14/09/2019 08:33 GMT+7

Sự thù hận giữa CĐV các đội bóng luôn là một vấn đề đau đầu

HUY ĐĂNG
HUY ĐĂNG

TTO - Sự thù hận giữa CĐV các đội bóng cũng luôn là một vấn đề gây đau đầu ở các giải đấu lớn. Nếu so sánh, CĐV Việt vẫn thuộc dạng 'hiền' khi đặt cạnh những hội nhóm cực đoan đến từ Nam Mỹ, Ý, Thổ Nhĩ Kỳ và cả Indonesia, Malaysia.

Sự thù hận giữa CĐV các đội bóng luôn là một vấn đề đau đầu - Ảnh 1.

Các cổ động viên Argentina giương cờ Việt Nam ở World Cup 2018 - Ảnh minh họa: H.Đ.

Hồi cuối năm 2018, ban tổ chức giải Copa Libertadores (tương tự Champions League của châu Âu, nhưng là ở Nam Mỹ) một phen lao đao vì trận chung kết giữa Boca Juniors và River Plate. Khi 2 đội bóng nổi tiếng về sự căm thù lẫn nhau này chạm trán nhau, bầu không khí căng thẳng đã được dự đoán trước.

Nhưng tình trạng bạo lực đã vượt khỏi tầm kiểm soát của cảnh sát Argentina, khi các cổ động viên River Plate tấn công xe buýt chở cầu thủ Boca Juniors, và hiển nhiên phía CĐV Boca cũng chẳng "vừa vặn" gì. Trận chung kết lượt về đã bị hoãn đến 2 lần.

Boca Juniors - River Plate chỉ là một trong số hàng chục trận derby "đẫm máu" của thế giới bóng đá. Năm 2005, các CĐV Inter Milan từng ném một quả pháo sáng vào người thủ thành Dida của AC Milan trong lần chạm trán thuộc khuôn khổ Champions League.

Các cuộc ẩu đả giữa cổ động viên Arsenal - Tottenham, Roma - Lazio hay Galatasaray - Besiktas cũng không hiếm.

Đó là ở cấp câu lạc bộ, còn ở cấp đội tuyển quốc gia, sự thù hận cũng xuất hiện khắp nơi, điển hình như cuộc đối đầu Anh - Nga ở Euro 2016. Mùa hè 3 năm trước, những màn ẩu đả giữa cổ động viên 2 đội bóng diễn ra trên khán đài sân Velodrome và lan đi khắp mọi ngóc ngách của nước Pháp.

Tất nhiên, những cuộc ẩu đả luôn bị lên án quyết liệt và phòng ngừa triệt để sau đó. Ở World Cup 2018 trên đất Nga, lực lượng an ninh luôn xuất hiện dày đặc ở những nơi có hội nhóm CĐV Anh nhằm ngăn ngừa những màn xung đột giữa họ và cư dân bản địa. Kết quả là kỳ World Cup này diễn ra khá êm đềm.

Trong nhiều năm qua, tình trạng sử dụng pháo sáng, vật dụng nguy hiểm trong trận đấu cũng giảm đáng kể ở châu Âu khi các nước siết chặt luật lệ.

Thật ra, trừ một số cuộc đối đầu mang tính căm thù diện rộng như Boca Juniors - River Plate, hầu hết các cuộc xung đột giữa cổ động viên 2 đội đều bắt nguồn từ các nhóm "ultra" (cực đoan). Những thành phần này vốn chỉ là số ít và ngày càng dễ kiểm soát.

Nếu đặt chân vào các sân bóng của Malaysia hay Indonesia, bạn sẽ luôn được cảnh báo về khu vực chỗ ngồi của các hội cổ động viên ultra này. Chỉ cần đừng động đến những nhóm quá khích này là được.

Với đại đa số các cổ động viên bóng đá, tinh thần mà họ mang đến sân bóng vẫn là sự giao lưu, chia sẻ về văn hóa trong một ngày hội đa sắc tộc. Những ai từng đi xem World Cup hay Euro sẽ tận hưởng cảm giác này. Chỉ cần đừng khích bác, lá cờ của quốc gia bạn sẽ được chính những CĐV đối thủ hào hứng giương lên.

Ông Phạm Đình Tiến (ban điều hành Hội CĐV Thanh Hóa phía Nam):

Đừng gom củi ba năm mà đốt một giờ

Từ sự cố một số cổ động viên quá khích của Nam Định gây tiếng xấu trên sân Hàng Đẫy đêm 11-9, chúng tôi đã có những trao đổi với các thành viên trong Hội CĐV Thanh Hóa trên toàn quốc và cùng thống nhất một ý, đó là "đừng gom củi ba năm mà đốt một giờ". Vì tạo một tiếng vang cho hội thì rất khó nhưng phá sẽ rất dễ.

Có người đặt vấn đề: "Với rất nhiều CĐV trên sân thì làm sao có thể quản lý hết được hành động của CĐV quá khích?". Với chúng tôi thì rất dễ, đó là chia thành từng nhóm nhỏ để quản lý.

Trên khán đài, Hội CĐV Thanh Hóa phía Nam cổ vũ hòa chung là một. Nhưng chúng tôi chia ra thành từng nhóm cổ động viên ở TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Vũng Tàu, Cần Thơ.

Thực tế thì hội chúng tôi trước đây cũng có tình trạng đốt pháo sáng. Nhưng chúng tôi lập tức tìm ra được người đốt cũng nhờ việc chia nhóm nhỏ ra quản lý. Ai là người lạ vào nhóm đứng cổ vũ, người khác sẽ biết ngay để đề phòng.

CĐV đốt pháo sáng mà chúng tôi bắt được không phải là người trong hội, mà chỉ là khán giả cuồng nhiệt cổ vũ cho Thanh Hóa. Cậu ấy chỉ mới 15-16 tuổi, chúng tôi chỉ thông báo cho gia đình để giáo dục em ấy.

Ông Trương Thanh Tùng (ban điều hành Hội CĐV Sông Lam Nghệ An phía Nam):

Treo thưởng cho ai tìm ra người mang pháo sáng

Việc CĐV đốt pháo sáng cầm trên tay ăn mừng thì sẽ rất dễ tìm ra người đốt. Nhưng nếu CĐV nào đốt rồi thả ngay xuống sẽ rất khó phát hiện. Vì thế, với riêng Hội CĐV Sông Lam Nghệ An phía Nam, chúng tôi có một quyết định bản lề cho việc đi cổ vũ và sau đó đưa công khai lên trang chính thức của hội. Đó là hội treo thưởng 5 triệu đồng cho bất kỳ ai phát hiện ra người mang pháo sáng vào sân hoặc đốt trên sân.

Vì bản thân chúng tôi ý thức được rằng việc đốt pháo sáng trên sân khi cổ vũ là không văn minh và gây nguy hiểm cho người bên cạnh. Điều đáng mừng là ai cũng đồng tình với điều này.

Muốn hạn chế việc đốt pháo sáng trong sân sau khi đã làm gắt gao chuyện kiểm soát ngoài sân, theo tôi, lực lượng an ninh cần cử một người đứng dưới sân cầm máy quay phim lên khán đài suốt cả trận đấu. Thứ nhất, CĐV nào có ý định đốt sẽ ngại khi thấy có máy quay. Thứ hai, nếu có CĐV đốt, chúng ta có thể xem lại băng hình để tìm ra người đốt.

Chuyên gia bóng đá Đoàn Minh Xương:

Cần sự chung tay từ nhiều phía

Sân bóng là nơi chiêm ngưỡng vẻ đẹp, sự thăng hoa của trò chơi thể thao hấp dẫn nhất hành tinh, chứ không phải là nơi ném pháo sáng. Tôi cho rằng đã đến lúc giới chức có thẩm quyền phải tuyên chiến thẳng thừng với vấn nạn pháo sáng.

Cần có nhận thức đúng cùng quan điểm cứng rắn đối với vấn đề đảm bảo tuyệt đối an toàn trong tổ chức thi đấu bóng đá. Để làm được điều này, VFF phải thông qua Bộ VH-TT&DL để phối hợp với Bộ Công an và công an các tỉnh thành rồi từ đó xây dựng kế hoạch làm việc với các CLB để hướng dẫn và quản lý các hoạt động của hội cổ động viên.

Thậm chí nếu cần thiết thì các nhà làm luật cần bổ sung vào Bộ luật hình sự, khởi tố những cá nhân vi phạm. Đây là vấn đề quan trọng và cần thiết để bóng đá phát triển nên phải giải quyết dứt điểm từ tận gốc.

Vụ Vụ 'pháo sáng sân Hàng Đẫy': hôm nay ra án phạt với CLB Hà Nội và Nam Định

TTO - CLB Hà Nội cho biết sẽ chấp nhận mọi hình thức kỷ luật của LĐBĐVN (VFF), kể cả việc "treo" sân. Trong hôm nay (13-9), Ban kỷ luật VFF sẽ quyết định án phạt đối với CLB Hà Nội và Nam Định sau vụ pháo sáng.

HUY ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên