08/04/2020 19:12 GMT+7

Sợ thảm họa kinh tế, chính quyền Ý bị thúc giảm phong tỏa

BẢO DUY
BẢO DUY

TTO - Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã kêu gọi các nước không nên dỡ bỏ quá sớm các biện pháp giãn cách xã hội. Nhưng ở một vài quốc gia, các thiệt hại về kinh tế khiến một số người mất kiên nhẫn, phản đối kéo dài thời gian phong tỏa.

Sợ thảm họa kinh tế, chính quyền Ý bị thúc giảm phong tỏa - Ảnh 1.

Người dân đi qua quảng trường trung tâm Piazza Venezia ở thủ đô Rome của Ý ngày 7-4 - Ảnh: REUTERS

Đó là chưa kể tại một số nước, hiệu quả của các biện pháp giãn cách xã hội chưa rõ ràng khiến nhiều người nghi ngờ.

Nhiều công ty và học giả Ý đang hối thúc chính phủ mở cửa trở lại các nhà máy để tránh một thảm họa kinh tế. Sự chú ý đang đổ dồn về Ý bởi đây là quốc gia có số người chết vì COVID-19 nhiều nhất thế giới và cũng là nước Tây phương đầu tiên áp dụng các biện pháp phong tỏa mạnh tay như Vũ Hán.

Một cuộc tranh luận tương tự đang diễn ra trên toàn cầu: các biện pháp hạn chế nên kéo dài trong bao lâu và ở mức độ mạnh tay như thế nào để vừa ngăn chặn được đại dịch, vừa không để xảy ra những thiệt hại không thể đảo ngược với nền kinh tế.

Cấm kiểu "cuốn chiếu" để hạn chế thiệt hại kinh tế

Ngày 9-3, khi số người chết vì COVID-19 đã hơn 460 người, Chính phủ Ý mới ban bố lệnh phong tỏa toàn quốc nhưng vẫn cho phép người dân ra ngoài đi làm, tập thể dục hay mua nhu yếu phẩm.

Hai tuần sau, Thủ tướng Giuseppe Conte tuyên bố các doanh nghiệp không thiết yếu, bao gồm sản xuất xe hơi, quần áo và đồ nội thất, sẽ phải đóng cửa đến hết ngày 3-4 và bắt đầu xử phạt những người ra ngoài không chính đáng. 

Chính phủ của ông Conte sau đó quyết định gia hạn thêm lệnh cấm tới hết ngày 13-4 và đã đề xuất kéo dài tới hết tháng 4.

Các phản ứng của chính quyền Ý giống với phần lớn phản ứng của các nước khác: các lệnh cấm và hạn chế được ban bố theo kiểu cuốn chiếu, dựa trên tiến triển của dịch bệnh để điều chỉnh. 

Tuy nhiên, tình hình ở Ý khó khăn hơn phần lớn các nước bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Đại dịch đã tấn công vào các trung tâm công nghiệp phía bắc, nơi chiếm tới 1/3 tổng sản phẩm công nghiệp của cả nước.

Hãng tin Reuters dẫn lời một số quan chức Ý cho biết việc nới lỏng lệnh cấm sẽ được tiến hành dựa theo các lĩnh vực sản xuất thay vì địa lý. 

Nhật Bản lại cho thấy điều ngược lại khi chỉ công bố tình trạng khẩn cấp tại Tokyo và 6 tỉnh khác thay vì toàn quốc. Lệnh này cho phép chính quyền địa phương áp dụng một số biện pháp hạn chế tự do đi lại và đóng cửa các doanh nghiệp.

Nới lỏng từng bước thay vì dỡ bỏ đột ngột

Sợ thảm họa kinh tế, chính quyền Ý bị thúc giảm phong tỏa - Ảnh 2.

Bên trong một nhà máy sản xuất xe hơi ở thành phố Vũ Hán - nơi chính thức dỡ bỏ lệnh phong thành từ 0h ngày 8-4 - Ảnh: REUTERS

WHO hôm 7-4 đã kêu gọi các nước không nên dỡ bỏ quá sớm các biện pháp giãn cách xã hội. 

"Nếu bạn bị bệnh và rời khỏi giường quá sớm rồi bắt đầu chạy, có nguy cơ cao bạn sẽ bị té và gặp biến chứng", người phát ngôn của WHO, ông Christian Lindmeier lập luận.

Tại Ấn Độ, đa phần các ý kiến hiện nay đều ủng hộ kéo dài lệnh phong tỏa toàn quốc 3 tuần được ban bố hôm 24-3. Số ca nhiễm mới tại đất nước 1,3 tỉ dân này trồi sụt mỗi ngày và chưa có dấu hiệu ổn định hay trên đà giảm. 

Ông Ashok Gehlot, người đứng đầu bang Rajasthan, cho rằng các lệnh cấm nên được nới lỏng theo từng bước, không phải dỡ bỏ đột ngột.

Suy cho cùng, cách tiếp cận vấn đề của mỗi nước là mỗi khác, dựa trên tình hình thực tế và khả năng đối phó. 

Lấy ví dụ như New Zealand, thay vì tiếp cận kiểu cuốn chiếu, chính quyền của Thủ tướng Jacinda Ardern đã hành động một cách dứt khoát và cứng rắn khi số ca nhiễm tại nước này chỉ mới hơn 100 người.

Ngày 19-3, khi chỉ có 28 ca nhiễm, New Zealand đã quyết định nói không với tất cả người nước ngoài dù nền kinh tế phụ thuộc phần lớn vào du lịch. Ngày 23-3, khi số ca nhiễm vọt lên 102 người, bà Ardern tuyên bố người dân có 48 tiếng chuẩn bị cho lệnh phong tỏa và xét nghiệm trên diện rộng.

New Zealand đang trong 4 tuần phong tỏa toàn quốc với các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt, cấm người dân ra ngoài trừ khi tới siêu thị. Kể từ đó số ca nhiễm tại New Zealand liên tục tăng nhưng cá biệt có 2 ngày không ghi nhận ca nhiễm nào. 

Tổng ca nhiễm tại New Zealand tính tới ngày 7-4 là 1.210 người nhưng chỉ có 1 người tử vong. Số ca nhiễm mới mỗi ngày cũng đã giảm trong 2 ngày liên tục 6 và 7-4.

Cách tiếp cận của chính quyền bà Ardern được tờ Washington Post gọi là "ép và dập dịch" thay vì kéo dài thời gian đạt đỉnh dịch như Mỹ và các nước phương Tây. 

Nghiên cứu ĐH Anh: Phong tỏa hàng loạt cứu sống 59.000 người ở châu Âu Nghiên cứu ĐH Anh: Phong tỏa hàng loạt cứu sống 59.000 người ở châu Âu Nhóm nghiên cứu Mỹ: phong tỏa 6 tuần mới có thể kiểm soát được COVID-19 Nhóm nghiên cứu Mỹ: phong tỏa 6 tuần mới có thể kiểm soát được COVID-19 Giới chuyên gia nói gì về kịch bản Giới chuyên gia nói gì về kịch bản 'Gỡ phong tỏa' kiểu Mỹ?
BẢO DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên