31/01/2012 05:49 GMT+7

Sân Thống Nhất đối mặt với án phạt

NGUYÊN KHÔI
NGUYÊN KHÔI

TT - 2/4 trận tứ kết Cúp quốc gia 2012 chiều 29-1 đã có đến năm thẻ đỏ trực tiếp. Trong đó hai chiếc thẻ đỏ trận Sài Gòn FC - Thanh Hóa trên sân Thống Nhất vẫn không thể lột tả hết cảnh bạo lực cả trong lẫn ngoài sân cỏ sau trận đấu.

TT - 2/4 trận tứ kết Cúp quốc gia 2012 chiều 29-1 đã có đến năm thẻ đỏ trực tiếp. Trong đó hai chiếc thẻ đỏ trận Sài Gòn FC - Thanh Hóa trên sân Thống Nhất vẫn không thể lột tả hết cảnh bạo lực cả trong lẫn ngoài sân cỏ sau trận đấu.

Đỉnh điểm là tình huống tranh chấp ở phút 88. Anh Tuấn (Thanh Hóa) trong pha tranh bóng đã giật chỏ vào mặt tiền đạo Nsi. Khi đội chủ nhà được hưởng quả đá phạt, cầu thủ hai đội lao vào nhau để cự cãi và tiền đạo Sunday xông vào tấn công tiền đạo Huỳnh Kesley (Sài Gòn FC), đuổi anh này chạy lòng vòng trên sân. Dù ban huấn luyện hai đội lao vào sân can ngăn nhưng một số cầu thủ vẫn tiếp tục tranh cãi. Trong tình huống lộn xộn, một trợ lý của CLB Sài Gòn FC bị cầu thủ Thanh Hóa đánh vào mặt.

Do những hành động này xảy ra trước khán đài A khiến khán giả hết sức bất bình, rồi dẫn đến bực tức khi chứng kiến trung vệ Bật Hiếu dù đã bị thay ra sân ở phút 60 vẫn lao vào sân muốn ăn thua đủ với đối phương. Chưa hết, một số cầu thủ Thanh Hóa còn quay lên khán đài khiêu khích khán giả khi bị phản ứng cuối trận. Tức giận vì điều đó, hàng trăm khán giả TP.HCM đã bao vây trước cửa sân Thống Nhất để chờ các cầu thủ Thanh Hóa.

Không thể tiếp cận các cầu thủ khách vì lực lượng an ninh đứng chắn trước cổng khán đài A, các CĐV ném cơn mưa gạch đá vào phía xe chở đội Thanh Hóa khiến kính xe bị vỡ, làm bị thương nhẹ vài cầu thủ Thanh Hóa. Không thể ra về, các cầu thủ Thanh Hóa phải vào lại bên trong sân lánh nạn. Một giờ sau khi trận đấu kết thúc, các cầu thủ Thanh Hóa mới có thể lên xe... chuyên dùng của cảnh sát cơ động để về khách sạn.

Có mặt trên sân Thống Nhất, phó tổng giám đốc điều hành VPF Phạm Phú Hòa cho biết: “Chúng tôi chờ báo cáo của giám sát trận đấu, giám sát trọng tài, ban tổ chức sân xem như thế nào rồi sẽ chuyển cho ban kỷ luật xử lý”. Còn theo trưởng ban kỷ luật Nguyễn Hải Hường: “Tôi đã đọc những gì báo chí nêu về trận đấu này. Chúng tôi phải chờ bên VPF tổng hợp và chuyển sang mới họp để giải quyết. Nếu cầu thủ Thanh Hóa sai phạm nghiêm trọng hơn mức trọng tài đã xử trên sân, chúng tôi sẽ xử nặng hơn. Chuyện ban tổ chức sân Thống Nhất không đảm bảo an toàn cho đội khách sau trận đấu cũng thế. Nếu ban tổ chức sân đã làm hết mức mà không thể ngăn được, chúng tôi sẽ nhắc nhở hoặc cảnh cáo. Còn nếu họ bị động, không có phương án đảm bảo an toàn sẽ bị phạt nặng”.

“Nhưng liệu án phạt có đủ sức răn đe nếu các cầu thủ Thanh Hóa bị treo giò ở Cúp quốc gia khi đội này đã bị loại?”. Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Hải Hường cho biết: “Cầu thủ vi phạm ở giải nào chỉ có thể treo giò họ ở giải đó. Thanh Hóa đã bị loại nhưng sang năm những cầu thủ đó sẽ tiếp tục bị treo giò ở Cúp quốc gia”.

Hội CĐV Sài Gòn FC vô can?

Theo ông Trần Hữu Nghĩa, thành viên ban điều hành Hội CĐV Sài Gòn FC, không có thành viên nào của hội tham gia nhóm CĐV bao vây cổng vào khán đài A sân Thống Nhất để phản ứng và ném đá xe chở đội Thanh Hóa.

Ông nói: “Thấy cầu thủ đá kiểu đó tôi biết thế nào cuối trận cũng đánh nhau. Do đó trước khi ra lấy xe, tôi đã kêu gọi anh em trong hội phải về ngay, không ra khu vực căng thẳng trước sân. Hơn nữa, tiêu chí hoạt động của hội là phải luôn hòa nhã dù đội khách đá xấu cũng không được phản ứng tiêu cực”.

NGUYÊN KHÔI

TT - Ban tổ chức sân khó thoát án phạt vì đã để CĐV ném đá tấn công xe chở cầu thủ đội Thanh Hóa vào chiều 29-1 sau trận tứ kết Cúp quốc gia tại sân Thống Nhất. Một trận đấu được xem là vết nhơ của bóng đá VN ngày mở hàng năm Nhâm Thìn.

Không ai chấp nhận hành động của các CĐV này. Nhưng cũng cần truy lại căn nguyên vì sao họ lại làm như vậy, nhất là khi sân Thống Nhất xưa nay chẳng phải là “điểm nóng” về nạn bạo hành. Tất cả các báo, từ báo mạng đến báo in, đều tường thuật và đưa hình ảnh giống nhau: sau khi bị chủ nhà Sài Gòn FC thực hiện thành công cuộc lội ngược dòng bằng bàn thắng nâng tỉ số lên 2-1 ở phút 83, các cầu thủ Thanh Hóa không giữ được bình tĩnh đã hướng trận đấu theo chiều hướng thi thố kungfu!

Khán giả trên sân Thống Nhất đã nổi giận khi sự thô bạo đạt đến đỉnh, đó là việc cầu thủ Lê Bật Hiếu từ bên ngoài sân đã lao vào tấn công Kesley của đội chủ nhà Sài Gòn FC. Chưa hết, khi đội Thanh Hóa lên xe rời sân Thống Nhất, trước đám đông khán giả la ó phản đối, các cầu thủ khách trên xe còn có thái độ khiêu khích. Và điều đó thổi bùng ngọn lửa giận dữ từ khán giả.

Các cầu thủ VN hiện đang được hưởng một mức thu nhập rất cao so với những gì họ mang lại cho xã hội. Thu nhập ấy là nhờ những doanh nghiệp đổ tiền vào bóng đá và từ những bản hợp đồng tài trợ kếch sù cho các đội bóng. Thông thường với bóng đá chuyên nghiệp thực thụ, tiền tài trợ, tiền đầu tư mà các doanh nghiệp, nhà tài trợ bỏ ra với mong muốn quảng bá thương hiệu qua bóng đá. Mà đã là quảng bá thương hiệu, việc tạo thiện cảm trong mắt khán giả là điều quan trọng số 1. Nói ngắn gọn, khán giả là thượng đế thực thụ trong bóng đá. Vậy mà các cầu thủ lại xem thượng đế như rơm rác! Bằng chứng là kiểu hành xử thiếu văn hóa của một số cầu thủ đội Thanh Hóa chiều 29-1.

Theo lẽ thường tình, những nhà tài trợ cho đội Thanh Hóa sẽ phải làm việc một cách nghiêm túc với đội bóng này vì đã để ảnh hưởng thương hiệu của mình trong mắt công chúng. Nhưng ở bóng đá VN hình như chưa có nhà tài trợ nào làm chuyện đó? Và sự bất thường của một nền bóng đá được gọi là chuyên nghiệp chính là  ở đây: nhiều doanh nhân chi tiền cho bóng đá để được đổi lại một điều gì đó từ các địa phương, chứ thật sự bóng đá chẳng phải là nơi họ đầu tư theo ý nghĩa thông thường của từ đầu tư!

Đó là một khía cạnh không giống ai của bóng đá Việt.

TRƯỜNG HUY

NGUYÊN KHÔI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên