn ở trong quá khứ, ám ảnh về việc đã đánh mất một cơ hội hay phạm sai lầm.

Tại sao tâm trí chúng ta muốn dính mắc vào những sai lầm trong quá khứ? Đó là vì mắc sai lầm không phải là những gì chúng ta mong đợi ở bản thân. Chúng ta muốn mình tốt hơn và nghĩ rằng mình có thể thể hiện tốt hơn. Trong một số trường hợp, chúng ta phải thể hiện sự tức giận hoặc thất vọng của mình vì muốn khán giả thấy chúng ta tốt hơn những gì đã thể hiện.

Mặc dù tập luyện khiến chúng ta hoàn hảo nhưng hạn chế của việc tập sút luân lưu là nó không thể tái tạo được áp lực và sự lo lắng, căng thẳng mà cầu thủ phải trải qua trong trận đấu thực. Việc mời khán giả, báo chí đến xem buổi tập đá luân lưu của các cầu thủ cũng chỉ giúp đỡ được phần nào. Các đội bóng cần có chuyên gia tâm lý thể thao để giúp các cầu thủ chuẩn bị tâm lý cho giây phút căng não này. Để tập trung vào hiện tại, các vận động viên đỉnh cao thậm chí phải trả tiền để các chuyên gia tâm lý giúp họ bỏ qua ám ảnh về thất bại nhằm tập trung vào cơ hội thành công trước mắt.■

Tiến sĩ Matt Miller-Dicks (Đại học Portsmouth, Anh) cho biết ngôn ngữ cơ thể và sự tự tin cũng đóng một vai trò quan trọng. Áp lực tâm lý xảy ra rất lâu trước khi cầu thủ thực sự sút bóng. "Nghiên cứu cho thấy vấn đề gây khó khăn cho cầu thủ không phải chỉ là việc thực hiện cú sút mà từ lúc họ đứng đợi trong hàng, đặt bóng và tiến lên để thực hiện cú sút phạt" - Miller-Dicks nói.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận