03/12/2013 15:36 GMT+7

Sử dụng trẻ em mang pháo sáng vào sân vận động

NGUYỆT PHƯƠNG
NGUYỆT PHƯƠNG

TTO - Một khảo sát mới đây cho thấy các cổ động viên bóng đá Anh đang lợi dụng trẻ em để tuồn pháo sáng và bom khói vào các sân vận động.

Theo Hãng tin BBC, một khảo sát do ban tổ chức Premier League triển khai tới 1.635 cổ động viên cho thấy hơn 50% đã chứng kiến pháo sáng đốt trên khán đài. Khoảng 24% than phiền về việc pháo sáng khiến họ không thể xem trận đấu, 10% bị hít phải khói và 2% bị ảnh hưởng bởi sức nóng từ pháo sáng.

Có tới 86% cổ động viên lo ngại cho sự an toàn của mình khi pháo sáng xuất hiện. “Đây là mối lo ngại lớn nhất của các cổ động viên” - BBC dẫn lời bà Cathy Long, trưởng bộ phận chăm sóc cổ động viên của Premier League cho biết.

“Trên thế giới đã có nhiều trường hợp cổ động viên bị thương hoặc thiệt mạng. Chúng ta đã may mắn là Premier League chưa xảy ra những vấn đề như vậy, nhưng chúng ta phải ngăn chặn nguy cơ đó” - bà Long nhấn mạnh.

Mới đây một quan chức cấp cao của chính phủ Anh là ông Damian Green cũng cảnh báo pháo sáng và bom khói trên khán đài hoàn toàn có thể dẫn tới nguy cơ chết người. Khảo sát cho thấy một vấn đề đáng lo ngại là các cổ động viên lợi dụng trẻ em mang pháo sáng và bom khói vào sân.

Trong một trận tại Premier League mùa giải năm ngoái, một cậu bé 8 tuổi đã cho pháo sáng vào ba lô, mang vào sân rồi đưa cho các cổ động viên lớn tuổi.

Hiệp hội Cổ động viên bóng đá (FSA) tuyên bố có nhiều cổ động viên không biết rằng hành vi sở hữu pháo là bất hợp pháp, có thể dẫn tới án phạt là bị cấm đến sân bóng đá hoặc thậm chí phải ngồi tù.

Khoảng 2/3 các bậc cha mẹ ở Anh cho biết việc pháo sáng xuất hiện ngày càng nhiều trên các sân vận động khiến họ không muốn đưa con mình đi xem bóng đá. Cổ động viên Ruth Maddocks cho biết năm ngoái, cậu con trai 8 tuổi James của cô khi đi xem một trận đấu giữa Everton và Liverpool đã bị ném bom khói trúng người.

“Vụ việc diễn ra trước trận đấu, trước khi các cầu thủ ra sân. Khi đó mọi người đứng cả dậy và chồng tôi nghe thấy con tôi kêu ối lên. Cổ nó có một vết bỏng lớn màu đỏ. Nó đã rất sợ hãi” - cô Maddocks kể.

Pháo sáng trên khán đài là hiện tượng khá mới ở bóng đá Anh, dù rất phổ biến ở nhiều quốc gia khác. “Ảnh hưởng của châu Âu là rất lớn - chuyên gia Amanda Jacks thuộc FSA cho biết - Nhiều người nghĩ rằng pháo sáng sẽ tạo ra một bầu không khí cuồng nhiệt hơn và thúc đẩy tinh thần của đội bóng. Dù đúng hay không thì dùng pháo sáng vẫn là hành vi bất hợp pháp”.

Hồi tháng 10, Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) đã ra quyết định kỷ luật Liên đoàn Bóng đá Anh và Ba Lan sau khi pháo sáng với nhiệt độ lên tới 1.600 độ C (có thể làm tan chảy cả thép) đã xuất hiện trong trận đấu giữa hai đội ở vòng loại World Cup tại sân Wembley.

Cũng trong tháng đó, trợ lý trọng tài David Bryan đã bị một quả pháo sáng ném trúng người trong trận đấu giữa Aston Villa và Tottenham tại sân Villa Park. Một cậu bé 15 tuổi gặp vấn đề về phổi sau khi hít phải khói từ một quả bom khói trong trận Villa đá với Wigan hồi tháng 5. Vào tháng 2, một cậu bé 14 tuổi bị chết vì pháo sáng trong một trận cầu ở Bolivia.

John Hill, một cổ động viên bóng đá có người cha bị chết vì pháo sáng trong một trận đấu vòng loại World Cup giữa Wales và Romania hồi năm 1993 khẳng định 20 năm sau bi kịch đó, “vẫn không có gì thay đổi cả”. Hôm 30-11, các cổ động viên Scotland đã ném pháo sáng xuống sân trong hai trận đấu. Và Liên đoàn Bóng đá Scotland tuyên bố sẽ cấm tiệt pháo sáng.

“Nhiều người không quan tâm đến hậu quả. Họ chỉ nghĩ đó là trò đùa - ông Dave Lewis, trưởng bộ phận an ninh của CLB Everton nhận định - Đó không phải là trò đùa và hậu quả là rất nghiêm trọng”.

Hiện chính phủ Anh đã mở chiến dịch chống pháo sáng tại các sân vận động. Nhà chức trách phát động chiến dịch quảng cáo chống pháo sáng qua các phương tiện truyền thông, tăng cường khám xét và tuần tra ở các sân vận động.

NGUYỆT PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên