22/10/2018 17:09 GMT+7

Special Olympic nâng bước người thiểu năng

H.ĐĂNG - T.PHÚC
H.ĐĂNG - T.PHÚC

TTO - Bóng đá, yoga, thuyết trình trước đám đông…, lớp dạy kỹ năng đặc biệt của Special Olympic giúp người thiểu năng có thể tham gia những sân chơi mà tưởng chừng không có chút phù hợp nào với họ.

Special Olympic nâng bước người thiểu năng - Ảnh 1.

Anh Kha và Anh Thư tập bóng gỗ trong lớp học thể dục ở trường - Ảnh: H.Đ.

Từ hơn 10 năm nay, Hiệp hội Special Olympic đã xuất hiện ở VN và gầy dựng được một cộng đồng sinh hoạt, tập luyện trong lòng Trung tâm TDTT quận Tân Bình - "đại bản doanh" của thể thao khuyết tật TP.HCM. Người phụ trách là ông Mai Chí Dũng - HLV có thâm niên dạy cử tạ cho người khuyết tật, cũng từng huấn luyện qua lực sĩ nổi tiếng Lê Văn Công.

Khi đó, các phụ huynh có con em bị thiểu năng được vận động để đưa con vào trung tâm tập luyện một số môn thể thao cơ bản như điền kinh, bóng gỗ... với lịch tập một tuần ba buổi. 

Ngoài dạy ở trung tâm, ông Dũng còn đi khắp các trường dạy trẻ thiểu năng trong địa bàn TP.HCM để dạy thể dục và tiếp tục tuyển quân. Cho đến lúc này, ông Dũng vẫn chưa thể quên những ngày đầu tiên đầy khó khăn này.

"Dạy cho người khuyết tật khó thì với các em bị thiểu năng lại càng khó gấp bội. Ban đầu tôi nhận lời làm việc vì thương các em, nhưng cũng lắm lúc phải nản lòng. Khi mới dạy, vất vả lắm tôi mới khuyến khích các em cởi mở hơn, không sợ hãi khi chơi thể thao. Rồi sau đó không lâu, tôi phải ra sức để hãm bớt sự quá khích của nhiều em" - ông Dũng kể. 

Nhút nhát, sợ sệt, rồi quá khích, mệt mỏi đến nằm dài trên sân tập. Vậy việc tập luyện thể thao mang lại lợi ích thế nào cho người thiểu năng? Rất nhiều là đằng khác. Ngày càng có nhiều phụ huynh muốn đưa con em bị bệnh về trí não đến với sân chơi thể thao. Họ thậm chí đồng hành cùng con em đến mọi giải đấu thể thao khắp cả nước.

Ông Nguyễn Ngọc Nhơn - cha của VĐV Nguyễn Ngọc Bảo Trân (26 tuổi) - cho biết đã cho con mình đến đây tập luyện suốt cả chục năm qua. Không chỉ ngồi xem, ông Nhơn còn phụ giúp HLV Dũng khá nhiều trong việc trông coi lớp, cũng như cả những lần dẫn đội đi thi đấu ở các giải quốc gia.

Phan Anh Kha (25 tuổi) - chàng trai năng nổ nhất trong lớp - cho biết anh và các bạn được dạy yoga cũng như kỹ năng thuyết trình trước đám đông. Bằng chất giọng pha sự ngô nghê nhưng hiền lành, dễ mến, Kha kể anh là người xung phong lên thuyết trình trước lớp, cũng như đặc biệt yêu thích các bài tập yoga. 

Chàng trai này được xem là người đa tài bậc nhất của lớp khi chơi được nhiều môn thể thao như điền kinh, bóng gỗ, bóng đá, yoga, xe đạp...

Từ chỗ tập luyện thể dục thể thao cho khỏe người, nhiều người thiểu năng, chậm phát triển đã có được một cuộc sống thực sự tích cực nhờ Special Olympic.

Đi nước ngoài như "cơm bữa"

Nhờ tham gia hệ thống giải đấu của Special Olympic, những cô cậu VĐV thiểu năng, chậm phát triển có cơ hội đi nước ngoài thường xuyên. Ông Nhơn cho biết con gái ông đã đi được khá nhiều nước như Mỹ, Úc..., các VĐV khác trong lớp cũng vậy.

"Mỗi lần dắt các em đi dự giải là tôi lại lo, cũng may là có một số phụ huynh sẵn sàng bỏ tiền túi đi theo để trông coi các em phụ tôi. Mạng lưới tình nguyện viên ở các giải đấu của Special Olympic cũng rất tốt" - ông Dũng chia sẻ.

Phan Anh Kha, Nguyễn Ngọc Bảo Trân hay nhiều bạn khác của lớp như Nguyễn Thị Anh Thư (22 tuổi), Bùi Thị Hồng Ngọc (25 tuổi) đều sở hữu một bảng huy chương đồ sộ ở các giải đấu trong nước lẫn ngoài nước.

H.ĐĂNG - T.PHÚC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên