15/06/2020 21:13 GMT+7

Sau nỗi đau mất mẹ cha, lần từng bước vào con đường đại học

THÙY TRANG - CHÍ CÔNG
THÙY TRANG - CHÍ CÔNG

TTO - "Nhiều lúc em chua xót nghĩ con đường học vấn của mình được tiếp bước trên nỗi đau mất mẹ mất cha. Em thuộc diện mồ côi, học phí gì cũng chỉ cần đóng một nửa", Nguyên nói.

Sau nỗi đau mất mẹ cha, lần từng bước vào con đường đại học - Ảnh 1.

Thời gian không lên lớp hay đi làm thêm, Nguyên dùng hết tâm trí vào bài học - Ảnh: THÙY TRANG

Còn học được, cứ học

Cô sinh viên năm thứ tư ngành dược Trường Đại học Nam Cần Thơ, Nguyễn Thị Ngọc Nguyên, khẳng định: "Chừng nào trường không cho nợ học phí thì chừng đó em mới nghĩ đến việc nghỉ học". 

"Nhiều lúc em chua xót nghĩ con đường học vấn của mình được tiếp bước trên nỗi đau mất mẹ mất cha. Em thuộc diện mồ côi, học phí gì cũng chỉ cần đóng một nửa", Nguyên rưng rưng.

Rời quê An Giang đến Cần Thơ trọ học đối với Nguyên là quyết định "sống còn", bởi ngày Nguyên đi xóm giềng ở quê ai cũng cản, nói con gái một thân một mình côi cút "đi đâu xa lơ xa lắc", "lên đó dễ bị gạt lắm" hay "không biết học tới đâu mà bày đặt bon chen". Nguyên nghe riết quen tai nhưng không từ bỏ. "Người ta gạt được mình là do mình cả tin hoặc có lòng tham, nhưng em nghĩ nhất quyết mình sẽ sáng suốt", Nguyên bày tỏ.

Nguyên chọn ngành dược vì đó là niềm đam mê từ nhỏ. Thấy mấy cô bán thuốc tay thoăn thoắt chọn thuốc, hay nghe danh cô đó bán thuốc mát tay là Nguyên nhìn mãi không chán, lâu dần Nguyên quyết tâm phải theo đuổi ngành này đến cùng.

Ngày cầm trên tay tờ giấy báo trúng tuyển chưa kịp vui trọn, bảng học phí làm Nguyên đắn đo. "Em thử chỉ xin trường gia hạn thời gian đóng học phí, lúc em nêu lý do thì thầy cô nói em được giảm phân nửa. Em khóc mướt tại chỗ", Nguyên kể. 

Sau nỗi đau mất mẹ cha, lần từng bước vào con đường đại học - Ảnh 2.

Nguyên vừa trở lại làm việc ở tiệm giặt ủi sau khi hết giãn cách xã hội vì dịch COVID-19- Ảnh: THÙY TRANG

Phần học phí còn lại, Nguyên vay Ngân hàng Chính sách xã hội. Sau giờ học, cô làm đủ thứ việc, từ bưng bê phục vụ quán ăn đến nhân viên giặt ủi. "Bốn năm qua, em học và làm như vậy cũng đủ trang trải cuộc sống. Cũng may mấy tháng nghỉ dịch, dù không có việc làm nhưng cũng có cơm ăn qua bữa của mấy cô chú hảo tâm nấu cho người nghèo. Còn cô chủ thương tình không lấy tiền thuê phòng", Nguyên nói.

Trong căn phòng trọ nóng hầm hập vì mái tôn, Nguyên cố gắng đọc cho xong quyển sách chuyên ngành mới mượn của các anh chị khóa trước. Nguyên nhỏ giọng tâm sự: sách mượn được của ai thì cứ mượn, để không tốn tiền vào khoản đó, tập trung hết sức để đọc và ghi chú những mục quan trọng sau này có cái mà xem lại.

"Chỉ học, em mới có tương lai"

14h30, giờ học trên giảng đường đã tan từ lâu. Bạn học ai nấy cũng vội ra về. Trần Thị Ngọc An - lớp dược 12D (Trường ĐH Tây Đô) vẫn còn ngồi lặng lẽ ở một góc phòng học B7 cặm cụi học bài.

Sau nỗi đau mất mẹ cha, lần từng bước vào con đường đại học - Ảnh 3.

Tan học, An vẫn ở lại lớp học bài cùng các bạn - Ảnh: CHÍ CÔNG

Cha mẹ ly hôn hơn 8 năm. Vắng đi tình thương của mẹ, san sẻ luôn tình thương của cha, An và em sống côi cút với ông bà nội ở ấp Phú Thượng 2, xã Kiến An (Chợ Mới, An Giang). Ông Trần Thanh Dũng cũng rất mực thương con, vất vả mần ăn, nhưng là dân thương hồ nên cuộc sống của ông  Dũng cũng lênh đênh theo con nước.

"Ba em chạy ghe mướn. Có hàng nhiều, ba chạy nhiều. Ít hàng, không có hàng thì ba neo ghe đậu. Ai mướn gì ba em mần nấy. Biết em ham học, ba cứ động viên hoài, không để em bỏ cuộc", An trải lòng.

An làm thêm rất nhiều. Hễ có thời gian rảnh là An đi mần. Cô hết làm gia sư dạy kèm rồi đến giúp việc lau dọn nhà cửa. "Mần thêm, em kiếm 50.000 đồng/ngày. Lúc nào lịch học ở trường nhiều, em cũng nghỉ làm để tập trung học. Số tiền ít ỏi đó thật sự không đủ để em trang trải việc học" - dứt lời, mắt An đỏ hoe.

Khó khăn là vậy nhưng thay vì gục ngã, An chấp nhận đương đầu với nghịch cảnh. An biết và tin mình có thể làm được. An tâm sự: "Em có thể nằm nghỉ khi mệt, nhịn ăn đi học, chứ em chưa bao giờ có ý định bỏ cuộc. Em cần cố gắng hơn nữa để không phụ lòng ba kỳ vọng".

Sau nỗi đau mất mẹ cha, lần từng bước vào con đường đại học - Ảnh 4.

Tan học, An vẫn ở lại lớp học bài cùng các bạn - Ảnh: CHÍ CÔNG

Hơn hai năm qua, An luôn đạt thành tích giỏi trong học tập. Bí thư Đoàn khoa khoa dược - điều dưỡng (Trường ĐH Tây Đô) Nguyễn Phú Quý cho biết An là sinh viên rất tốt cả về mặt học tập và hoạt động phong trào, không chỉ học giỏi mà còn là sinh viên đạt danh hiệu 5 tốt cấp TP Cần Thơ.

"Năm nay, An học năm thứ 3, lịch học nhiều lắm, ít thời gian rảnh để đi mần thêm. Vì vậy, học bổng Tiếp sức đến trường của báo Tuổi Trẻ sẽ giúp cho An nhiều lắm, vượt qua khó khăn trước mắt. Sau đó, An có thêm động lực để học tốt, ra trường kiếm việc làm lo cho tương lai của mình", ông Quý kỳ vọng.

Tiếp sức đến trường chắp cánh ước mơ cho những thiên thần áo trắng Tiếp sức đến trường chắp cánh ước mơ cho những thiên thần áo trắng

TTO - 30 suất học bổng “Tiếp sức đến trường” do Ủy ban tương trợ người Việt tại Đức thông qua báo Tuổi Trẻ đã được trao cho các sinh viên ngành y đang học tập tại Huế chiều 12-6.

THÙY TRANG - CHÍ CÔNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên