07/03/2021 09:35 GMT+7

Sẽ có 3 'bóng hồng' cầm còi ở giải hạng nhất bóng đá nam

NGUYÊN KHÔI
NGUYÊN KHÔI

TTO - Nếu vượt qua đợt kiểm tra thể lực tại Hà Nội, lần đầu tiên sân chơi bóng đá nam chuyên nghiệp Việt Nam sẽ chứng kiến 3 'bóng hồng' làm nhiệm vụ ở Giải hạng nhất 2021.

Sẽ có 3 bóng hồng cầm còi ở giải hạng nhất bóng đá nam - Ảnh 1.

Trương Thị Lệ Trinh

Đó là 3 nữ trợ lý trọng tài FIFA chuẩn Elite Trương Thị Lệ Trinh (Long An), Nguyễn Thị Hằng Nga (TP.HCM) và Hà Thị Phượng (Hải Phòng). Giải hạng nhất 2021 sẽ khai mạc vào ngày 19-3. Theo kế hoạch, các trọng tài sẽ tham gia tập huấn và kiểm tra thể lực từ ngày 15 đến 18-3 tại Hà Nội.

Trương Thị Lệ Trinh: "đọc bài" các cầu thủ nam

Cùng với nữ trọng tài FIFA chuẩn Elite Bùi Thị Thu Trang, nữ trợ lý trọng tài FIFA chuẩn Elite Trương Thị Lệ Trinh (37 tuổi) hôm 23-2 đã được FIFA đưa vào danh sách 750 trọng tài/trợ lý trọng tài trên toàn thế giới cho dự án "Đường tới Úc/New Zealand". Sau khi sàng lọc, 56 nữ trọng tài và 100 nữ trợ lý trọng tài sẽ làm nhiệm vụ ở World Cup nữ 2023.

Niềm vui còn chưa tan, Lệ Trinh còn vừa đón nhận thêm tin vui khi có cơ hội làm nhiệm vụ ở giải đấu của nam. "Tôi rất vui khi được VFF, ban trọng tài và VPF tạo điều kiện thử sức mình ở giải hạng nhất bóng đá nam. Để có thể làm tròn nhiệm vụ, tôi đang ôn lại các kiến thức về luật và chuẩn bị thể lực kỹ hơn. 

Tôi cũng sẽ xem lại một số trận đấu ở Giải hạng nhất 2020 để hiểu hơn về lối chơi của cầu thủ nam, đồng thời rút kinh nghiệm để khi được phân công làm nhiệm vụ sẽ bắt nhịp trận đấu tốt hơn", Lệ Trinh hào hứng.

Lệ Trinh từng làm ở World Cup U17 nữ 2016, 2018 và Giải vô địch nữ châu Á 2014, 2018. Năm 2018, Lệ Trinh đã lọt vào vòng tuyển chọn cuối cùng của FIFA cho suất làm nhiệm vụ ở World Cup nữ 2019. Nhưng để có thể sống được với đam mê cũng như đạt đến thành công hôm nay, cô đã phải nỗ lực không ngừng cả trên sân lẫn trong cuộc sống.

Nhờ là giáo viên dạy giáo dục thể chất tại Trường THPT Tân Trụ (Long An), cô có điều kiện theo đuổi đam mê từ năm 2009. Có tố chất, lại nỗ lực nên Lệ Trinh tiến bộ rất nhanh. Năm 2012, cô được ban trọng tài VFF đăng ký FIFA và một năm sau thì đạt chuẩn Elite (cấp cao nhất của FIFA).

Nhưng khổ nỗi, càng thăng tiến trong nghề trọng tài, cô lại càng gặp khó trong việc sắp xếp thời khóa biểu. "Có hoàn thành tốt công việc ở trường thì tôi mới yên tâm tập luyện và làm nhiệm vụ trọng tài tốt được. Thường thì tôi dạy hết tất cả các ngày trong tuần. Nếu hôm nào dạy cả ngày, tôi phải thức sớm tập thể lực vào buổi sáng. Nếu dạy một buổi thì tôi tập vào buổi còn lại", Lệ Trinh nói.

Nguyễn Thị Hằng Nga: yên tâm vì thi thử thành công

Sẽ có 3 bóng hồng cầm còi ở giải hạng nhất bóng đá nam - Ảnh 2.

Nguyễn Thị Hằng Nga

Không là cầu thủ, lại học khoa điền kinh nhưng Nguyễn Thị Hằng Nga (33 tuổi) lại đam mê với nghề trọng tài. Cô gái quê Long An đang làm việc tại LĐBĐ TP.HCM (HFF) chia sẻ: 

"Năm 2009, khi đang học năm 3 đại học, tôi đã tìm tòi và đăng ký theo học lớp trọng tài sơ cấp do HFF mở vì thấy có thể giúp cho địa phương sau này. Sau một năm tập sự, tôi được làm trọng tài chính thức của HFF năm 2010, rồi tham gia các lớp trọng tài của VFF".

Năm 2012, Hằng Nga được nhận vào làm giáo viên giáo dục thể chất tại Trường THCS Long Hậu (Long An). Ngoài chuyện yên tâm về cuộc sống, do nhà cách trường 20km nên cô được trường tạo điều kiện dạy 1 đến 3 ngày trong tuần. Dù vậy, việc di chuyển Long An - TP.HCM - Long An hằng ngày cũng gần như lấy đi không ít thể lực của cô. 

"Dạy xong ở trường, 16h30 tôi bắt đầu chạy xe lên TP.HCM để tập luyện và sinh hoạt cùng ban trọng tài HFF. Có khi đến 21-22h tôi mới về đến nhà. Nhiều khi mệt quá cũng muốn nghỉ, nhưng đam mê cứ giữ tôi lại", cô kể.

Nỗ lực đã giúp Hằng Nga trở thành trợ lý trọng tài FIFA vào tháng 5-2017 và 6 tháng sau, cô đạt luôn chuẩn Elite. Đón nhận cơ hội sắp làm nhiệm vụ ở Giải hạng nhất 2021, cô chia sẻ: "Tôi đã trải qua những trận đấu của nam như giải vô địch TP.HCM, các đội mạnh TP.HCM... nên cũng bớt căng thẳng. 

Điều quan trọng là phải tập thể lực để có thể vượt qua đợt kiểm tra sắp tới. Trước tết, nhân dịp các trọng tài nam kiểm tra ở sân Thống Nhất, tôi đã xin kiểm tra thử và đạt. Điều này khiến tôi phần nào cũng yên tâm".

Hà Thị Phượng: không sợ cầu thủ nam vì là... phụ nữ

Sẽ có 3 bóng hồng cầm còi ở giải hạng nhất bóng đá nam - Ảnh 3.

Hà Thị Phượng

Năm 2020, Hà Thị Phượng (35 tuổi) do thi trượt thể lực nên cô mất cơ hội trở thành nữ trợ lý trọng tài đầu tiên ở giải hạng nhất. Nhưng lần này, Phượng quyết tâm sẽ thay đổi điều đó: "Thời gian qua, tôi đã tập luyện rất kỹ để có thể làm nhiệm vụ ở Giải hạng nhất 2021".

Từng là cầu thủ nữ trẻ ở Quảng Ninh, không thể theo bóng đá nữ chuyên nghiệp, cô theo học Trường đại học TDTT Từ Sơn rồi đăng ký theo học lớp trọng tài vào năm 2006 để tiếp tục giấc mơ bóng đá. Ra trường năm 2009, một năm sau cô đã bắt đầu theo nghề trọng tài. 

Thế nhưng bóng đá nữ VN mỗi năm có quá ít giải, chế độ lại thấp, nên để có thể sống với đam mê, Phượng xin vào làm nhân viên văn phòng ở CLB Hải Phòng.

Công việc tại CLB Hải Phòng bắt đầu vào 8h sáng và kết thúc vào 17h. Vì thế, Phượng phải dậy tập thể lực từ 6h đến 7h30 rồi đi làm. Buổi chiều, cô lại ra sân tập từ 17h30 đến 19h30. Thậm chí, có khi Phượng còn tập lúc 21h để làm quen với múi giờ làm việc ở nước ngoài. 

Cô kể: "Làm trọng tài nữ ở VN chỉ là đam mê thôi, chứ để đáp ứng nhu cầu sống thì chắc chắn là không. May mà tôi được lãnh đạo CLB Hải Phòng hiểu nên tạo điều kiện làm việc tại đây trong 8 năm qua".

Phượng đạt trợ lý trọng tài FIFA năm 2015, hai năm sau thì đạt chuẩn Elite. Hai giải đấu lớn mà cô từng làm nhiệm vụ là ASIAD 2018 và vòng loại Olympic 2020 năm 2019. Dù vậy, làm nhiệm vụ trong một trận đấu của nam thì Phượng gần như chưa từng, ngoại trừ một lần ở trận giao hữu của đội tuyển VN vào năm 2012.

Dù vậy, cô không hề lo lắng: "Tôi không sợ cầu thủ nam lao vào phản ứng vì tôi làm đúng luật và đúng chuyên môn thì không có gì phải sợ. Hơn nữa, họ cũng chẳng thể nào hùng hổ phản ứng được bởi tôi là... phụ nữ".

Họ sẽ vượt qua bài kiểm tra

Giải thích việc chọn 3 trợ lý trọng tài nữ chuẩn bị cho Giải hạng nhất 2021, trưởng ban trọng tài VFF Dương Văn Hiền cho biết: "Do hằng năm không được làm nhiệm vụ bao nhiêu nên cũng cần tạo điều kiện nhiều hơn cho họ có thể làm ở giải chuyên nghiệp của nam. Thế giới người ta cũng làm rồi, mình cũng nên làm. Bên cạnh đó, việc trao cơ hội cho trợ lý trọng tài nữ cũng tăng cường tính cạnh tranh với các trợ lý trọng tài nam, nâng cao chất lượng giải đấu".

Bài kiểm tra thể lực dành cho nam sẽ khác nữ. Cụ thể, trợ lý trọng tài nam sẽ phải chạy 75m trong 15 giây, đi bộ 25m trong 22 giây rồi chạy tiếp. Một vòng sân sẽ có 4 lần chạy 75m và đi bộ 25m như thế. Và các trọng tài phải chạy 10 vòng. Trong khi đó, trợ lý trọng tài nữ nếu làm nhiệm vụ ở giải bóng đá nữ chạy 75m trong 17 giây, đi bộ 25m trong 24 giây.

Nghe có vẻ chỉ chênh vài giây/vòng, nhưng nếu gộp lại 10 vòng thì là con số rất lớn và không dễ cho các trợ lý trọng tài nữ có thể vượt qua. Dù vậy, ông Hiền vẫn lạc quan về việc cả ba sẽ vượt qua bài kiểm tra thể lực sắp tới.

Bảng thành tích ngọt ngào của những bóng hồng quần vợt Bảng thành tích ngọt ngào của những bóng hồng quần vợt

TTO - Quần vợt nữ thế giới năm 2009 đã đi hết bất ngờ này đến bất ngờ khác trong đó ba cái tên nổi bật nhất chính là Serena Williams, Dinara Safina và Kim Clijster.

NGUYÊN KHÔI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên