04/05/2023 09:08 GMT+7

'SEA Games trong mắt tôi': Những tấm huy chương không màu

"SEA Games trong mắt tôi" - là những tấm huy chương không màu, tấm huy chương của tinh thần vượt khó mạnh mẽ.

SEA Games trong mắt tôi: Những tấm huy chương không màu - Ảnh 1.

Lê Tú Chinh vượt lên chính mình để dự SEA Games 32 - Ảnh: HOÀNG TÙNG

Hàng ngàn vận động viên vinh dự được góp mặt tại SEA Games 32, cũng tiêu biểu cho ngần ấy tấm gương về nghị lực vượt khó. Thật tự hào khi trong đoàn thể thao Việt Nam cũng có nhiều tuyển thủ mà chỉ cần sự hiện diện của họ, đã đủ để khiến tất cả phải ngả mũ thán phục.

Ca phẫu thuật cách đây một năm, cùng với mốc thời gian bình phục dự kiến 18 tháng theo các bác sĩ, để Lê Tú Chinh có thể thi đấu trở lại, khiến nỗi lo lỡ hẹn SEA Games lần thứ hai liên tiếp với "nữ hoàng tốc độ" hiện rõ. 

Thiệt thòi cho cá nhân cô gái 26 tuổi này cũng chính là tổn thất khó bù đắp của thể thao nước nhà. Hy vọng bảo vệ những tấm huy chương vàng, thậm chí phá kỷ lục của các kỳ tranh tài trước đó có nguy cơ dang dở. 

Thế nhưng, nhanh chóng lau khô những giọt nước mắt, Tú Chinh cần mẫn tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị và tập nhẹ phục hồi. 

Ý chí thép của cô gái vàng điền kinh Việt Nam cùng sự hỗ trợ của nhân viên y tế, đã giúp Tú Chinh hồi sinh đáng kinh ngạc, như cây xương rồng gan góc. Tham dự tại đại hội thể thao cấp quốc gia mới đây, chỉ là cữ "dượt nhẹ" để giúp cô bắt nhịp lại với không khí thi đấu. 

Đáng khâm phục hơn khi đây không phải lần đầu tiên Tú Chinh "vượt lên chính mình". Năm 2012, cô từng bị ngã và nứt xương cánh tay. Nén cơn đau với một tay bó bột, cô học trò 15 tuổi khi ấy vẫn can trường hoàn thành giáo án rèn thể lực. 

Kịp tranh tài ở Hội khỏe Phù Đổng và đoạt giải cao nhất. Những chấn thương hay tai nạn không ngăn được "chân chạy", hội tụ đầy đủ tài năng và phẩm chất của một nhà vô địch.

Khán giả vẫn không quên hình ảnh từng gây xúc động mạnh, tại SEA Games 30 ở Philippines năm 2019. Nữ vận động viên có thể hình khiêm tốn Phạm Thị Hồng Lệ vừa cán đích nội dung marathon liền bị chuột rút toàn thân, cơ thể co cứng và phải cấp cứu mới giữ được tính mạng. Tấm huy chương đồng lần ấy của cô được ví như huy chương bằng kim cương.

Những tưởng sự nghiệp của cô gái 25 tuổi này phải sớm dừng lại. Vậy nhưng, cô đã trở lại một cách phi thường, kỳ SEA Games tiếp theo tổ chức trên sân nhà, Hồng Lệ đã xuất sắc chinh phục được huy chương vàng đầu tiên trong đời ở nội dung 10.000m. 

Giờ đây, cô gái quê Bình Định này đang sẵn sàng bảo vệ thành công huy chương vàng với cùng cự ly nói trên.

Thể thao là vậy, một nội dung thi nhưng sẽ có nhiều vận động viên hừng hực tinh thần quyết tâm vào cuộc. Huy chương cho ba người có thành tích tốt nhất mang ba màu khác nhau, song vẫn còn vô số huy chương không màu, ẩn chứa sức mạnh vô biên của trái tim luôn cháy hết mình vì màu cờ sắc áo quốc gia. 

Tận lực cống hiến để biến điều không thể thành có thể. Vậy nên, dù kết quả thế nào đi nữa, họ đã sớm trở thành nhà vô địch trong lòng người hâm mộ. 

Để hưởng ứng SEA Games 32, báo Tuổi Trẻ với sự đồng hành của Herbalife Việt Nam sẽ tổ chức hai sân chơi sau: Cuộc thi viết "SEA Games 32 trong mắt tôi" và Cùng Tuổi Trẻ đi tìm "Nhân vật truyền cảm hứng tại SEA Games 32". Mời bạn đọc vào tìm hiểu chi tiết tại đây.

SEA Games trong mắt tôi: Những tấm huy chương không màu - Ảnh 4.

‘Nữ hoàng đi bộ’ Thanh Phúc và nghị lực phi thường của người phụ nữ Việt‘Nữ hoàng đi bộ’ Thanh Phúc và nghị lực phi thường của người phụ nữ Việt

Không chỉ tài năng, bản lĩnh và lối sống của Thanh Phúc đã truyền cảm hứng đến đông đảo phụ nữ, trong đó có các nữ VĐV.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên