08/03/2021 04:36 GMT+7

Serena Williams và tranh cãi: nữ có thắng được nam?

HUY ĐĂNG
HUY ĐĂNG

TTO - Serena Williams sẽ thế nào nếu thi đấu cùng các đồng nghiệp nam giới? Không ít người hâm mộ, HLV, các nhà khoa học thể thao từng nghĩ đến trường hợp thú vị đó.

Serena Williams và tranh cãi: nữ có thắng được nam? - Ảnh 1.

Serena Williams lực lưỡng chẳng kém gì một tay vợt nam - Ảnh: Reuters

Một câu chuyện có lẽ chỉ có trong tưởng tượng, nhưng là tiêu biểu cho khái niệm bình đẳng nam - nữ trong thể thao. Chuyện nam - nữ đối đầu nhau trong một cuộc đấu thể thao chuyên nghiệp thật ra không phải là không có.

Nam hơn nữ 12%

Ít nhất nó tồn tại trong nội dung đôi nam nữ ở các môn quần vợt, bóng bàn, cầu lông. Nhưng thật ra ai cũng hiểu, một trận đấu đôi nam - nữ thật ra là nam đấu nam, nữ đấu nữ. Sẽ thế nào nếu các tay vợt nữ một chọi một với nam giới?

"Serena Williams chắc chắn là tay vợt nữ giỏi nhất thế giới, có thể là giỏi nhất mọi thời đại. Nhưng nếu chuyển cô ấy sang sân chơi đơn nam, tôi nghĩ Serena chỉ xếp hạng tầm 700 thế giới", huyền thoại John McEnroe nhận định. Và nhiều người đồng ý với ông.

Nhận định của McEnroe là không có cơ sở? Không hẳn. Trên thực tế, một số HLV thường tổ chức cho những VĐV nữ trưởng thành của mình thi đấu với các VĐV nam lứa tuổi U13-14, và kết quả thường là tương đương. Và ở một số môn thể thao như điền kinh, người ta càng dễ đưa ra những thống kê minh chứng chuyện này.

Thành tích tốt nhất sự nghiệp của nữ VĐV chạy cự ly 100m Tori Bowie (từng vô địch thế giới và giành HCV Olympic) là 10,78 giây. Và chỉ trong năm 2017, đã có 15.000 lần thành tích này bị vượt qua bởi các VĐV nam cũng như các nam học sinh trung học.

Tương tự là Allyson Felix (từng giành 6 HCV Olympic) - người có thành tích tốt nhất ở đường chạy 400m nữ là 49,26 giây, cũng bị những đồng nghiệp nam giới vượt qua hơn 15.000 lần trong năm 2017.

Các số liệu thống kê cho thấy sự chênh lệch về hiệu suất giữa nam và nữ trong các môn thể thao tốc độ là từ 8-12%. Có quá nhiều điều tạo ra chênh lệch giới tính ở những môn thể thao đối kháng như quần vợt, với sức mạnh là một trong số những điều cốt lõi.

Ngoài ra, VĐV nữ còn bị sụt giảm sức khỏe vì những vấn đề tâm sinh lý, chuyện sinh đẻ, chấn thương… Và đơn giản, nền thể thao nữ cũng lạc hậu, ít được đầu tư hơn nam giới.

Nữ giỏi hơn ở cuộc đua sức bền

Nhưng vẫn có một số trường hợp ngoại lệ - khi nữ thắng nam trong một cuộc đấu hoàn toàn công bằng, thường nằm ở các cuộc đua chú trọng đến sức bền như xe đạp, chạy marathon, chạy địa hình, bơi biển…

Năm 2019, Fiona Kolbinger - nữ sinh viên y khoa người Đức gây bất ngờ khi giành chiến thắng giải đua xe đạp lừng danh Transcontinental (xuyên lục địa). Cuộc đua này không phân biệt giới tính, với khoảng 200 VĐV nam và 40 VĐV nữ tham dự.

Serena Williams và tranh cãi: nữ có thắng được nam? - Ảnh 2.

Kolbinger đánh bại nhiều cuarơ nam giới - Ảnh: Road.cc

Cũng trong năm 2019, Jasmin Paris - một nữ VĐV người Anh - đã giành chiến thắng ở Montane Spine Race, một giải chạy bộ đường núi cũng không phân biệt giới tính với tổng hành trình lên đến 430km. Cô về đích sau 83 giờ đồng hồ.

Và ấn tượng hơn cả Fiona, Jasmin thậm chí phá luôn kỷ lục cũ của giải đấu đến 12 giờ, xuất sắc hơn tất cả những VĐV nam từng dự giải. Mới đây, người phụ nữ Nga Yekaterina Nekrasova cũng lập nên kỷ lục lặn được 85m dưới mặt băng - không một VĐV nam nào có thể làm được điều tương tự.

Đầu tiên phải nói, những cuộc thi đấu kể trên không hoàn toàn thuộc làng thể thao đỉnh cao. Nhưng đó lại chính là cơ sở để đặt ra so sánh giữa nam và nữ.

Như đã nói ở trên, trong làng thể thao đỉnh cao, nam giới thường được tiếp xúc với những công nghệ đào tạo tối tân hơn nữ, và đó là một sự bất bình đẳng.

Môi trường bán chuyên nghiệp lại công bằng hơn, khi mọi người đều có quyền đầu tư như nhau. Không có cuarơ nam nổi tiếng nào tham gia Transcontinental, nhưng nên nhớ Kolbinger cũng chỉ là một nữ sinh viên y khoa.

Serena Williams và tranh cãi: nữ có thắng được nam? - Ảnh 3.

Những VĐV nữ như Jasmin Paris có thể vượt qua nam giới ở các môn sức bền - Ảnh: Montane

Vậy điều gì đã giúp những cô gái như Kolbinger, Paris hay Nekrasova đánh bại được các đồng nghiệp nam giới?

Thật ra nữ giới cũng có ưu thế của mình. Một nghiên cứu vào năm 2013 chỉ ra rằng phụ nữ có khả năng chống mệt mỏi cơ bắp tốt hơn nam, đồng thời cũng lấy được nhiều năng lượng từ chất béo hơn.

Giáo sư Guillaume Millet người Pháp (từng là VĐV chạy bộ) còn đưa ra giả định: phụ nữ có sức chịu đựng tốt hơn nam giới vì thường xuyên phải chống chọi với những cơn đau sinh lý từ khi còn nhỏ. Và giáo sư Alex Krumer của ĐH St. Gallen (Thụy Sĩ) từng chứng minh rằng phụ nữ chống chọi với sức ép tâm lý tốt hơn nam.

Những thống kê từ giới thể thao đỉnh cao cũng cho thấy ở các môn thể thao sức bền, khoảng cách hiệu suất giữa nam và nữ được giảm còn 5%. Thi thoảng, người ta thấy những nữ VĐV chạy hoặc bơi đường trường có thành tích cao hơn cả nam giới.

Tranh cãi về VĐV chuyển giới

Ưu thế quá lớn của nam giới so với nữ giới trong các môn thể thao trọng sức mạnh và tốc độ làm dấy lên một cuộc tranh cãi lớn về việc chuyển giới.

Trong nhiều cuộc đua ở các giải điền kinh trẻ Mỹ, những VĐV chuyển giới từ nam sang nữ giành chiến thắng áp đảo, khiến những "cô gái thực sự" vô cùng bức xúc.

Những VĐV chuyển giới này bị gọi là "những cô gái sinh học", với ưu thế rõ rệt về sức mạnh, cơ bắp, hình thể. Đáng nói ở chỗ các giải đấu trẻ thường không có quy định rõ ràng về các VĐV chuyển giới, nhiều bang ở Mỹ hầu như không đặt ra bất cứ rào cản nào.

HUY ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên